Phim 'Cô Ba Sài Gòn': Hình ảnh đẹp, nhưng câu chuyện áo dài khiên cưỡng

Thứ Sáu, 10/11/2017, 7:30 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Sau vài lần điều chỉnh ngày, cuối cùng Cô Ba Sài Gòn (đạo diễn: Trần Bửu Lộc - Kay Nguyễn) cũng chính thức khởi chiếu từ ngày 10/11, với một chiến dịch truyền thông rầm rộ, đồng bộ. Xét về tổng thể, đây là một phim Việt chỉn chu, nghiêm túc, xứng đáng để xem giải trí.

Phim nối tiếp tinh thần “lấy xưa nói nay” của các phim mà Ngô Thanh Vân đã sản xuất như Ngày nảy ngày nay, Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Ngoài các vai chính của Ninh Dương Lan Ngọc (vai Như Ý), Diễm My 9X (Helen), NSND Hồng Vân (An Khánh), phim còn dàn diễn viên phụ như mơ, gồm Diễm My, Ngô Thanh Vân, Oanh Kiều, Tùng Leo, S.T 365, Hải Triều, Kaylee Hwang, Thủy Hương, Kim Thư, Trác Thúy Miêu, Hà Anh, Thúy Vi…

Hình ảnh và diễn xuất ấn tượng

Điểm nổi trội nhất của Cô Ba Sài Gòn là hình ảnh, với đạo diễn hình ảnh là Hà Thúc Phù Nam. Trong giới phim ảnh, Phù Nam có thể là một tên tuổi còn mới, nhưng với nghệ thuật đương đại và giới làm MV ca nhạc, đây là một bảo chứng sáng tạo.

Tất nhiên để có hình ảnh đẹp, hiệu quả thì phần thiết kế hình ảnh, họa sĩ phim trường và quay phim phải phối hợp nhịp nhàng. Phim này đã có được nhiều động tác máy tự nhiên, sáng tạo, cho người xem cảm giác như hòa nhập vào câu chuyện, song hành cùng nhân vật.

Chú thích ảnh
Ninh Dương Lan Ngọc vào vai chính Như Ý trong phim “Cô Ba Sài Gòn”

Sự tương phản về câu chuyện - giữa hai cột mốc của Sài Gòn năm 1969 và 2017 - cũng giúp cho công tác hình ảnh có nhiều chuyện để làm. Nếu năm 1969 là những cảnh quay nội, cận cảnh và trung cảnh, thì năm 2017 có nhiều toàn cảnh hơn. Tỷ lệ bố trí cận, trung, toàn cảnh của phim khá hợp lý, cân đối, dù thời gian nhập vào tương lai (năm 2017) của Như Ý không hề ngắn.

Điểm ưu trội kế đến là sự diễn xuất tự nhiên của hầu hết các diễn viên. Đặc biệt là NSND Hồng Vân và Diễm My 9X, cả hai đã tìm được sự tỏa sáng bất ngờ, dù tuyến chính câu chuyện không thuộc về họ. Rồi Tùng Leo, S.T 365, Oanh Kiều, Hải Triều… đều tìm ra được thế mạnh diễn xuất của mình.

Với vai Như Ý, Ninh Dương Lan Ngọc đã giành giải Asia Star Awards 2017 của tạp chí Marie Claire cho danh hiệu Gương mặt Á châu. Thế nhưng, cũng như vai Cám trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể, Lan Ngọc vẫn thiếu một chút tự nhiên, một chút bứt phá để thực sự tỏa sáng. Điều mà cô đã bất ngờ làm được trong phim Cánh đồng bất tận, với vai Nương.

Chú thích ảnh
Bối cảnh của tiệm may áo dài Thanh Nữ là thập niên 1960 tại Sài Gòn

Yếu nhất vẫn là kịch bản     

Kịch bản của phim này trên Wikipedia ghi của Kay Nguyễn và A Type Machine (tạm dịch: máy đánh chữ), nhưng xem phim xong, có vẻ nó do máy đánh chữ viết hơn. Một lần nữa phim Việt lại rơi vào cái bẫy đầu tiên: Kịch bản mỏng tang và mong manh - nơi câu chuyện chỉ cố để kể cho… xong phim.

Bối cảnh then chốt của phim là Sài Gòn năm 1969, nơi có nhà may Thanh Nữ là truyền nhân may áo dài đời thứ 9. Thông điệp này được nhắc lại trong phim nhiều lần, nó khá khiên cưỡng. Bởi giả dụ một đời người là 20 năm (tính đến khi sinh con), thì 9 đời là 180 năm, vậy là đời đầu tiên của nhà may này vào khoảng năm 1789. Vậy thì những năm 1789 này, tiền nhân của Thanh Nữ đã may áo dài gì?

Còn nếu xét theo câu chuyện trong phim, thì đến 48 năm (1967 - 2017) mới có 2 đời người, 9 đời sẽ là 216 năm. Mà rõ ràng áo dài trong phim này đã có quá nhiều dấu ấn cách tân, sáng tạo của thập niên 1930 - 1940, bởi các họa sĩ Cát Tường (Le Mur), Lê Phổ… chúng còn rất ít chi tiết và quan niệm của áo dài trước đó, ví dụ áo dài nhà Nguyễn chẳng hạn.

Chủ nhà may Thanh Nữ thất vọng vì cô con gái (Như Ý) không giữ truyền thống 9 đời may áo dài, trong khi áo dài Thanh Nữ trong phim mới chỉ có lịch sử chừng 30 - 40 năm. Việc thất vọng với con cháu khi chúng không theo nghề của gia đình (tương tự như nghề sửa đồng hồ, máy ảnh…) là hết sức bình thường, nhưng đẩy chúng thành truyền thống 9 đời thì hơi khiên cưỡng.

Kịch bản cũng không cho Như Ý và người xem thấy được vì sao phải yêu chiếc áo dài, phải giữ cho được nghề này? Bởi nên lưu ý, tại Sài Gòn thập niên 1950 - 1960, áo dài kiểu Cát Tường - Lê Phổ… vẫn còn khá thời trang. Mặc áo dài lúc ấy là một xu hướng thời thượng, cũng giống như xu hướng mặc đầm, mặc váy, mặc quần Tây, quần jean… vậy.

Nếu có một dự đoán về việc bán vé cho Cô Ba Sài Gòn, chắc phim này sẽ dễ dàng để có lợi nhuận, còn đại thắng phòng vé thì hơi khó, vì ngoài hình ảnh đẹp, diễn xuất tự nhiên, câu chuyện phim vẫn chưa có sự lôi cuốn, thuyết phục cần thiết.

LHP Quốc tế Busan 2017: Có gì ở 'sân chơi' của 'Cô Ba Sài Gòn'?

LHP Quốc tế Busan 2017: Có gì ở 'sân chơi' của 'Cô Ba Sài Gòn'?

Liên hoan phim Quốc tế Busan 2017 đang thu hút sự chú ý từ khán giả Việt Nam, khi bộ phim "Cô Ba Sài Gòn" của Ngô Thanh Vân sẽ được sẽ chiếu ra mắt ở hạng mục "A Window to Asian Cinema" (Cánh cửa điện ảnh châu Á).

Văn Bảy

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến