(Thethaovanhoa.vn) - Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 21h30' ngày 11/12 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 269.584.311 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh Covid-19, trong đó có 5.315.212 ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 242.531.619 người.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 22h ngày 5/12 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng 265.875.654 ca mắc COVID-19 và 5.266.834 ca tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất của đại dịch COVID-19 với 817.326 ca tử vong trong số 50.705.257 ca mắc. Tiếp đó đến Ấn Độ với 475.128 ca tử vong trong 34.682.736 ca mắc; Brazil với 616.733 ca tử vong trong số 22.184.824 ca mắc. Tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp với sự xuất hiện ngày càng nhiều ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Tại châu Á, Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Eswatini. Người này không có biểu hiện triệu chứng mắc COVID-19 và đã được cách ly. Singapore ghi nhận thêm 3 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có một ca nhiễm trong cộng đồng. Ca nhiễm mới trong cộng đồng là nhân viên hỗ trợ hành khách làm việc tại nhà ga số 3 ở sân bay Changi. Hai ca nhiễm còn lại là các ca nhập cảnh từ Anh theo làn dành cho người đã tiêm vaccine (VTL). Ngày 10/12, Singapore ghi nhận tổng cộng 454 ca mắc mới COVID-19 và 4 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 272.433 ca và 783 ca tử vong.
Lực lượng Liên bộ đặc trách COVID-19 của Singapore (MTF) đã chấp thuận đề nghị của Ủy ban Chuyên gia về vaccine COVID-19 (EC19V) về việc tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi bắt đầu từ cuối năm nay khi vaccine về tới nước này. Theo EC19V, mặc dù trẻ em là đối tượng có nguy cơ thấp có triệu chứng nặng, nhưng một số trường hợp mắc COVID-19 đã xuất hiện những bệnh đe dọa tính mạng hoặc các biến chứng muộn nghiêm trọng, chẳng hạn như Hội chứng Viêm đa hệ ở trẻ em (MIS-C), và cần được điều trị tại phòng hồi sức tích cực (ICU). Ngoài ra, trẻ em cũng dành nhiều thời gian tại các môi trường cộng đồng như trường học, sân chơi, trường mầm non… dẫn tới sự lây nhiễm có thể gia tăng nhanh chóng và do vậy khiến các thành viên khác trong gia đình có nguy cơ mắc bệnh, đặc biệt là người già.
Còn thủ đô New Delhi của Ấn Độ đã ghi nhận ca thứ hai nhiễm biến thể Omicron ở một du khách đến từ Zimbabwe, nâng tổng số ca nhiễm biến thể Omicron ở Ấn Độ lên 33 người.
Trong khi đó, Trung Quốc yêu cầu một số thành phố biên giới nước này tăng cường cảnh giác trước đại dịch COVID-19 bằng nhiều biện pháp, trong đó có xét nghiệm bắt buộc cho các du khách nhằm ngăn chặn lây nhiễm từ nước ngoài. Theo đó, những người định rời thành phố biên giới có cửa khẩu để tới những nơi khác ở Trung Quốc, phải trình kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 48 giờ trước khi rời thành phố, ngoại trừ những người đến từ các thành phố có cảng nhập cảnh kết nối với Hong Kong hay Macao.
Thông cáo của Cơ quan quốc gia kiểm soát dịch COVID-19 cho biết những du khách đến từ những thành phố này sẽ phải tiến hành ít nhất 1 xét nghiệm. Các biện pháp xét nghiệm sẽ được thực hiện cho đến ngày 15/3/2022. Kể từ giữa tháng 10, các ca nhiễm trong cộng đồng có biểu hiện triệu chứng đã tăng lên tới hơn 2.000 ca tại Trung Quốc, phần nhiều ở các thị trấn nhỏ miền Bắc giáp biên giới Nga và Mông Cổ.
Lào đã hoàn thành cơ sở, biện pháp và hướng dẫn cho các trường học mở cửa trở lại sau thời gian dài bị gián đoạn do đại dịch COVID-19. Theo đó, các trường học cần đáp ứng các tiêu chí cần thiết để có thể mở lại các lớp học trực tiếp một cách an toàn như: lập kế hoạch phòng ngừa lây nhiễm và có chương trình dạy học phù hợp để ủy ban chuyên trách xem xét, đánh giá; đồng thời làm việc, lấy ý kiến phụ huynh về khả năng mở trở lại lớp học trực tiếp. Các trường học có thể được mở cửa trở lại nếu đạt trên 70% các tiêu chí đánh giá và ngược lại, tùy thuộc vào điều kiện địa phương và năng lực của cơ quan y tế từng nơi, các trường học sẽ được xem xét riêng.
