Trung Quốc phục kích lính Liên Xô, chiến tranh hạt nhân suýt bùng nổ

Thứ Hai, 8/1/2018, 14:21 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Năm 1969, hai trụ cột của phe xã hội chủ nghĩa, Liên Xô và Trung Quốc, đã suýt chút nữa thì rơi vào một cuộc chiến tranh tổng lực, một cuộc chiến khủng khiếp khi cả hai bên đều sở hữu vũ khí hạt nhân.

Ngày 2/3/1969, đơn vị binh sĩ Liên Xô tuần tiễu đảo Damansky (Trung Quốc gọi là Zhenbao) nằm trên sông Ussuri đã trúng hỏa lực từ quân đội Trung Quốc. Vụ tấn công, xảy ra chỉ cách thành phố chính của Liên Xô là Khabarovsk chừng 120 dặm, đã khiến 50 lính Xô-viết thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Moskva tin rằng vụ tấn công đã có chủ đích từ trước, với việc Bắc Kinh điều một đơn vị đặc nhiệm tới phục kích lực lượng Liên Xô. Thêm nữa, sự tàn bạo của lính Trung Quốc đối với các binh sĩ Liên Xô bị thương đã khiến giới lãnh đạo Xô-viết giận điên người. Ngày 15/3, lính biên phòng Liên Xô nổ súng tấn công các lực lượng Trung Quốc ở trên và quanh đảo Damansky/Zhenbao, giết chết hàng trăm tay súng đối phương.

Chú thích ảnh
Bản đồ khu vực, trong đó đảo tranh chấp Damansky/Zhenbao (màu đỏ) nằm ở góc đông bắc Trung Quốc.

Đụng độ giữa hai bên tiếp diễn qua mùa xuân và mùa hè năm đó. Tới tháng 8/1969, Giám đốc CIA Richard Helms thông báo với báo chí rằng, lãnh đạo Xô-viết đã bí mật hỏi ý kiến các chính phủ nước ngoài về quan điểm của họ đối với một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Trung Quốc.

Cuộc khủng hoảng sau đó dần được tháo ngòi. Nhưng liệu điều gì đã xảy ra nếu chiến tranh nổ ra?

Thời điểm đó, Liên Xô coi hành động của giới cầm quyền ở Trung Quốc là “hèn hạ” và có thể phải triệt cái "ung nhọt" này từ trong trứng nước (dù trong dài hạn điều đó có giúp tăng cường an ninh hay không thì vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ). Trong khi Trung Quốc không muốn chiến tranh, hoặc cũng không có đủ tiềm lực để dấy cuộc chiến, thì người Liên Xô đã có lựa chọn cho việc đó.

Liên Xô đã tăng cường các lực lượng mặt đất trong khu vực kể từ khi có những dấu hiệu đầu tiên về rạn nứt giữa hai nước vào đầu thập niên 1960. Số sư đoàn chiến đấu bộ binh tăng từ 13 vào năm 1965 lên 21 vào năm 1969. Các lực lượng Liên Xô quanh điểm nóng cũng được trang bị súng máy và được các sư đoàn pháo binh yểm trợ. Trong khi đó, phía bên kia biên giới, Trung Quốc có 2 sư đoàn biên phòng, 24 sư đoàn bộ binh, hai sư đoàn tăng và 6 sư đoàn pháo binh.

