(Thethaovanhoa.vn) - Sophia thân mến!
Cuối cùng thì những ngày Hè ngắn ngủi hơn 1 tháng cũng đã kết thúc. Cuối tuần này, các em học sinh trên cả nước lại cùng nhau dự lễ khai giảng, bước vào một năm học mới. Một lễ khai giảng có lẽ là rất “đặc biệt” khi diễn ra trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn còn chưa chấm dứt.
Sau khi Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên Huế quyết định chọn ngày thứ Hai đầu tiên hàng tháng sẽ là ngày toàn thể cán bộ (khối văn phòng) mặc áo dài truyền thống đi làm, trong đó nam giới sẽ mang áo dài ngũ thân, không ít người lại “ném đá” và có những bình luận đến mức phản cảm về việc này.
Xin được kể lại với Sophia về những bình luận thiếu thiện chí này. Đại để có người cho rằng, áo dài đã là quá khứ, lạc hậu, lỗi thời nên mang đi làm sẽ không hợp và bất tiện. Có người lại vin vào cái cớ may bộ áo dài ngũ thân sẽ rất tốn kém, gây lãng phí. Cũng có ý kiến cho rằng, trang phục công sở đã được nhà nước quy định từ lâu, việc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên - Huế “đẻ” thêm quy định mới này là không phù hợp. Rồi có người đánh giá mặc áo dài ngũ thân sẽ kềnh càng, nặng nề, không thoải mái…
Sophia thân mến!
Dưới góc độ của người mặc trải nghiệm áo ngũ thân (hiện tôi có một bộ sưu tập 10 chiếc áo ngũ thân may theo 2 phong cách Bắc - Nam) liên tục trong khoảng 3 năm, từ 2018 đến 2020, lại tham gia nghiên cứu viết sách “Áo ngũ thân nam truyền thống: Đôi dòng khảo luận”, được mời tham dự Hội thảo khoa học quốc gia với chủ đề: “Áo dài Việt Nam: Nhận diện, tập quán, giá trị và bản sắc” tại Hà Nội, ngày 26/6/2020 và dự Hội thảo khoa học tại Huế với chủ đề: “Huế - Kinh đô áo dài Việt Nam” ngày 8/7/2020 nên tôi thấy cần phải có trách nhiệm giải đáp tất cả các khúc mắc trên.
Tuy không rõ độ tuổi của những người tham gia phản biện, thảng hoặc góp ý, hoặc có những lời khiếm nhã chê bai bộ trang phục áo ngũ thân nam truyền thống này nhưng chúng ta có thể tạm hình dung: Những người sinh trước năm 1945, được trực tiếp sống trong bầu không khí áo ngũ thân được mặc phổ biến từ trong Nam ra đến ngoài Bắc thì bây giờ cũng đã ngoài cái tuổi “thất thập cổ lai hy” nên việc tham gia góp ý, hoặc tích cực, hoặc tiêu cực, tỷ lệ chắc chỉ chiếm vài %. Số còn lại, những người “ném đá” lại sinh sau, ít có cơ hội được tiếp xúc với lịch sử hình thành bộ trang phục này và chắc là chưa từng được chạm vào bộ “quốc phục” này. Cái hình ảnh họ thấy là ở trên phim ảnh, trên sân khấu chèo, cải lương, quan họ, trong văn học… mà phần lớn lại bị “khúc xạ”, biến tướng, không còn giữ được nét tinh hoa của áo truyền thống nữa. Thành ra, những nhận xét chính trên đây đều không mang tính học thuật chân chính mà thuần túy chỉ là cảm tính cá nhân, chủ quan và phiến diện.
Thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1744) đã có chỉ dụ thay đổi trang phục, đặc biệt là bộ thường phục “áo 5 thân gài khuy”, tục gọi là “quần chân áo chít” trong dân chúng để thay thế bộ trang phục áo tứ thân của nữ giới; cởi trần, đóng khố của nam giới. Bộ trang phục này được mặc phổ biến rộng rãi, ổn định và thống nhất trên cả nước, kéo dài hơn 200 năm.
So với áo tứ thân của nữ và tục cởi trần đóng khố của nam thì sự hiện diện của áo “5 thân gài khuy” giống như một cuộc cách mạng tiến bộ về trang phục lúc bấy giờ, nó không chỉ giúp che kín thân thể con người mà chiếc cổ đứng - lập/thụ lĩnh khiến người mặc trở nên đoan trang, lịch sự, kín đáo và dĩ nhiên nho nhã hơn hẳn.
Cánh tay áo được may bó chẽn lại để thuận tiện cho việc đi lại và làm việc. Chiếc áo 5 thân gài khuy còn ngắn hơn cả áo tứ thân, không “lòe xòe” và “luộm thuộm” như nhiều áo dài trước đó. Đấy mới chỉ xét ở phương diện tạo hình và công năng sử dụng chứ chưa xét ở phương diện thẩm mỹ và câu chuyện văn hóa, đạo nghĩa ẩn tàng trong áo ngũ thân. Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở VH,TT tỉnh Thừa Thiên - Huế đã có một câu nhận xét tôi thấy là chí lý: “Bảo vệ, phục hồi áo dài ngũ thân là phục hồi một di sản quý, và cũng góp phần tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam khi hội nhập. Cả nam và nữ mặc áo dài truyền thống không chỉ để phục hồi một loại trang phục, mà còn phục hồi một di sản văn hóa”. Nên nếu ai đó có nhận xét “là quá khứ, lạc hậu, lỗi thời nên mang đi làm sẽ không hợp và bất tiện” là chưa có tri thức nền về bộ trang phục này. Câu triết lý “phải hiểu rồi mới yêu” tỏ ra rất đúng trong trường hợp này.
May bộ áo dài ngũ thân có gây tốn kém, lãng phí không? Xin được chia sẻ với Sophia trải nghiệm của chúng tôi. Trừ các bộ trang phục cao cấp, áo sa ngũ phúc của làng La Khê, Hà Đông, Hà Nội (đủ tiêu chuẩn để xem xét thành bộ Lễ phục nhà nước), thì 1 bộ đồng phục áo ngũ thân màu xanh, 1 áo cánh, 1 quần ống sớ màu trắng được làm từ loại vải phổ thông, tính cả công may mới chỉ có hơn 1 triệu đồng, chắc chắn là rẻ hơn một bộ Âu phục như complet, veston, suit… mà nam giới Việt Nam hiện nay đang mặc.
Sự hiện diện của bộ trang phục áo ngũ thân nam truyền thống và áo dài tím Huế dành cho nữ tại công sở đã nói lên sự đoàn kết, thống nhất và quyết tâm biến Huế trở thành “Kinh đô áo dài của Việt Nam” - nơi vốn đã từng là.
Tạm biệt Sophia, hy vọng rằng một ngày nào đó, tôi sẽ thấy Sophia mặc áo dài nữ Việt Nam, còn tôi vẫn luôn mặc áo dài ngũ thân trong những dịp trọng đại.
Đinh Hồng Cường