(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 21/11, tại Trung tâm Giao lưu văn hoá Phố cổ (số 50 Đào Duy Từ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), các nhà quản lý, nghiên cứu văn hóa, các nghệ nhân, nhà thiết kế thời trang… đã bàn thảo vấn đề bảo tồn và phát triển di sản áo dài truyền thống trong xã hội hiện nay, tại hội thảo cùng tên do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội tổ chức. Đây là một trong những sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động văn hóa diễn ra tại Phố cổ Hà Nội, nhân kỷ niệm 15 năm Ngày Di sản văn hoá tại Việt Nam (23/11/2005 - 23/11/2020).
Khi được hỏi bao giờ áo dài Việt Nam sẽ thành di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, bà Huỳnh Ngọc Vân (GĐ Bảo tàng Áo dài) trả lời rằng: đường hãy còn xa.
Áo dài là di sản trang phục truyền thống của Việt Nam. Những năm đầu thế kỷ 20 trở về trước, áo dài được may ngũ thân, tay chẽn, cài khuy cổ đứng - áo dài truyền thống. Từ những năm 1930, các hoạ sĩ đã có những thay đổi về thiết kế để tạo ra áo dài hiện đại…
Tại hội thảo, các nhà nghiên cứu, nhà thiết kế và nghệ nhân đã bàn thảo về tiềm năng sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội; ứng dụng may, mặc trong đời sống; những vấn đề cải tiến áo dài; giáo dục về áo dài, xây dựng không gian bảo tồn áo dài ở Hà Nội và các địa phương...
Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hoàng Quốc Hải, áo dài không đơn giản là trang phục mà là văn hóa, nếu không bảo tồn tốt thì sẽ mai một, thất thoát các giá trị truyền thống. Rất may, áo dài truyền thống đang phát triển rộng rãi trong đời sống hiện nay, trong đó có việc khôi phục áo dài nam. Nhưng để di sản áo dài trở thành quốc phục, còn cần sự quan tâm, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Những năm gần đây, vấn đề bảo tồn, phát huy, sử dụng áo dài truyền thống trong xã hội đương đại được nhắc đến nhiều hơn. Trong đó, nhiều người đề xuất sử dụng áo dài ở công sở ngày đầu tuần, hay nam sinh mặc áo dài... để góp phần bảo tồn văn hoá, xây dựng hình ảnh Việt Nam, quảng bá du lịch. Tuy nhiên, việc bảo tồn, ứng dụng áo dài hiện này cũng gặp không ít cản trở. Trước hết là nhận thức của cộng đồng, trong đó có không ít trí thức, văn nghệ sĩ và người hoạt động trong lĩnh vực văn hoá. Do nhận thức chưa đầy đủ nên ngay cả người yêu văn hoá truyền thống cũng mặc chưa đúng, chưa đẹp. Bên cạnh đó, không ít người "cách tân" áo dài một cách không phù hợp, có cả những người mặc áo dài lai căng trong những sự kiện văn hoá, ngoại giao.
Theo Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đình làng Việt Nguyễn Đức Bình: Câu lạc bộ là một trong những tổ chức đầu tiên thực hiện việc vận động đưa trang phục áo dài ngũ thân của nam giới trở lại đời sống. Từ năm 2015 đến nay, Câu lạc bộ Đình làng Việt đã không ngừng tổ chức các hoạt động nhằm quảng bá, tuyên truyền giúp công chúng hiểu được giá trị của áo dài truyền thống. Trung tâm Hỗ trợ Phát triển Áo dài ngũ thân truyền thống - Đình làng Việt, thời gian qua đã đẩy mạnh quảng bá, hỗ trợ nghệ nhân, người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm may theo truyền thống, phù hợp với đời sống hiện nay. Đến nay, việc may, mặc áo dài truyền thống đang đạt được những kết quả khả quan. Người may, mặc áo ngũ thân ngày càng tăng và được lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là trong lớp trẻ…
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu tham quan trưng bày, giới thiệu áo dài nam ngũ thân truyền thống, các chất liệu cổ truyền để may áo dài...
Đinh Thuận/TTXVN