(Thethaovanhoa.vn) - Lúc 15h15 chiều nay 7/12 (theo giờ Việt Nam), tại Phiên họp Uỷ ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 của UNESCO (diễn ra tại Jeju, Hàn Quốc), Việt Nam đã có thêm Bài Chòi được UNESCO chính thức ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Việc xét tặng các hồ sơ lần này được các chuyên gia của UNESCO tiến hành từ hôm qua 11/7. 2 di sản của Việt Nam là Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam và Hát Xoan Phú Thọ được xét tặng cuối cùng trong danh sách 35 hồ sơ đệ trình lên UNESCO lần này.
Và, theo kết quả được thông qua ít phút trước, Bài Chòi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Các chuyên gia đang tiếp tục xem xét hồ sơ Hát Xoan.
Trong các Di sản Văn hóa phi vật thể từng được vinh danh tại Việt Nam, Nghệ thuật Bài chòi Trung Bộ là trường hợp rất độc đáo, khi loại hình nghệ thuật đa dạng kết hợp âm nhạc, thơ ca, diễn xuất, hội họa và văn học này "phủ sóng" tới 9 tỉnh miền Trung, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng
Theo tiêu chí của UNESCO, để được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, hồ sơ Bài chòi của Việt Nam đã đáp ứng được 5 tiêu chí sau:
- R.1: Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hoá quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng, được truyền dạy chủ yếu trong trong gia đình, làng xóm, hội, câu lạc bộ và trường học. Việc thực hành di sản Nghệ thuật Bài Chòi thúc đẩy sự bình đẳng về giới tính cũng như sự tôn trọng lẫn nhau giữa các cộng đồng.
- R2: Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật.
-R.3: Hồ sơ đã mô tả chi tiết, rõ ràng những nỗ lực trong quá khứ và hiện tại để bảo vệ di sản và đảm bảo sự tồn tại của các cộng đồng, các nhóm người và các câu lạc bộ với sự hỗ trợ của Chính phủ. Những nỗ lực này bao gồm việc tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi.
- R.4: Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử. Các cá nhân và đại diện của các nhóm và câu lạc bộ Bài Chòi đã ký Cam kết tự nguyện, đồng thuận của họ đối với đề cử, đồng thời, sự hiểu biết về việc xây dựng hồ sơ đề cử của họ cũng được thể hiện trong các đoạn ghi âm và ghi hình các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các địa phương có thực hành Bài Chòi.
R.5: Di sản này được Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hoá phi vật thể của Cục Di sản văn hoá Việt Nam. Các Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa và Thể thao của 9 tỉnh có Bài Chòi chịu trách nhiệm phối hợp với cộng đồng để báo cáo hàng năm về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch các thông tin kiểm kê di sản Bài Chòi. Viện Âm nhạc Việt Nam quản lý cơ sở dữ liệu về Nghệ thuật Bài Chòi và cập nhật hàng năm.
Việc UNESCO ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại khẳng định bản sắc văn hóa phong phú của dân tộc Việt Nam, sự gắn kết cộng đồng, đề cao tôn trọng đa dạng văn hóa, khuyến khích đối thoại giữa các cá nhân, các cộng đồng và các dân tộc khác nhau vì sự khoan dung, tình yêu và lòng bác ái đúng theo tôn chỉ và mục tiêu của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO.
Sơn Tùng
UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản đề nghị xem xét, đưa “Nghệ thuật hô/hát Bài chòi dân gian ở thành phố Đà Nẵng” vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.