Ngẫm ngợi cuối tuần: Chạy chợ ở quê

Thứ Bảy, 21/11/2015, 13:34 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - 1. Thằng con thứ tư của chú em tôi, từ bé nó nghịch nhất nhà. Đi lại nhanh như con thoi, quại nhau với tất cả đám trẻ trong xóm, chả mấy khi thấy nó ngồi yên một chỗ.

Năm anh em, nó là đứa ngỗ ngược nhất, mắt mũi trao tráo ngỗ ngược. Học hết cấp 2 thì bỏ chơi lông bông, chả nghe ai. Có lúc nó đã đi ăn trộm. Bê hẳn cái máy vi tính ở văn phòng trường học về nhà, nó nghĩ đó là cái ti vi.

Mỗi lần về quê, thấy tôi gọi, nó đều lảng ra chỗ khác, biết bác chẳng yêu nó. Mình nghĩ lối cổ, thằng này rồi hỏng, chả nên cơm cháo gì. May mà còn được ba thằng anh nó  hiền…

Nông thôn xưa nay con cái lớn thả cỏ như gà, tự tìm việc mà làm. Vợ chồng chú em tôi lo cho 7 miệng ăn cả nhà đủ bạc mặt, còn nói gì đến hoạch định nọ kia. Hơn nữa cũng chả có kiến thức gì.

Đám con lớn lên tự tìm việc, thích đứa con gái nào thì tổ chức cưới cho chúng.

2. Thằng cả đi theo thợ xây làm phu hồ, bê gạch... sau một năm thì biết cầm bay. Thằng em kế theo anh cả cũng làm thợ xây. Thợ xây thì công đóng cã, năng nhặt chặt bị, bán sức ra sống thôi. Duy có thằng thứ tư ngỗ nghịch thì chạy chợ, giống bà nội xưa, mua chợ nọ bán chợ kia, phát huy khả năng con thoi của nó.

Ban đầu nó đi cái xe máy tã, buôn từ mớ rau con cá, từ Đại Từ sang Sơn Dương, Định Hóa, gặp gì mua nấy, nó buôn bán đổ, xử lý nhanh như chớp.

Dần dà buôn thêm quả cau, yến cam đến mớ cà, rồi cả rắn rết... khi cần thì mua mớ sắt thép dây điện, dây đồng. Tóm lại, cái gì mọi người cần, nó đều để mắt và thôn xóm xung quanh ai cần từ cái đinh cuộn chỉ thì cứ hỏi nó. Có tất, dù nhà nó chẳng có kho để chứa thứ gì.

Nó bảo, có lúc chả mua được gì cháu làm xe ôm cũng ra tiền. Giờ thì nó thải xe cũ, mua xe mới. Có xe đi chơi và xe thồ hàng.

Nó vẫn là nông dân không ruộng, lấy chạy chợ làm nghề sinh nhai. Cái nghề nuôi cả nhà, mà trước đây theo tiêu chí của nhà nước bao cấp thì cho là vô nghề nghiệp.

Vợ nó ở nhà lo bếp núc, nuôi hai con mà sướng như hoàng hậu.

Hôm qua về thì thằng anh nó cho biết: Điện thoại của nó có đến vài trăm số, nó quen nhiều lắm, toàn chỗ bán hàng mua hàng. Nhấc máy lên là biết ngay cần mua gì bán gì. Nó mua cả xe máy hỏng để bán. Cứ cầm điện thoại lên nghe xong là quyết định mua hay không.

Anh nó bảo, có ngày nó kiếm vài triệu đồng. Chỉ có ngày ế ẩm mới vài trăm ngàn.

3. Hôm mới rồi tôi đi trại sáng tác trên Tam Đảo. Ngồi trò chuyện với một nhà nghiên cứu âm nhạc có tuổi. Ông ấy bảo: Nhiều cái giờ bọn trẻ làm được, cánh già thì chịu vì xưa các ông ấy chỉ biết có một thứ và làm theo chỉ đạo.

Nhưng họ lại quai mồm ra chê ỏng eo chúng. Bây giờ lớp trẻ nó chơi đủ ngón đủ ngành. Thời này làm âm nhạc cũng phải phân thân chứ không mơ màng để đói mờ mắt mà vẫn hãnh diện là làm nghệ thuật. Rồi còn cái đận làm ra tự khen hay mà chẳng ma nào dùng.

Nghe đến đấy tôi chợt nhớ tới thằng cháu chạy chợ ở quê. Nó không có vốn lớn buôn chuyến, không có sổ sách kinh doanh. Cách làm ấy người quy củ có thể chê là tạp nham... nhưng theo thời nó sống vững vàng nhất trong đám con chú em tôi. Hơn hẳn những thằng anh ngoan, gọi dạ bảo vâng, giờ chỉ biết làm thuê là giỏi. Ngày không người thuê là nghỉ!.

Biết nói thế nào nhỉ?

Bài và tranh minh họa: Đỗ Đức
Thể thao & Văn hóa

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến