Chọn Quốc phục: Áo dài nam bị thờ ơ

Thứ Ba, 2/7/2013, 7:7 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Thay vì một mẫu lễ phục chuẩn (gồm trang phục nam và trang phục nữ), cuộc thi thiết kế mẫu lễ phục VN sẽ mở rộng sự lựa chọn sang hai "đáp án" cho các xu hướng hiện đại và truyền thống. Đây là kết quả tất yếu sau những tranh cãi gay gắt giữa hai luồng ý kiến này.

Dự kiến, cuộc thi này sẽ được phát động vào tháng 7/2013 này, và kết quả cuối cùng sẽ được chọn ra vào cuối năm 2013. Trước đó, từ cuối năm 2012, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm (đơn vị được giao soạn thảo đề án Lễ phục Nhà nước) đã liên tục mở ba cuộc hội thảo lớn tại Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM để thu thập ý kiến từ giới chuyên môn. Và gần nhất, giữa tháng 6, Hội đồng chấm chọn mẫu lễ phục Nhà nước và các ban cố vấn cho đề án cũng vừa được thành lập.

Áo dài nam: Thích nhưng... không chọn

Tại ba cuộc hội thảo trên, các phiếu thăm dò ý kiến đã được phát tới đại biểu tham dự - vốn là những chuyên gia trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử, ngoại giao. Kết quả, chỉ có hai đề xuất đạt được số phiếu "quá bán". Cụ thể, 61% đại biểu đồng ý nên tổ chức một cuộc thi thiết kế để chọn ra các mẫu lễ phục. Ở nội dung lễ phục dành cho nữ giới,100% các đại biểu đều nhất trí chọn áo dài VN hiện tại làm nguyên gốc sáng tạo.

Ngược lại, ở nội dung lễ phục dành cho nam giới, có 12% ý kiến đề nghị nên sử dụng âu phục complet. 24 % ý kiến chỉ đưa ra những đề xuất chung chung không cụ thể.

Không phải ý kiến nào cũng tán thành với việc sử dụng áo dài nam giới làm lễ phục Nhà nước

Đặc biệt, chỉ 3% ý kiến đồng tình với việc sử dụng bộ áo dài nam giới làm lễ phục Nhà nước. Đây là một kết quả đáng ngạc nhiên, bởi  phát biểu trên truyền thông trước đó, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa - lịch sử đã lên tiếng ủng hộ mẫu lễ phục này. Các thông tin được cung cấp cho thấy áo dài nam giới vẫn được sử dụng khá rộng rãi trong các lễ hội truyền thống, đám cưới, đám rước... và thậm chí là tại Hội nghị cấp cao APEC 2006 (với sự tham dự của một số nguyên thủ quốc gia trên thế giới).

"Tôi cũng bất ngờ khi tại Hội thảo, áo dài nam lại bị... thờ ơ đến vậy". Họa sĩ Vi Kiến Thành (Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm) cho biết. Ông Thành nói thêm: "Có cả những ý kiến phản đối gay gắt, cho rằng trang phục này gắn với hình ảnh các nhân vật của VN thời Pháp thuộc, hoặc của chính quyền miền Nam cũ. Tuy nhiên, có lẽ cảm giác về thẩm mỹ mới là yếu tố chính để dẫn tới kết quả này".

Đề tài "mở" hay... chưa rõ ràng?

Thậm chí, theo chia sẻ của ông Thành, bản thân các thành viên trong Ban cố vấn và Ban tổ chức thực hiện đề án này cũng có những ý kiến khác nhau tới mức trái ngược trong xu hướng chọn lễ phục. Bởi vậy, kết quả cuối cùng được đưa ra: thay vì chỉ chọn ra một cặp lễ phục chuẩn (gồm cặp trang phục nam - nữ), cuộc thi sẽ chọn ra hai cặp lễ phục đại diện cho hai xu hướng hiện đại và truyền thống.

Với tiêu chí ấy, gần như ai cũng thấy rõ: Áo dài nam và complet sẽ là đại diện cơ bản cho 2 xu hướng sáng tạo này. Có nghĩa, dù "phá cách" đến mấy, các mẫu trang phục nam dự thi vẫn chỉ là "biến thể" từ áo dài nam và âu phục. "Nếu vậy, tôi nghĩ sẽ có những nhà thiết kế mạnh dạn chỉ dùng áo dài nữ cho bộ "cổ". Ở bộ "tân", đi kèm với complet có thể sẽ là vest nữ, váy dài...".

Một câu hỏi khác được đặt ra: Với tiêu chí "mang đậm bản sắc VN", các bộ âu phục liệu sẽ được thiết kế theo hướng nào cho phù hợp – chứ không khiên cưỡng theo kiểu in hình trống đồng, chim lạc, hoa sen... lên nền áo? Vẫn Cục trưởng Vi Kiến Thành cho biết: "Tất cả phụ thuộc vào thẩm mỹ, cũng như tài năng của các nhà thiết kế. Biết đâu, có những bộ âu phục chỉ cần chọn một màu nhất định, hoặc đính thêm một dải băng, một họa tiết nhỏ... nhưng vẫn khiến chúng ta thán phục và công nhận là giàu bản sắc VN thì sao?".

Trao đổi với TT&VH, một số nhà thiết kế tỏ ra khá hào hứng với tiêu chí "mở" của cuộc thi này. Theo phân tích của họ, việc có tới hai cặp lễ phục theo những xu hướng đối lập nhau sẽ mở rộng khá lớn phạm vi sáng tạo cho họa sĩ thiết kế.

Tuy nhiên, một số ý kiến từ các nhà nghiên cứu lại tỏ ra băn khoăn trước khả năng có tới... 2 cặp lễ phục khác nhau, với những xu hướng khác nhau sau khi cuộc thi kết thúc. Bởi khi đó, nếu không có một quy định chính thức nào về cách sử dụng lễ phục, việc ăn mặc trong các sự kiện ngoại giao hay văn hóa truyền thống lại tiếp tục rơi vào trạng thái "chia đôi"- nghĩa là người chuộng âu phục vẫn mặc complet "lễ phục", còn người thích áo dài nam vẫn mặc áo dài "lễ phục".

"Chúng ta phải chấp nhận một sự thực: vấn đề lễ phục bị chi phối khá nhiều bởi quan niệm, thẩm mỹ, cách nhìn nhận... vốn dĩ rất khác nhau trong xã hội VN. Mà, trong nghệ thuật và thẩm mỹ, người ta không thể chọn ra một đáp số rõ ràng như toán học" - ông Thành nói - "Bởi vậy, trước mắt, đề án này trông đợi rất nhiều vào sự sáng tạo của giới thiết kế. Một bộ lễ phục giàu thẩm mỹ, được nhân dân tán thưởng, thì sẽ dễ dàng đi vào đời sống mà không cần tới quy định nào".

Dự kiến, khoảng 20 mẫu lễ phục xuất sắc nhất trong cuộc thi sẽ được may theo thiết kế và tổ chức triển lãm tại các thành phố lớn. Giải nhất cuộc thi sẽ có giá trị 120 triệu đồng.

Chiêu Minh
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến