(Thethaovanhoa.vn) - Đêm 19/2, Khoa Hồi sức tích cực - Bệnh viện Bạch Mai lại ghi nhận thêm một trường hợp tử vong do tự ý điều trị đái tháo đường bằng viên “tiểu đường hoàn”.
Hàng chục triệu người trên thế giới có nguy cơ không được tiêm insulin để điều trị bệnh tiểu đường nếu không có sự cải thiện mạnh mẽ trong việc tiếp cận và khả năng mua loại thuốc này trong bối cảnh nhu cầu về insulin hiện đang tăng cao kỷ lục do số người mắc bệnh tiểu đường trên toàn cầu ngày một gia tăng.
Đó là bệnh nhân nữ V.T.H.Ng (63 tuổi, ở Đội Nhân, Ba Đình, Hà Nội). Bệnh nhân có tiền sử đái tháo đường cách đây 3 năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y theo chỉ định của bác sĩ mà dùng thuốc “tiểu đường hoàn”, mỗi ngày uống 8 viên.
Bệnh nhân xuất hiện mệt mỏi, kém ăn, buồn nôn nên gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện 354 điều trị. Sau đó, bệnh nhân đau bụng nhiều, khó chịu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, được chẩn đoán sốc do nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, suy đa tạng, được điều trị tích cực, lọc máu 4 lần nhưng tình trạng không được cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Mai Cường - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, ngày 15/2, Khoa tiếp nhận bệnh nhân V.T.H.Ng (63 tuổi) được chuyển đến từ Bệnh viện 354 trong tình trạng toan chuyển hóa nặng, suy đa tạng nghi do ngộ độc phenformin (một thuốc đã bị cấm 40 năm nay)/ Đái tháo đường tuýp 2. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực để duy trì sự sống hoàn toàn nhờ máy như hỗ trợ tim phổi nhân tạo, lọc máu liên tục. Tuy nhiên, đến đêm 19/2, bệnh nhân đã tử vong trước sự bất lực của các thầy thuốc và gia đình.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đào Xuân Cơ, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai: Thời gian gần đây, Khoa liên tục tiếp nhận các bệnh nhân gặp biến chứng nặng sau một thời gian tự ý dùng thuốc “tiểu đường hoàn” để điều trị bệnh tiểu đường, 4 trong số 5 bệnh nhân trên đã tử vong. Các bệnh nhân trên đều vào viện trong một bệnh cảnh giống nhau: đau bụng, mệt mỏi, vào viện trong tình trạng sốc, suy đa tạng diễn biến xấu rất nhanh, xét nghiệm axit lactic trong máu cao.
Các bệnh nhân đều có tiền sử đái tháo đường nhiều năm nhưng không điều trị bằng thuốc tây y mà tự điều trị bằng viên “tiểu đường hoàn” - màu xanh hoặc màu đỏ không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, được bán tràn lan, mua rất dễ. Tất cả bệnh nhân đều có chung chẩn đoán: Toan chuyển hóa do ngộ độc phenformin/ Đái tháo đường tuýp 2.
Kết quả xét nghiệm các viên thuốc “tiểu đường hoàn” mà các bệnh nhân đã sử dụng đều dương tính với phenformin. Đây là một hoạt chất giúp hạ đường huyết nhưng gây nhiều tác dụng phụ và nguy hiểm chết người nên đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, họ đã trà trộn, mạo danh thuốc đông y để bán ra thị trường.
Theo các chuyên gia, đái tháo đường là bệnh mạn tính, có thể kiểm soát và hạn chế tối thiểu các biến chứng của nó nếu bệnh nhân được tuân thủ một liệu trình điều trị, theo dõi liên tục, đúng đắn, phối hợp với một chế độ ăn uống hợp lý và tập luyện phù hợp theo chỉ định của bác sỹ. Nhiều người thường tự mày mò các phương pháp điều trị bằng “thuốc đông y”, hoặc kinh nghiệm dân gian dẫn đến những biến chứng nguy hiểm và đáng tiếc.
Mai Thủy/TTXVN