Ngẫm ngợi cuối tuần: sao người ta có thể ăn thịt chó mèo ngon thế?!

Thứ Bảy, 28/11/2015, 6:57 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Nhà ba miệng ăn, nhưng chỉ có một người.

Đó là tôi, cộng thêm Gấu và Phanh Ki.

Gấu là con chó vàng mà cháu trên quê mang xuống cho, nuôi nó từ bé, nay đã trên chục tuổi.

Phanh Ki là con mèo khoang, con gái tặng lại khi đi du học nước ngoài. Gấu thon thả kiểu chó săn Phú Quốc, Phanh Ki lại là lão béo trông phát ngất: 7 cân rưỡi!

Ba “nhân khẩu” chung một mái ấm, nhưng chỉ có tôi ra khỏi nhà hàng ngày, còn Gấu và Phanh Ki thì không.

Trước Gấu, nhà tôi mất ba con, ấy là khi phố thịt chó Nhật Tân phát đạt, khi mà Trần Mục, Tú béo, những thương hiệu nổi tiếng phân thân thành mấy cửa hàng. Cứ ngày cuối tháng, hơn cây số đường thơm mùi khói mỡ giềng mẻ ngào ngạt, khói quạt chả dày như sương mù Sa Pa, xe máy xếp dài cả cây số, làng nghề nhộn nhịp như Chợ Tết.

Khá đông dân kinh doanh kéo tới ăn chó giải đen, cái thời kinh tế tấp nập, tưởng một tấc đến giời như con tàu Vinashin rẽ sóng. Rồi bỗng dưng “phố chó Nhật Tân” sập cái đoành. Chỉ có hai năm mà “phố chó” cả ngàn thực khách đã biến khỏi bản đồ ẩm thực Việt chứ không của riêng Hà Nội!.

Chính thời gian sầm uất của “phố chó” ấy, nhà tôi bị lũ trộm câu mất ba con, Gấu lớn lên khi đế chế chó lụi tàn. Làng xóm mất một mối nguy bị rình rập, nó được yên thân!

Nhưng ba năm nay, Gấu tự nhiên chán đi chơi. Nó chỉ loanh quanh vườn nhà, cổng mở cũng mặc. Trước đây chỉ nghe tiếng kẹt cánh cổng là nó đã lao ra như tên bắn, gọi còn chán mới về. Giờ thì nó đứng đắn hiền lành hẳn, chắc vì thời trai trẻ đã qua.

Bây giờ Gấu chỉ sủa nhẹ đánh tiếng mỗi khi tôi đi làm về. Và nhất là buổi sáng khi tôi đi ăn sáng về là nó hóng sát cánh cổng rít lên mừng vui vì thế nào cũng được gói xương. Hôm nào không có, nó buồn thiu, cụp đôi mắt buồn nhìn xuống đất có ý trách trông rất tội.

Nếu Gấu chỉ luẩn quẩn trong khuôn viên nhà vườn thì Phanh Ki lại chỉ kiểm soát ba tầng nhà. Phanh Ki luôn cảnh giác với khách đến nhà. Khách đến, thấy mùi lạ là nó lén chui vào chỗ khuất, lom lom nhìn ra, quan sát mọi động thái. Nhìn mắt nó là biết ngay nó căng thẳng thế nào! Không ai có thể động tay vuốt ve trừ chủ nhân.

Nuôi trong nhà lâu năm, nhưng nó vẫn có cái tinh tường của  loài sống hoang dã, cảnh giác mọi nơi mọi chỗ với thái độ đề phòng. Chỉ có tôi là nó mới sán đến nằm ệch dưới chân hiu hiu ngủ ngay mà cấm nghe thấy tiếng ngáy.