Chú thích ảnh
Quân đội Trung Quốc tìm cách lên đảo Damansky/Zhenbao sau khi bị Liên Xô tấn công trả đũa. Ảnh: RIA Novosti

Nếu Liên Xô cân nhắc phát động chiến tranh, họ có hai lựa chọn. Thứ nhất là một cuộc tấn công kiểu truyền thống vào Manchuria, nơi tập trung phần lớn hoạt động công nghiệp của Trung Quốc, đi kèm với một cuộc tấn công hạt nhân giới hạn nhằm vào các cơ sở nghiên cứu hạt nhân và lực lượng hạt nhân Trung Quốc. Một cuộc tấn công của Liên Xô vào Manchuria năm 1969 sẽ tái hiện lại sự kiện trong cùng khu vực vào năm 1945, chống lại quân phát xít Nhật, dù khiêm tốn hơn về quy mô. Năm 1945, chiến dịch của Liên Xô ở Manchuria huy động tới 1,5 triệu quân. Một chiến dịch năm 1969 nếu xảy ra có thể huy động một nửa quân số như vậy, nhưng được trang bị hỏa lực mạnh hơn, với sự hỗ trợ của pháo binh và thiết giáp hiện đại, không quân chiến thuật, thậm chí cả vũ khí hạt nhân chiến thuật.

Lựa chọn thứ hai là tấn công hạt nhân nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc mà không đi kèm với chiến dịch tấn công bộ binh vào Manchuria.

Trung Quốc đã thử nghiệm vũ khí hạt nhân đầu tiên vào năm 1964 và tiến hành vụ thử trong lòng đất đầu tiên vào năm 1969. Lúc đó vẫn chưa rõ vũ khí hạt nhân Trung Quốc có thể sử dụng được không trong một cuộc chiến với Liên Xô. Trong khi đó, một cuộc tấn công nhằm vào Bắc Kinh dù chỉ bằng chỉ một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa SS-8 của Liên Xô, được trang bị đầu đạn nhiệt hạch có sức công phá 2,3 megaton, cũng sẽ hủy diệt thành phố và giết chết hơn một nửa trong số 7,6 triệu dân.

Cuộc tấn công sẽ phô diễn sức mạnh quân sự của Liên Xô về cả lực lượng quy ước lẫn lực lượng hạt nhân. Nhưng mặt khác, tấn công vào Trung Quốc cũng sẽ khiến Liên Xô vấp phải làn sóng phản đối trên khắp thế giới. Một cuộc tấn công nhằm vào Trung Quốc sẽ mang đến một thắng lợi chiến thuật với người Nga, nhưng một thất bại chiến lược với Liên Xô. Moskva sẽ buộc phải điều các lực lượng tăng thiết giáp từ căn cứ đặt tại những nước trong Hiệp ước Warsaw (Vacsava) và vùng lãnh thổ thuộc châu Âu của mình sang phía đông. Điều này có thể  khích động các lực lượng chống đối ở Ba Lan, Séc-Slovakia và Hungary vốn đang âm mưu lật đổ chính quyền, nhân lúc Liên Xô không còn duy trì lực lượng mạnh để đập tan những làn sóng nổi loạn có thể bùng phát.

Về phần Trung Quốc, với quân đội thường trực khổng lồ, Bắc Kinh có thể không thua trong cuộc chiến, nhưng cũng thiếu các lực lượng tấn công đủ mạnh để có thể thắng. Một cuộc chiến tranh nếu kết thúc bằng việc Manchuria bị chiếm, một Bắc Kinh bị tàn phá sẽ hủy hoại thành quả của những bước "Đại nhảy vọt" và cuộc Cách mạng Văn hóa khi đó đang diễn ra.

Cuộc khủng hoảng Xô-Trung 1969 cuối cùng được tháo ngòi, giúp hai nước tránh được một cuộc chiến tranh hủy diệt khi cả hai đều hiểu rằng họ nên là đồng minh thay vì kẻ thù.

Khám phá boongke tránh hạt nhân trong lòng hang động của lãnh đạo Trung Quốc

Khám phá boongke tránh hạt nhân trong lòng hang động của lãnh đạo Trung Quốc

Ẩn sâu dưới lòng đất hơn 2 km trong những hang động đá vôi là một hầm boongke hạt nhân - nơi trú ẩn cho ban lãnh đạo cấp cao Trung Quốc cùng binh lính và đội ngũ trợ lý.

Thu Hằng/Báo Tin Tức

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến