(Thethaovanhoa.vn)- Nhân dịp Kỷ niệm 30 năm Ngày báo Nhân Dân cuối tuần ra số đầu (12/2/1989 – 12-2/2019), báo Nhân Dân phối hợp Nhà xuất bản Văn học ra mắt hai Tuyển tập tác phẩm văn học in trên Nhân Dân cuối tuần: 30 năm Thơ (gồm 150 tác phẩm) và 30 năm Truyện ngắn (gồm 30 tác phẩm).
Nhận Giải thưởng Văn học châu Á tại Hàn Quốc tuần qua với tiểu thuyết "Nỗi buồn chiến tranh", nhà văn Bảo Ninh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa: “Tác phẩm này đã được dịch hai lần ở Hàn Quốc, một lần từ bản tiếng Anh và một lần dịch trực tiếp từ bản tiếng Việt, và cả hai bản dịch đều rất chất lượng”.
Những tác phẩm được in trong 2 tuyển tập này đều được lựa chọn từ những bài thơ và truyện ngắn xuất sắc nhất, từng đăng tải trên báo Nhân Dân cuối tuần 30 năm qua. Ở đó, độc giả sẽ hình dung được một phần cơ bản về diện mạo văn chương Việt Nam trong suốt 3 thập kỷ gần đây.
Đơn cử, trong tuyển tập thơ, chúng ta gặp lại Khương Hữu Dụng, Tố Hữu, Hoàng Cầm, Tế Hanh, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Sanh – những nhà thơ lớp đầu của nền thi ca cách mạng Việt Nam. Kế tiếp họ là Nguyễn Khoa Điềm, Phạm Ngọc Cảnh, Phạm Tiến Duật, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Quang Thiều, Trần Hòa Bình, Trần Quang Quý, Đỗ Trọng Khơi, Mai Văn Phấn… Thế hệ trẻ hơn, những nhà thơ sinh ra sau 1975, thậm chí sau đổi mới, tiếp tục hành trình thi ca ấy, để góp mặt với: Trần Hoàng Thiên Kim, Trương Trọng Nghĩa, Lữ Thị Mai, Khúc Hồng Thiện, Hoàng Chiến Thắng… Và nhà thơ Nguyễn Quang Thiều dùng hình ảnh ““Một đại lộ của thi ca” để nói về sự hiện diện của các thế hệ thi nhân Việt Nam trên Nhân Dân cuối tuần.
Tương tự, ở tuyển tập truyện ngắn, độc giả cũng nhận ra những bóng dáng đã hằn sâu vào lịch sử văn học dân tộc. Đó là Ma Văn Kháng (Mèo con nghịch ngợm), Khuất Quang Thụy (Giả sơn), Lê Minh Khuê (Ngày còn dài), Dương Duy Ngữ (Phóng sinh), Võ Thị Xuân Hà (Lá bùa),… Thế nhưng, ở phần tuyển chọn truyện ngắn này, những cái tên còn rất trẻ đã hiện diện nhiều hơn, cho thấy một nguồn động năng mạnh mẽ ở thì hiện tại. Có thể kể đến Nguyễn Thị Phương Liên (Vô thanh), Phong Điệp (Tình câm), Nguyễn Thị Kim Hòa (Cốm xuân), Trần Thị Tú Ngọc (Truyền thuyết hoa huyết mộc), Nguyệt Chu (Bông ngọc lan phủ chúa), Đinh Phương (Mưa trong thành phố), Lý A Kiều (Xuân trên núi)…
Nói như nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng, ở những tác phẩm của thế hệ 7x, 8x ấy, người đọc có thể nhận ra bước chuyển khá rõ rệt trong trường thẩm mỹ của các thế hệ - khi lớp nhà văn trẻ hiện nay trình hiện một lối viết khác, bắt nguồn từ cảm thức khác về cuộc đời, bản ngã và nghệ thuật, đồng có sự dịch chuyển từ truyện kể (kể cái gì) sang cách kể (kể như thế nào)…
Ra mắt vào 12/2/1989, báo Nhân Dân cuối tuần là ấn phẩm cuối tuần đầu tiên của làng báo chí cách mạng Việt Nam.Bên cạnh hoạt động chuyên môn (đã xuất bản 1564 số báo), tham gia tích cực vào các số báo Tết cũng như các số báo Đặc biệt hằng năm của báo Nhân Dân, ấn phẩm cuối tuần còn chú trọng đến tổ chức các cuộc tọa đàm, hội thảo nghiệp vụ theo định kỳ cũng như theo yêu cầu từ thực tiễn, thu hút được nhiều chuyên gia đầu ngành, nhà khoa học, nhà nghiên cứu của các lĩnh vực tham gia, kiến giải được nhiều giải pháp thiết thực.
Trong lễ kỷ niệm vào sáng nay 20/2, báo Nhân Dân cuối tuần đã vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Trước đó, vào năm 2014, báo Nhân Dân cuối tuần đã được Chủ tịch nước quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vì những thành tựu của mình.
Sơn Tùng