(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày Đại hội Đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội (từ 9-11/7), Việt Nam và Mỹ đang kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ, hướng về một tương lai hòa bình và thịnh vượng. Dù bận “trăm việc” chuẩn bị cho Đại hội, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, vẫn dành cho Thể thao & Văn hóa một cuộc trò chuyện về mối quan hệ văn chương bền bỉ giữa các nhà văn Việt Nam và Mỹ.
Là một trong những người tham gia tích cực vào quá trình xây dựng mối quan hệ giữa các nhà văn hai nước, mới đây, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã có sáng kiến cùng 10 nhà văn của 4 nước (Việt Nam, Mỹ, Cuba, Colombia) khởi thảo một bức thư gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro để kêu gọi hai nước này sớm bình thường hóa quan hệ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ:
- Chúng tôi đã soạn bức thư này bằng 3 thứ tiếng: Anh, Tây Ban Nha và Việt. Các nhà thơ cựu binh Mỹ có nhiệm vụ chuyển bức thư này tới Tổng thống Mỹ Barack Obama. Còn các nhà thơ Cuba sẽ gửi bức thư cho Chủ tịch Cuba Raul Castro
Câu chuyện chỉ đơn giản như vậy. Nhưng những nhà thơ, nhà văn Việt Nam, Mỹ và Cuba là những người có lý do nhất để viết lá thư này bởi những gì họ đã trải qua trong lịch sử của mỗi nước với nhau.
* Ngoài viết thư, ông còn có sáng kiến xin hàng trăm chữ ký của các nhà văn, nhà thơ trên toàn thế giới ký tên ủng hộ bức thư này?
- Đúng vậy. Riêng ở Việt Nam có gần 600 chữ ký của các nhà văn, nhà thơ, trí thức, quân nhân, công an, nông dân...
Còn ở Mỹ và các nước khác trên thế giới có tới hàng chục ngàn chữ ký. Đặc biệt các nhà văn Mỹ đã nỗ lực hết sức để truyền lá thư này tới các nhà văn, nhà thơ và trí thức Mỹ.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
* Được biết, bức thư đã thư đã được gửi đến Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Cuba Raul Castro. Kết quả thế nào, thưa ông?
- Bức thư đã được gửi đi. Cho dù thế nào thì bức thư đã cho thế giới hiểu được khát vọng của các nhà văn nhà thơ về một thế giới của tình bạn và sự tôn trọng.
Cho đến bây giờ, các nhà văn, nhà thơ Mỹ vẫn tiếp tục lấy chữ ký của các công dân Mỹ. Nhà thơ Kevin Bowen, một người bạn của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, nói: Chúng tôi chỉ dừng xin chữ ký vào bức thư này khi nào quan hệ Mỹ và Cuba chính thức bình thường hóa.
Cánh cửa lớn mở ra... nhà văn cựu binh Mỹ đã quyết định mở một con đường để văn học Việt Nam vào Mỹ.
* “Thế là quá khứ băng giá đang tan dần, phác họa tương lai ấm áp đã hình thành”. Khi còn đương nhiệm, tổng thống Bill Clinton đã xúc động phát biểu như thế khi hai nước có thể trở thành đối tác. Nhân kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ, xin ông chia sẻ thêm những câu chuyện hướng tới sự hòa giải giữa nhà văn hai nước.
- Sau năm 1975, những cựu binh Mỹ bắt đầu trở lại Việt Nam. Họ muốn trở lại mảnh đất này để trả lời cho câu hỏi mà họ đã mang theo suốt nhiều năm từ khi đặt chân đến chiến trường Việt Nam. Câu hỏi đó là: Mảnh đất này chứa đựng điều gì? Và câu trả lời tốt nhất cho họ chính là văn hóa Việt Nam, thể hiện từ những tác phẩm văn học nghệ thuật.
Nhà thơ - GS Bruce Weigl trò chuyện với những người phụ nữ Việt Nam
Khi họ đọc được những tác phẩm văn học của các nhà văn Việt Nam sáng tác chủ yếu trong thời gian chiến tranh thì lần đầu tiên họ đã nhận ra dân tộc này. Nhà văn, giáo sư Lary Rotman đã viết bài thơ nổi tiếng Các nhà thơ Hà Nội thuộc lòng tất cả thơ của họ đã nói: Khi tôi nghe họ đọc thơ, tôi thấy một cánh cửa lớn mở ra và tôi đã nhìn thấy bên trong tâm hồn họ. Lúc đó, tôi hiểu nước Mỹ đã sai lầm.
Nhà thơ Kevin Bowen đã đi nhiều nơi trên nước Mỹ để đọc bài thơ Chơi bóng rổ với Việt cộng. Bài thơ này có câu: Ông đã cười bên chín nhánh Cửu Long/ Nụ cười ấy làm chúng ta hạ súng. Ông trong bài thơ này chính là một nhà văn người lính Việt Nam. Và từ khi nhận ra nền văn hóa Việt Nam thông qua những tác phẩm văn học, những nhà văn cựu binh Mỹ đã quyết định mở một con đường để văn học Việt Nam vào Mỹ...
* Từ đó, Văn học Việt Nam đã vào Mỹ trong sự hợp tác, trao đổi văn hóa, dịch thuật, xuất bản... thưa ông?
- Các nhà thơ nhà văn tên tuổi Mỹ đã tiếp tục giúp Hội Nhà văn Việt Nam trong công việc dịch thuật và giới thiệu các tác phẩm tốt của tác giả Việt Nam vào Mỹ và ra thế giới. Chúng tôi cũng đang bàn luận tới việc đào tạo các dịch giả tiếng Anh văn học thông qua chương trình hợp tác giữa Hội Nhà văn Việt Nam với một số trung tâm viết văn và các trường đại học ở Mỹ.
* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
An Như (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa