(TT&VH) - Tết của thiếu nhi, cơ hội “kích cầu” tiêu dùng của người lớn. Từ các loại hàng hóa làm quà cáp cho đến các chương trình nghệ thuật - giải trí dành cho thiếu nhi đều tràn ngập, bão hòa. Đó như cách để “bù” cho những vất vả, thậm chí là khổ sở lao lực của chúng trong suốt cả năm trời học hành, thi cử và phấn đấu cật lực để đạt được những thứ mà người lớn kỳ vọng.
1. Nhưng dù có “bù” cho con cái bao nhiêu, sâu thẳm trong lòng mỗi phụ huynh và cả xã hội vẫn canh cánh lo cho thế hệ tương lai. Chúng sẽ ra sao khi rời vòng tay mình bước ra cuộc đời đang ngày càng nhiều thứ cám dỗ bây giờ?
Tôi hiểu được sự bất an đó khi trong Hè này, có những khóa học đặc biệt như: kỳ nghỉ Hè trong quân đội (các em sẽ tập làm... lính), kỳ nghỉ Hè trong chùa (các em sẽ tập... tu) hay đến những lớp học kỹ năng sống (mà đình đám nhất là các khóa học “Tôi khác biệt”).
Hóa ra cái đáng lo nhất về các em không hẳn là vật chất, cũng không hẳn là tinh thần. Đó chính là kỹ năng sống. Những khóa học cấp tốc nói trên là một sự bù đắp vào các kỹ năng này.
2. Cho dù các lớp này là hết sức hữu ích (tôi không phản đối), nhưng có điều tôi hơi ngạc nhiên, là suốt cả năm trời, học trong nhà trường chưa đủ rèn kỹ năng hay sao mà lại cần những lớp “cấp tốc” như vậy? Nếu những kiến thức nói trên thực sự là cần thiết, tại sao chúng ta không đưa ngay vào nhà trường? Hay chúng ta nhất thiết phải tách ra: Nhà trường dạy văn hóa và chấm điểm cho các em, còn các lớp cấp tốc thì học về kỹ năng sống?
Tôi nhớ hồi học lớp 6, khi được nhà trường cho đi tham quan công viên Thủ Lệ ở thủ đô, các thầy cô giáo đã phát cho mỗi em một cái phiếu ghi rõ họ tên, trường lớp, quê quán (hồi đó chưa có điện thoại) để chúng tôi đeo trên cổ, đề phòng khi thất lạc thì chìa ra để các chú công an đưa về. Tôi không hiểu hồi đó nếu bị lạc thì tôi sẽ ra sao, bởi cái bảo bối đó chính là thứ đầu tiên tôi để thất lạc. Trẻ con mà, cứ tí toáy tháo ra, tháo vào để xem.
Chẳng có bảo bối nào của các bậc phụ huynh có thể “cứu giúp” các em mọi nơi, mọi lúc mà phải là “kỹ năng sống” của chính các em.
Có người đi nước ngoài về kể với tôi rằng, ở bên đó, người ta dạy các em nhỏ khi bị lạc nơi công cộng thì phải ngồi im một chỗ, người lớn sẽ tìm ra. Đến khi gần 30 tuổi, tôi mới được nghe điều đó lần đầu, cho nên tôi dám chắc rằng, nếu ngày lớp 6, tôi bị lạc ở Thủ Lệ thì tôi sẽ mếu máo chạy xuôi chạy ngược khắp nơi. Dĩ nhiên càng chạy thì càng xa chỗ mà người lớn có thể tìm thấy.
Nếu ở tuổi 30 tôi không được tình cờ nghe lời khuyên đó thì tất nhiên, tôi cũng biết mà dạy con mình.
3. Hầu hết các bậc làm cha làm mẹ giờ đây vẫn nuôi dạy con theo kinh nghiệm. Ngồi tán gẫu với mấy ông bố trẻ, mỗi người kể việc dạy con một cách, người thì dọa nạt, người thì đánh đòn và rồi mỗi người bày một cách để ngăn cấm nó chơi điện tử.
Có thể mọi con đường đều đến Roma, nếu đứa trẻ đó có thiên tính tốt, nhưng nếu không bay thẳng được đến Roma mà lại phải vòng vèo qua Bắc Cực, Nam Cực thì cũng chưa biết bao giờ mới đến.
Đó là điều tôi cảm thấy bất an nhất trong ngày 1/6 này.
Đông Kinh