(Thethaovanhoa.vn) - Về nguồn gốc, lịch sử ra đời của loại hình nghệ thuật này đã có một số tài liệu của người Việt Nam và nước ngoài đề cập ngay từ những năm đầu của thế kỷ 20. Trong cuốn Larouss Musicale xuất bản tại Paris- Pháp năm 1928 của tác giả G.L Bouvier, nhà nghiên cứu dân tộc nhạc học người Pháp gốc Ba Lan đã dành riêng một chương có tiêu đề "Những bài hát phổ thông của người An Nam” để nói về bài chòi.
Ông cho rằng bài chòi được hình thành và phát triển sau những năm Nam tiến (1470) nhưng lại không đưa ra dẫn chứng để chứng minh.
Sau này, một số nhà nghiên cứu của Quảng Bình và Bình Định đã dựa vào những câu chuyện truyền miệng trong dân gian để đưa ra giả thuyết rằng Đào Duy Từ (1571-1643), một nhà Nho sống ở giai đoạn cuối thời nhà Lê, đầu thời nhà Nguyễn là người đã sáng tạo và truyền dạy lối chơi bài chòi ở vùng đất này. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa đủ chứng cứ để chứng minh giả thuyết đó là đúng.
Còn theo GS-TS Trần Quang Hải, quốc tịch Pháp, đến nay chưa xác định được bài chòi có nguồn gốc từ lúc nào. Ông nêu ra giả thuyết: Theo lời kể của ông Phan Bình Lang (sinh năm 1910), nguồn gốc của bài chòi là vào thời ông Đào Duy Từ ở ngoài Bắc vào Bình Định khai khẩn đất hoang từ năm 1571.
Lúc đó người ít, việc trồng trọt thường bị thú rừng phá hoại nên người dân phải dựng những chòi cao hơn 2m, vững chắc, mỗi khi có thú rừng thì khua trống, gõ mõ để thú rừng hoảng chạy. Khi nhàn rỗi, để khuây khỏa, người dân chế ra 2 ống tre căng dây và bịt một đầu bằng da ếch để làm ống loa nói chuyện với nhau từ chòi này sang chòi khác, hát đối đáp qua những câu ca dao, tạo thành loại hình “hát ống”.
Ông Đào Duy Từ đã phát triển từ “hát ống” thành trò chơi “đánh bài chòi” với những lá bài và lập thành hệ thống quy củ để giải trí.
Theo lịch sử, Bài chòi trở thành hội đánh bài chòi của người dân mỗi độ Xuân về. Bộ bài chòi có 30 thẻ, thường có 9 chòi được dựng lên.
Viết Ý (TTXVN)