Nghệ Sĩ Hoàng Việt: Phải gìn giữ những gì vốn có của bài chòi trong dân gian

Thứ Hai, 11/12/2017, 19:36 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nghệ thuật bài chòi miền Trung vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tỉnh Bình Định được xem là một trong nhng cái nôi của bài chòi Trung bộ. Nhân dịp này,Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có cuộc phỏng vấn nghệ sĩ Hoàng Việt, hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định, người đã có nhiều năm nghiên cứu và nhiều thành tựu đối với nghệ thuật bài chòi.

Nghệ sĩ Hoàng Việt cho biết:

“Sự phát triển và giao thoa văn hóa vùng miền tạo nên cái phong phú cho các loại hình nghệ thuật chung cả nước. Trong cái bản sắc văn hóa Việt Nam nói chung có bản sắc văn hóa vùng miền nói riêng, có đại đồng có tiểu dị, nhưng nhìn chung là cái cốt lõi, cái hồn cốt của diễn xướng dân gian bài chòi không mất là được.

Về bài chòi của Bình Định -Khánh Hòa thì rất giống nhau hình thức lẫn nội dung, còn Phú Yên - Hội An lại na ná như nhau mà nguyên nhân sâu xa về sự phân chia xen kẽ này tôi vẫn chưa có dịp tìm hiểu sâu hơn”.

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Hoàng Việt

* Và nghệ thuật bài chòi ở Bình Định hiện nay có khác nhiều so với xưa không?

- Nếu là bài chòi ở dân gian thì gần như các nghệ nhân vẫn giữ được tính thuần túy của hô bài chòi Bình Định, còn các nghệ sĩ trẻ đoàn chuyên nghiệp thì có “lai” nhiều, nhất là hát nói theo kiểu của cải lương Nam bộ.

Tôi không so sánh nhưng theo tôi, một nghệ nhân thì cố gắng hết mình với nghệ thuật của quê hương, tôn trọng bản sắc văn hóa của quê hương. Cái chính là đừng xa rời dân, phải gần gũi, gìn giữ những gì vốn có của bài chòi ở trong dân gian.

* Anh bén duyên và nặng nợ với bài chòi từ khi nào?

- Từ lúc còn nhỏ tôi đã bén duyên với nó (tôi cũng là con nhà nghề của môn nghệ thuật hát bội và bài chòi). Nhưng để mà thành nợ quấn lấy tôi thì bắt đầu từ năm 2010, lúc đó tỉnh mở lớp tập huấn tôi đến dự và bén duyên luôn đến giờ.

Tôi gần như tham gia tất cả các hội diễn hô bài chòi trong tỉnh với vai trò là anh hiệu chính (hô câu thai - phần hấp dẫn nhất của hô bài chòi do anh hiệu chính đảm nhận).

Rồi bản thân tôi cùng NSƯT Minh Đức thường xuyên phục dựng lại những trích đoạn bài chòi cổ để diễn cho bà con xem nhằm góp phần làm cho bài chòi lưu truyền ma4ima4i.

Chú thích ảnh
Hát bài chòi trên thuyền phục vụ khách du lịch ở Hội An

* Suốt những năm nặng nợ ấy những kỷ niệm nào làm anh ấn tượng và nhớ nhất?

- Rất nhiều kỷ niệm cho ngần ấy năm hoạt động nghệ thuật nói chung và nghệ thuật ca kịch bài chòi nói riêng. Kỷ niệm nhất là lúc tôi hoàn thành kịch bảnLục Vân Tiên tái hiệp Kiều Nguyệt Nga và được chọn biểu diễn liên hoan Bài chòi toàn quốc 2014. Vì tôi thấy kịch bản của các cụ để lại thường mang tích Tàu hoặc vay mượn của hát bội. Tôi nghĩ bài chòi dân gian nên đi vào tính chất thơ ca dân gian nên tôi mới phỏng theo các truyện thơ Việt Nam mà viết nên kịch bản bài chòi theo phong cách cổ và không ngờ là kịch bản ấy được duyệt và đánh giá cao.

* Anh nghĩ hiện nay sau thế hệ anh thì Bình Định có đào tạo được thế hệ nghệ sĩ trẻ đủ đam mê và tài năng theo đuổi nghệ thuật bài chòi chưa?

- Thật tình là vẫn chưa. Bạn biết đấy như tôi là hiệu chính (nam) già nhất của tỉnh hiện nay mà lớp sau vẫn chưa có người đủ sức kế tục. Khách quan thì do lớp trẻ chạy theo công nghệ thời đại. Chủ quan là do các ngành chức năng quan tâm chưa đúng mức, chưa xứng tầm với môn nghệ thuật có giá trị đặc biệt và độc đáo này.

Riêng tỉnh chưa có tài trợ để khích lệ động viên những nghệ sĩ trẻ theo đuổi nghề. Ngoại trừ có một giải thưởng tư nhân mang tên “Giải thưởng Vũ Ngọc Liễn - khuyến tài hát bội, bài chòi Bình Định” do nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Liễn lúc sinh thời đã trích tiền ông nhận được từ Giải thưởng nhà nước, cùng một nhóm những người quan tâm đến môn nghệ thuật đặc sắc này lập ra, trao giải hằng năm nhằm khuyến khích những tài năng trẻ này.

Thiết nghĩ, khi bộ môn nghệ thuật này được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới thì là vinh dự lnđồng nghĩa với trách nhiệm của các ngành chức năng và bản thân cộng đồng đối việc gìn giữ và phát huy giá trị của nó càng cao. Vậy nên rất mong nhà nước nên có chính sách khuyến khích những nghệ sĩ trẻ yêu môn nghệ thuật dân tộc này để họ có đủ đam mêm mà theo đuổi và gìn giữ nó trước biến động không ngừng của thời đại công nghệ như hiện nay.

* Cám ơn anh về cuộc trò chuyện này.

Vài nét về nghệ sĩ Hoàng Việt

Nghệ sĩHoàng Việt tên đầy đủ là Phạm Hoàng Việt, sinh năm 1960 tại An Nhơn, Bình Định. Anh là con trai của cặp nghệ sĩ tài danh một thuở Hoàng Chinh - Hồng Thu. Từ một nghệ sĩ múa ballet, anh chuyển sang gắn bó với nghệ thuật hát bội, bài chòi và thành danh ở lĩnh vực này trong và ngoài tỉnh.

Năm 2013 anh cùng nghệ sĩ Minh Đức đoạt giải Nhất tại Liên hoan dân ca bài chòi lần thứ nhất do VTV Phú Yên tổ chức. Và sau đó anh còn được sở VH,TT&DL Khánh hòa mời dạy về môn nghệ thuật bài chòi Bình Định.

Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Bài Chòi trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại

Lúc 15h15 chiều nay 7/12, tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO (diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc), Việt Nam đã có thêm Bài Chòi được UNESCO chính thức ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Tiểu Mục Đồng (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến