(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Nói Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn thiếu nhi e chừng cái danh xưng ấy trở nên chật chội với nhà văn này. Ông là người viết nhiều, và viết hay. Ông viết cho thiếu nhi, và không chỉ thiếu nhi. Thực ra, ông viết cho tất thảy người lớn - những ngườiđã từng có một thuở thiếu nhi, và đang còn giữ được con người trẻ thơ trong tâm hồn. Ông viết cho tất cả. Và ông thuộc về tất cả. Liệu có thể trả lời được câu hỏi này: Điều gì làm nên sức hấp dẫn của truyện Nguyễn Nhật Ánh, từ Cô gái đến từ hôm qua (1989, dựng thành phim 2017), đến Mắt biếc (1990, dựng thành phim 2019), cho đến tác phẩm gần đây nhất - Làm bạn với bầu trời?
Sáng 7/11/2018 tại NXB Trẻ (TP.HCM) đã ra mắt Cảm ơn người lớn của Nguyễn Nhật Ánh, sẽ phát hành 150.000 bản vào ngày 17/11 tới đây. Điểm đặc biệt nhất của truyện dài này là khía cạnh “độn thơ”, với hơn 10 đoạn như vậy.
Thể thao & Văn hóa (TTXVN) xin giới thiệu loạt bài viết của PGS-TS Văn Giá.
Tôi cho rằng điểm đầu tiên tạo nên thành công của các tác phẩm Nguyễn Nhật Ánh là nhà văn miêu tả thế giới trẻ thơ như chính trẻ thơ chứ không phải là ai khác. Điều này thoạt nghe có vẻ hiển nhiên, nhưng thực ra không hẳn đơn giản như vậy.
Khi trẻ thơ mang tâm tình, ý chí người lớn
Lần giở lại những tác phẩm viết cho/về thiếu nhi những năm từ 1954 đến trước 1986 (và còn kéo dài ít năm sau nữa), thế giới nhân vật trẻ thơ hầu hết không được là trẻ thơ. Chúng được miêu tả như những vai khác nhau. Có khi là những vai anh hùng trong truyền thuyết với vẻ đẹp huyền thoại (Lá cờ thêu sáu chữ vàng). Có khi là những vai chiến sĩ tham gia trận mạc, đánh giặc cứu nước (Đội du kích thiếu niên Đình Bảng, Tuổi thơ dữ dội, Mẹ vắng nhà)…Chúng đều được tạc dựng theo hướng anh hùng hóa tuổi thơ.
Chiến tranh là hoàn cảnh bất bình thường. Mỗi người dân là một chiến sĩ. “Đến em thơ cũng hóa những anh hùng/ Đến ong dại cũng luyện thành chiến sĩ/ Và hoa trái cũng biến thành vũ khí! ” (Tố Hữu). Trong Rừng Xà Nu, nhân vật bé Heng cũng được miêu tả như một người anh hùng quả cảm đánh giặc…Như vậy, trong đời sống chiến tranh, trẻ thơ cũng phải hy sinh cái tư cách trẻ thơ để vụt lớn, đảm đương tư cách người lớn, tham gia vào câu chuyện của người lớn. Khi văn học vận hành trong thời khí chiến tranh như vậy, trẻ thơ hầu hết được mô tả như những người chiến sĩ.
Hoặc ở cấp độ khác hơn, nếu những đứa trẻ không được miêu tả trực tiếp là người chiến sĩ, người anh hùng, thì chúng cũng được miêu tả như những người mang vóc dáng, tâm tình và ý chí của người lớn: Chúng tôi đến lớp ngày ngày/ Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men(Trần Đăng Khoa); “Chú là chú em/ Chú đi tiền tuyến, nửa đêm chú về/ Ba lô con cóc to bè/ Mũ tai bèo, bẻ vành xòe trênvai/ Cả nhà mừng quá chú ơi!/ Y như em đã mê rồi đêm nao…/ …Muốn xin chiếc mũ tai bèo/ Làm cô giải phóng vượt đèoTrường Sơn (Cẩm Thơ).
Như vậy, nhân vật tuổi thơ về cơ bản thuộc loại nhân vật chức năng, nghĩa là sinh ra thực hiện nhiệm vụ xã hội mà nó được giao phó, được tuyên truyền, biểu đạt ý đồ trực tiếp của nhà văn. Hầu hết các nhân vật này chưa được là nhân vật tự nó, nhân vật tuổi thơ với nghĩa trọn vẹn nhất.
Từ sau 1986 trở đi, trong bối cảnh đổi mới văn học, cùng với nền văn chương rộng rãi nói chung, khu vực văn học viết cho/về thiếu nhi cũng đã đổi khác. Nếu nền văn học rộng lớn đã nhận thức và miêu tả con người như chính là con người, thì khu vực văn học thiếu nhi cũng đã đồng hướng, miêu tả trẻ thơ như chính là trẻ thơ. Hàng loạt các tác phẩm đi theo tinh thần này, mà tiêu biểu là Tuổi thơ im lặng của Duy Khán miêu tả đám trẻ sống ở một làng tại vùng Kinh Bắc, mang lòng yêu vô bờ đối với hương vị cảnh sắc quê hương.
Cứ thế, nhờ ý thức đổi mới văn học, các nhà văn viết cho/về thiếu nhi đã thực sự nhìn ngắm và miêu tả những đứa trẻ thơ như là chính nó. Chúng được vui buồn, hồn nhiên, nghịch ngợm, mộng mơ, lầm lỡ…như tuổi chúng hẳn là phải thế.
Thế giới của những nỗi ngạc nhiên và xúc động
Trong khí quyển của công cuộc đổi mới văn học, Nguyễn Nhật Ánh đã xuất hiện. Ông đã thụ hưởng toàn bộ tinh thần đổi mới từ cái được viết đến lối viết. Ông đã dựng lên một thế giới tuổi thơ đa dạng, sống động như chính tuổi thơ trong một nỗ lực chân thực nhất, không bị làm khác đi, không hơn không kém.
Đây là một quan niệm hết sức sâu sắc và nhất quán ngay từ loạt viết thuộc giai đoạn đầu của Nguyễn Nhật Ánh dưới dạng như Kính vạn hoa (1995) chẳng hạn. Ở đó là cả một thế giới trẻ thơ,tuổi học trò sống giữa đời thường, tinh nghịch, hồn nhiên, mơ mộng, giàu cảm xúc. Từ đây, bằng tài năng và nội lực của mình, với hàng loạt các tác phẩm ra đời, ông đã sáng tạo nên một thế giới trẻ thơ mang tên Nguyễn Nhật Ánh.
Từ đây, một câu hỏi được đặt ra: Vậy thế giới nhân vật trẻ thơ của Nguyễn Nhật Ánh được kiến tạo bởi những yếu tố nào?
Tôi nghĩ rằng, ở một cấp độ khái quát nhất, thế giới nhân vật trẻ thơ của Nguyễn Nhật Ánh được làm nên từ những“nỗi ngạc nhiên” và “sự xúc động”thành thực theo kiểu của trẻ thơ. Đó là hai trục xoay đắp đổi cho nhau trong cái đám đông nhân vật trẻ thơ của nhà văn này.
Vâng, thế giới được miêu tả trong các tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh đều hắt lên nỗi ngạc nhiên, sự bỡ ngỡ, tính không biết trước, không lường hết. Đây là một đặc điểm hết sức tiêu biểu trong tâm lý trẻ thơ. Với bản tính ham khám phá, muốn hiểu biết, muốn thỏa mãn bằng được trí mò mò và muôn ngàn câu hỏi, trẻ thơ đã đi từ hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Ngạc nhiên chính là bản tính của tuổi thơ, cái để tuổi thơ được là tuổi thơ. Hết ngạc nhiên, tuổi thơ cũng chấm dứt. Hết ngạc nhiên, ấy là khi trí khôn, sự toan tính, nỗi ngờ vực đã lẻn vào tâm trí, biến trẻ thơ thành người lớn với những hệ lụy khác nhau. Hiểu rất rõ điều này, nhà văn đã kiến tạo nên những “tiểu vùng” nghệ thuật luôn ngự trị của những nỗi ngạc nhiên kỳ thú.
Để tạo ra nỗi ngạc nhiên, Nguyễn Nhật Ánh đã tiến hành mấy cách sau:
Thứ nhất, ông tiến hành để cho trẻ thơ có khả năng “phát hiện” ra những điều lạ lẫm, bỡ ngỡ, kỳ thú trong đời sống thực tại. Cái bất ngờ luôn luôn trái với logic thông thường, mang tính đột nhiên, trái khoáy, tréo ngoe. Nguyễn Nhật Ánh đặc biệt có khả năng dựng lên những thế giới của sự bất ngờ, thậm chí sửng sốt, gây sốccủa trẻ thơ - những thứluôn nằm sẵn trong đời sống, trong thiên nhiên, do chúng phát hiện. Các phần Thịt gà, Bí mật của con Mận, Công chúa, Anh không phải là phò mã…(Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh) đều là những câu chuyện có sự bất ngờ lạ lẫm.
Thế giới trong rừng của cô bé tên Rùa trong Ngồi khóc trên cây đầy những chuyện kỳ thú, bí mật, cuốn hút…Nhu cầu tìm biết là nhu cầu thường trực của trẻ nhỏ. Ngồi khóc trên cây đã đưa người đọc bước vào những cuộc vượt rừng mang tính phiêu lưu. Cũng phải nói thêm rằng, đã đành cái lạ lẫm, bất ngờ như một trữ lượng có sẵn trong cõi sống này, có khả năng mang đến nỗi ngạc nhiên; nhưngở một phía khác, còn do chính khả năng “nhìn thấy”mà nếu không phải là con mắt trẻ thơ sẽ không nhìn ra được.
Trong Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ, mấy đứa trẻ sắm vai làm bố làm mẹ dạy con theo cái cách ngược đời chỉ có trẻ thơ mới nghĩ ra được; hay sự hình dung về kho báu được chôn trong vườn và công cuộc đào xới khu vườn chỉ có thể là sản phẩm đẫm chất cổ tích, rất đỗi thơ ngây của trẻ thơ. Người lớn với cái nhìn duy lý và nghèo nàn trí tưởng tượng làm sao có thể nhìn thế giới theo cái cách ngạc nhiên như thế được. Càng là người lớn càng đánh mất dần khả năng biết ngạc nhiên trước đời sống. Càng giữ được khả năng này, phần trẻ thơ trong mỗi người lớn càng được lâubền.
Thứ hai, trẻ thơ có khả năng“kiến tạo” nên những thế giới của riêng mình. Thấy cuộc sống tẻ nhạt quá (theo cách nghĩ của đám trẻ), chúng thiết lập một trò chơi: “Đặt tên cho thế giới”. Hay khi những đứa trẻ bị mắng mỏ, bị người lớn cấm đoán, xử phạt, chúng liền tạo ra một phiên tòa xét xử người lớn. Thế là cái tình huống tức cười, đầy những bất ngờ đã diễn ra (Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ)...
Biết kiến tạo một thế giới của những ngạc nhiên, chính là phẩm chất của trẻ thơ. Điều này cũng đồng nghĩa với phẩm chất của những người nghệ sĩ gắn liền với sự sáng tạo không ngừng. Ở tác phẩm nào cũng vậy, Nguyễn Nhật Ánh đã rất chăm chút cho vấn đề này.
Khi ngó sang những truyện có tình huống giả tưởng như Có hai con mèo ngồi bên cửa sổ hay Chúc một ngày tốt lành mới thấy nhà văn đã tạo dựng lên những thế giới các loài vật trong sự chung sống với con người thật biến hóa và thú vị. Đó chính là sự kiến tạo nên một thế giới phi thực, đưa người đọc đi từ sự bất ngờ này đến bất ngờ khác.
(Còn nữa)
Nỗi ngạc nhiên chính là mỹ học của Nguyễn Nhật Ánh. Không bắt đầu đi từ điểm mấu chốt này, sẽ không thể có những sáng tạo ắp đầy thú vị đến vậy.
|
PGS-TS Văn Giá