Việc thí điểm sẽ được thực hiện trước ở thủ đô Viêng Chăn, sau đó mở rộng ra các tỉnh trên cả nước. Theo thông báo, sẽ không có tiêu chí đánh giá tỷ lệ tiêm chủng vaccine trong kế hoạch mở cửa lại các lớp học. Đối với trường hợp học sinh không thể đến lớp trực tiếp do gặp vấn đề sức khỏe hoặc phụ huynh lo ngại nguy cơ lây nhiễm, các trường được yêu cầu bố trí phương pháp thích hợp để duy trì chương trình học cho các em. Lào ngày 11/12 có thêm 1.898 ca nhiễm mới, ngày có số ca nhiễm mới cao nhất kể từ đầu dịch, nâng tổng số ca mắc COVID-19 lên 88.046 ca, trong đó có 236 ca tử vong (sau khi thêm 5 ca tử vong mới).
Tại châu Âu, Bồ Đào Nha từ ngày 18/12, sẽ bắt đầu tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi, theo khuyến nghị của Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha (DGS) và Ủy ban kỹ thuật về tiêm chủng. Phụ huynh có thể đặt lịch tiêm chủng từ tuần sau, ưu tiên những trẻ có bệnh kèm theo. Bộ Y tế Bồ Đào Nha cho biết sẽ "không có bất kỳ hình thức trừng phạt nào được dự kiến đối với những trẻ không tiêm vaccine" và sẽ không có "việc phân biệt đối xử giữa những trẻ đã tiêm chủng và những trẻ không tiêm chủng”.
Còn tại Italy, số người đi tiêm liều vaccine đầu tiên phòng COVID-19 đã tăng lần đầu tiên trong nhiều tuần, trước khi quy định “siêu thẻ xanh” có hiệu lực từ ngày 6/12 với những hạn chế mới nhằm vào những người chưa tiêm vaccine. Cụ thể, số người tiêm vaccine liều đầu tiên trong tuần từ ngày 30/11-5/12 đã tăng 31% so với tuần trước đó, tương đương với 223.000 liều vaccine, so với 105.000 liều/tuần hồi đầu tháng 11. Cũng trong tuần trên, số người tiêm mũi vaccine tăng cường đã tăng hơn gấp đôi. Dữ liệu của Bộ Y tế Italy cho thấy khoảng 2,6 triệu lượt người đã tiêm mũi tăng cường, tăng 52% so với tuần trước. Số người đi tiêm mũi vaccine tăng cường đã tăng mạnh khi Italy bắt đầu cho phép tất cả những người trên 18 tuổi được tiêm mũi thứ ba này từ ngày 1/12.
Tại khu vực Mỹ Latinh, Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) thông báo tại khu vực này, có tới 20 quốc gia chưa đạt được mục tiêu toàn cầu đề ra về tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 ở mức 40% vào năm nay, trong bối cảnh biến thể mới Omicron đã xuất hiện tại 6 nước trong châu lục.
Theo PAHO, châu Mỹ là châu lục chịu tác động nặng nề nhất trong đại dịch COVID-19. Trong tổng số trên 267 triệu ca nhiễm và hơn 5,2 triệu ca tử vong do COVID-19 trên toàn cầu, châu Mỹ chiếm tới 37% số trường hợp mắc bệnh (98,1 triệu) và khoảng 44% ca tử vong (2,3 triệu). Cũng tại châu lục này, 46% số ca bệnh (45,8 triệu) và 66% số ca tử vong (1,53 triệu) được ghi nhận ở Mỹ Latinh. Số liệu của PAHO chỉ ra rằng trong hai tuần gần đây, các nước Trung Mỹ, ngoại trừ Panama, đã ghi nhận số ca nhiễm mới giảm mạnh, nhưng lại gia tăng ở các nước Nam Mỹ như Bolivia, Peru và Colombia.
TTXVN