(Thethaovanhoa.vn) - Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 298.458 trường hợp mắc Covid-19 và 7.345 ca tử vong. Tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 174,3 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,7 triệu người không qua khỏi.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h ngày 7/6 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận 174.034.357 ca nhiễm SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 3,74 triệu ca tử vong. Số bệnh nhân được điều trị khỏi bệnh là 157.041.225 người.
Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 8/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 174.350.421 ca, trong đó có 3.751.233 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 156.232.006 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.298.327 ca và 88.210 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 7/6, thế giới có 102 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 85 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà thuyên nhẹ.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.
Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.224.283 ca, trong đó có 612.623 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - từng là tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày.
Châu Á đã vượt châu Âu trở thành khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, với 52.599.200 ca nhiễm và 714.758 ca tử vong. Châu Âu đứng thứ hai với 46.925.905 ca nhiễm và 1.079.729 ca tử vong. Bắc Mỹ đã ghi nhận gần 39.994.609 ca nhiễm và 902.956 ca tử vong trong khi Nam Mỹ đã có 29.785.747 ca nhiễm và 917.734 ca tử vong.
Liên quan đến tình hình dịch tại Ấn Độ, Bộ Y tế nước này cho biết đã ghi nhận 100.636 ca mới mắc COVID-19 trong ngày 7/6, mức thấp nhất trong 62 ngày qua. Trước thực tế là số ca nhiễm mới đã giảm mạnh từ mức cao điểm hơn 400.000 ca/ngày hồi đầu tháng 5, thủ đô New Delhi cũng như nhiều thành phố khác đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế để từng bước nối lại hoạt động đi lại và kinh doanh từ ngày 7/6. Nhiều thành phố lớn tại Ấn Độ đã mở cửa trở lại một phần hoạt động kinh tế.
Thủ tướng Narendra Modi cũng tuyên bố chính phủ liên bang sẽ cung cấp vaccine COVID-19 miễn phí cho tất cả người trưởng thành từ cuối tháng 6 này trong nỗ lực đảo chiều đại dịch đã cướp đi sinh mạng hàng trăm nghìn người ở quốc gia Nam Á này.
Khu hành chính đặc biệt Macao (Trung Quốc) quyết định siết chặt quản lý khu giáp ranh với tỉnh Quảng Đông (Guangdong) trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp tại tỉnh miền Đông Nam này.
Theo Trung tâm Điều phối và đối phó với virus SARS-CoV-2 của Macao, bắt đầu từ 10h ngày 8/6, tất cả những người muốn qua lại giữa Macao và Quảng Đông phải có kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính trong 48 giờ thay vì 7 ngày trước. Trong thời gian tới, những người qua lại giữa hai khu vực này cũng có thể sẽ cần trình giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19.
Cùng ngày, chính quyền tỉnh Okinawa của Nhật Bản bắt đầu đóng cửa nhiều trường học nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở trẻ em. Biện pháp này có hiệu lực đến ngày 20/6 tới, cùng thời gian với lệnh tình trạng khẩn cấp đang được áp dụng tại Okinawa.
Chính quyền Okinawa quyết định như trên sau khi tỉnh ghi nhận các ổ dịch ở nhiều trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em. Cuối tháng 5 vừa qua, Okinawa từng ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bùng phát - với 335 ca, trong bối cảnh tỉnh này đang phải nỗ lực ứng phó với đợt dịch lây lan mạnh nhất ở Nhật Bản.
Tại Hàn Quốc, Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc (MOHW) Kwon Deok-cheol ngày 7/6 cho biết nước này sẽ trở lại cuộc sống bình thường từ tháng 7 tới khi số người tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 đạt tỷ lệ cao.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Kwon Deok-cheol nhấn mạnh rằng căn cứ vào khả năng hiện tại, mục tiêu có 14 triệu người được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 có thể đạt được vào cuối tháng 6, sớm hơn so với dự báo trước đây. Theo ông Kwon Deok-cheol, với hơn 1/4 dân số Hàn Quốc được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 như dự kiến, mọi hoạt động kinh tế - xã hội có thể trở lại bình thường vào mùa Hè này.
Theo kế hoạch, từ tháng 7 đến tháng 9 tới, khi Hàn Quốc có đủ điều kiện về vaccine, nước ngày sẽ tiến hành tiêm chủng mở rộng cho những đối tượng dưới 50 tuổi. Tổng thống Moon Jae-in cũng đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 36 triệu người (hơn 70% dân số) với ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 9 tới.
Hiện đã có 7,5 triệu người (14,5% dân số Hàn Quốc) được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19 và trung bình mỗi ngày có khoảng 331.000 người được tiêm chủng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kwon Deok-cheol cũng lưu ý thêm rằng vẫn còn nhiều việc phải làm trong tháng 6, trong đó có việc hoàn thành tiêm chủng cho các nhóm người dễ bị tổn thương nhất.
Tại châu Âu, từ ngày 7/6, Tây Ban Nha bắt đầu mở cửa biên giới cho tất cả những người đã được tiêm chủng, với kỳ vọng hồi sinh lĩnh vực du lịch sau những tổn hại mà đại dịch COVID-19 gây ra. Bộ trưởng Y tế Carolina Darias khẳng định Tây Ban Nha là điểm đến an toàn và đang trong tiến trình tái khẳng định “ngôi vương” ngành du lịch của thế giới.
Trước thềm hội nghị thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) được tổ chức tại Anh, 100 cựu lãnh đạo thế giới đã gửi thư kêu gọi nhóm này hỗ trợ tài chính cho chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho các nước nghèo.
Ông Bruce Aylward, Cố vấn cấp cao của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cho biết tổ chức này đang đàm phán với các nước thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ, về vấn đề quyên góp tài chính và vaccine phòng COVID-19 cho chương trình COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine cho các nước nghèo do WHO khởi xướng.
Tại Anh, các ứng dụng hẹn hò phổ biến như Tinder, Bumble và Hinge đã khởi động chiến dịch khuyến khích người dân đăng nội dung "Tôi đã tiêm chủng" trên hồ sơ của mình, trong bối cảnh vương quốc này đang triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19 tới giới trẻ. Bộ Y tế Anh cho biết trong hoạt động hợp tác với chính phủ, các ứng dụng trên cung cấp các nhãn dán đặc biệt và thưởng tiền cho những người dùng đăng nội dung đã tiêm phòng COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 7/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.205 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 82.100 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Myanmar.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành môt trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 7/6 cũng đứng thứ ba toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 7/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua báo cáo 139 ca bệnh mới và có 3 trường hợp tử vong sau nhiều ngày không ghi nhận.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/6 ghi nhận thêm trên 2.419 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 33 người. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đã giảm khá nhiều.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 589 bệnh nhân mới và 3 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 82.103 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 382 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.201.441 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.803.667 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 9/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Theo Báo Tin tức