Lúc lên cầu thang nó bừng tỉnh đuổi theo, rồi chạy đón đầu, rồi đứng nép một bên, nghiêng cái đầu đưa chân trước tát tát vào chân tôi như đùa với bạn của nó. Láo thế. Nhưng hay nhất là buổi sáng thức dậy mở cửa buồng thì Phanh Ki đã ngeo ngeo đứng chờ sẵn: nó đòi ăn. Tôi xuống cầu thang, Phanh Ki lẽo đẽo theo sau như tên lính cận vệ mẫn cán. Phải mở nắp hộp thức ăn dốc vào bát khi ấy nó mới nhả tôi ra, chúi đầu vào đánh chén!

Nếu hạch toán ra, một tháng Gấu ăn gạo nhiều hơn chủ nhân còn Phanh Ki ăn thức ăn  sẵn từ siêu thị, tính ra cũng bằng nuôi một miệng ăn theo tiêu chuẩn thôn quê. Nhà có ba miệng ăn là thế.

Từ khi các con lớn lên ra ở riêng, đứa đi học, rồi lần lượt rời căn nhà như chim rời tổ, còn lại chỉ vật nuôi gắn bó với mình. Giờ tôi mới hiểu sao người Châu Âu quí chó mèo đến thế. Tình cảm của nó luôn kịp thời vá vào những cái hẫng hụt khi cuộc sống của con người có những đổi thay.

Tôi tự hỏi: Vậy sao người ta có thể ăn thịt chó mèo ngon thế!

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức (Họa sĩ)
Thể thao & Văn hóa

Tuan Luu  (30/11/2015 04:11:41)
lbtuan@gmail.com
Tây sang đây lúc đầu chê ỏng chê eo, sống ở Viêt Nam một thời gian, thịt chó mắm tôm cứ đánh tì tì. Xét về dinh dưỡng, thịt chó mèo nhiều đạm...có thể nói vừa ngon vưà bổ. Người tây không ăn chằng qua họ xây dựng văn hóa không ăn thịt chó mèo qua nhiều thế hệ rồi. Ăn thịt chó mèo không có gì xấu cả bác nhé, đừng nên đặt câu hỏi như vây. Còn tôi thấy bây giờ ăn uống nhiều thịt quá cũng sinh bệnh nhiều, thôi thì ta cũng thành tâm theo đạo phật một chút để sống lâu, tốt đời đẹp đạo. Thay vi ăn 100 miếng thịt chó, mèo thì nay ta ăn 10 miếng thôi nhé.
le hien  (28/11/2015 05:50:12)
maytinhcudailoc@gmail.com
Ông sang phương Tây mà ở, ở Việt Nam làm gì?
Lão nông  (28/11/2015 09:13:50)
Huong.dang62@yahoo.com.vn
Cũng có lúc tôi đã đưa ra câu hỏi giống với tác giả Đỗ Đức nhưng câu trả lời đầy đủ vẫn chưa tìm được .Chó , mèo là những con vật nuôi của người Việt ( chó hoang và mèo hoang ở nước ta rất hiếm ) .Chó canh nhà , mèo đuổi chuột ,...rất có công với chủ .Thế mà người ta không thương tiếc giết thịt chúng .Tôi đã tận mắt nhìn thấy chủ nhà trói ngiến chó khi chó đang vẫy đuôi , liếm chân âu yếm chủ ..Có phải vì "Chết tiếng trống ,sống miếng dồi chó " đã ăn sâu vào tiềm thức của một bộ phận người Việt ? Thiết nghĩ đã đến lúc giảm bớt sự cháy bỏng của " ước mơ " đó .Các nước tiên tiến đã có Luật bảo vệ vật nuôi . Chúng ta chưa có nhưng hy vọng mỗi người cần bớt thèm và hạn chế đến quán thịt chó , mèo để những con vật nuôi khỏi bị chết thương tâm .Mới đây có báo đưa tin có nghị sỹ Anh nói sẽ không đến Việt nam vì thịt chó .Sẽ còn lâu mới có luật để bảo vệ chó mèo , hy vọng có một sự khởi xướng tẩy chay các món ăn từ thịt chó , mèo để tăng thêm tính văn minh cho cộng đồng ....
GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến