(Thethaovanhoa.vn) - "Mỗi chiếc áo dài nam đều có nguồn gốc, điển tích, lễ nghĩa… riêng, nếu không giữ được những giá trị lịch sử cho áo dài nam sẽ rất có lỗi" - họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức, thành viên ban tổ chức, chia sẻ.
Để chào mừng Ngày Di sản Việt Nam (23/11), Ban quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức chuỗi hoạt động chào mừng với chủ đề “Nguồn” diễn ra từ ngày 17/11 đến 26/11. Điểm nhấn của chuỗi hoạt động mừng Ngày Di sản Việt Nam năm nay chính là những hoạt động tôn vinh áo dài nam truyền thống.
Cụ thể, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ (50 Đào Duy Từ) sẽ giới thiệu tới công chúng không gian triển lãm sắp đặt “Khoa cử xưa”. Vào ngày 18/11, sẽ diễn ra tọa đàm “Áo dài nam truyền thống và tính ứng dụng trong đời sống đương đại”.
Tại địa chỉ Ngôi nhà Di sản Việt (87 Mã Mây), Ban tổ chức sẽ giới thiệu văn hoá Trà Việt với sự tham gia hướng dẫn và trò chuyện của những nghệ nhân trà Việt Nam. Tại đình Kim Ngân (42-44 Hàng Bạc) là hoạt động giới thiệu nghệ thuật âm nhạc Ca trù và Chèo.
Điểm nhấn của chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Di sản Việt Nam là buổi khai mạc diễn ra lúc 19h30 ngày 17/11 tại Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội. Chương trình năm nay sẽ có màn trình diễn áo dài của nhóm Đình Làng Việt cùng với bộ sưu tập của hai nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam và Lan Anh nhằm tôn vinh áo dài nam cũng như dòng áo dài truyền thống dành cho các sĩ tử năm xưa.
Ngoài ra, còn có phần giao lưu về trang phục truyền thống của các nước Nga, Ấn Độ, Indonesia… góp phần mang đến những nét đặc sắc, đa dạng trong văn hóa của các nước trên thế giới.
Về điểm nhấn tôn vinh áo dài nam Việt trong chuỗi chương trình năm nay, họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cho hay: “Áo dài nam có xuất phát cùng thời điểm với áo dài nữ nhưng đến nay, áo dài nam bị mai một trong khi áo dài nữ trở thành biểu tượng của thời trang truyền thống. Mỗi chiếc áo dài nam đều có nguồn gốc, điển tích, lễ nghĩa… riêng, nếu không giữ được những giá trị lịch sử cho áo dài nam sẽ rất có lỗi”.
Họa sĩ Nguyễn Mạnh Đức cũng bày tỏ hy vọng, những hoạt động lần này sẽ giúp áo dài nam gần gũi trở lại với cuộc sống đời thường của người dân Việt chứ không quá xa lạ. “Tôi mong rằng áo dài nam truyền thống sẽ trở thành thứ trang phục quan trọng, giống như việc nam giới không thể thiếu bộ vest khi tham dự những sự kiện trọng đại, và ngay cả những hoạt động trong cuộc sống thường ngày” - ông Đức bày tỏ.
Thay vì một mẫu lễ phục chuẩn (gồm trang phục nam và trang phục nữ), cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục VN sẽ mở rộng sự lựa chọn sang hai 'đáp án' cho các xu hướng hiện đại và truyền thống.
Tiểu Phong