Nhà văn Bảo Ninh: 'Không thể nói là văn học Việt Nam chìm lặng'

Thứ Hai, 19/11/2018, 7:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhận Giải thưởng Văn học châu Á tại Hàn Quốc tuần qua với tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh, nhà văn Bảo Ninh chia sẻ với Thể thao và Văn hóa: “Tác phẩm này đã được dịch hai lần ở Hàn Quốc, một lần từ bản tiếng Anh và một lần dịch trực tiếp từ bản tiếng Việt, và cả hai bản dịch đều rất chất lượng”.

Điều ít biết về giải Sim Hun vừa được trao cho nhà văn Bảo Ninh

Điều ít biết về giải Sim Hun vừa được trao cho nhà văn Bảo Ninh

Theo nhiều nguồn tin, vào tháng 9 nhà văn Bảo Ninh, tác giả cuốn Nỗi buồn chiến tranh, sẽ sang Hàn Quốc để nhận giải Sim Hun, giải thưởng văn học mang tên nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kịch, nhà ái quốc Sim Daeseop, nổi tiếng với bút danh Sim Hun.

Ông chia sẻ:

- Tôi vui vì đây là giải thưởng của một liên hoan văn học có sự tham gia của nhiều nhà văn đến từ các nước. Nó cũng cho thấy độc giả Hàn Quốc ngày càng chú ý nhiều hơn văn hóa và văn học Việt Nam.

* “Nỗi buồn chiến tranh” đoạt giải thưởng là niềm vui của văn học Việt Nam. Nhưng tác phẩm này cũng đã ra đời cách đây gần ba thập kỷ rồi. Chúng ta nên lo lắng không khi có ít tác phẩm đạt được tiếng vang như thế?

- Nỗi buồn chiến tranh xuất bản ở Việt Nam năm 1991 và được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam. Từ đó đến nay văn học Việt Nam có những bước tiến rất lớn. Có nhiều tác phẩm được giới thiệu ra nước ngoài. Ví dụ: nhà văn Nguyễn Huy Thiệp rất nổi tiếng không chỉ ở châu Á mà cả thế giới, hoặc nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, nhà thơ Mai Văn Phấn...

Chú thích ảnh
Nhà văn Bảo Ninh - Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Chúng ta nên nhớ, một quốc gia có 5 - 6 nhà văn, nhà thơ có tiếng trên thế giới là ghê gớm lắm rồi. Mình không phải nước lớn. Nền văn học của mình có truyền thống lâu đời. Nếu nói về văn xuôi, chỉ trong vòng 100 năm nhưng có được thành tựu rất lớn. Tôi cho rằng không thể nói văn học Việt Nam chìm lặng được. Nhưng các tác phẩm tiếng Việt được dịch ít quá. Bây giờ các nhà văn Việt Nam phải viết rất hay bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, viết thật hay về dân tộc mình, nhân dân mình. Phải viết về Việt Nam. Thế giới sau đó sẽ chú ý.

* Đã có nhiều nỗ lực để đưa văn học Việt Nam ra thế giới. Nhưng theo ông, chúng ta đang thiếu một chiến lược dài hơi hay sức bật nội tại của nền văn học còn chưa mạnh?

- Tôi là một nhà văn. Nhà văn là một cá nhân thôi. Tôi không nói thay cho bất kỳ ai được. Tôi đọc văn học thế giới qua các bản dịch. Tất nhiên có các nền văn học lớn có tiếng tăm như Mỹ và Pháp. Nhưng bạn đọc thử xem, so sánh với các tác phẩm văn học lớn ở Việt Nam không hoàn toàn chênh.

Tôi sang bên đấy (Hàn Quốc) nói đùa: Các ông không dịch nên không được đọc Nguyễn Tuân, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Bình Phương cũng giống tôi không được đọc Hemingway. Vấn đề chính của nhà văn chúng ta là gì? Dịch thuật tôi không rành vì tôi không phải dân ngoại ngữ.

Chú thích ảnh
Bìa sách “Nỗi buồn chiến tranh” phát hành tại Hàn Quốc

Trong nhiều năm vừa rồi, các nhà văn đã cố gắng rất nhiều. Về vấn đề dịch thuật, Nhà nước phải chọn điểm một số nhà văn nhất định, không dàn trải được. Nhà nước có thể đào tạo người dịch thuật văn học Việt. Hoặc ở nước ngoài có những người có khả năng và quan tâm tới việc dịch văn học Việt như ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Anh, Mỹ…, thì Nhà nước cần quan tâm, trả tiền hay khen thưởng họ.

* Nhà văn Bảo Ninh nói không giỏi ngoại ngữ là một thiệt thòi. Ông có gửi gắm gì đến các thế hệ cầm bút sau này tôn vinh vẻ đẹp và con người Việt Nam thông qua văn học?

- Nhà văn trước tiên phải viết tiếng Việt cho hay. Sức mạnh của nhà văn là ngôn ngữ của dân tộc mình. Nhà văn không có gì khác ngoài ngôn ngữ. Sức mạnh duy nhất đó phải thật giỏi, phải thật hay. Tới lúc đó, sẽ có người dịch.

* Trong liên hoan văn học vừa qua, ông ấn tượng nhất điều gì?

- Người ta rất yêu quý Việt Nam, trên toàn thế giới. Họ nhìn vào người Việt Nam, đánh giá cao người Việt, văn hóa Việt. Họ cũng tin tưởng văn học Việt. Dù chưa được đọc, nhưng họ cho rằng văn học Việt sẽ rất hay vì dân tộc ta đã trải qua ngàn năm kiên cường bảo vệ dân tộc.

Vì vậy, Nỗi buồn chiến tranh, tác phẩm của tôi, có được uy thế đó. Nó vượt qua nhiều nhà văn nổi tiếng ở khu vực. Tôi đoạt giải không phải tôi xuất sắc hơn mà vì tôi là người Việt Nam.

*Xin cảm ơn ông!

Giải thưởng Văn học châu Á (Asian Literature Award) nằm trong khuôn khổ Liên hoan Văn học châu Á do Trung tâm Văn hóa châu Á tại Hàn Quốc tổ chức. Đây là tổ chức trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch Hàn Quốc được thành lập từ năm 2015 nhằm trao đổi văn hóa, nghệ thuật quốc tế.

Bích Thủy - Nguyễn Thành (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến