(Thethaovanhoa.vn) - Với mục tiêu nhất bảng I, có sự góp mặt của Đài Loan (Trung Quốc) và Myanmar, U23 Việt Nam đã đá giao hữu với U23 Tajikistan và U23 Kyrgyzstan. Chúng ta có thể thấy gì qua 2 trận đấu tập dượt này?
Sự đồng đều và không quá vượt trội của các cầu thủ U23 Việt Nam đang khiến HLV Park Hang Seo chưa thể định hình bộ khung.
Trận giao hữu đầu tiên chúng ta hòa U22 Tajikistan 1-1. Đây là trận đấu HLV Park Hang Seo còn chưa nắm đội vì đang bận dẫn dắt tuyển Việt Nam đá vòng loại World Cup 2022.
Ở trận gặp Tajikistan này, chúng ta gần như đá với 2 đội hình khác nhau ở 2 hiệp đấu. HLV Kim Han Yon cho U22 Việt Nam chơi 3-5-2 với cặp tiền đạo Văn Đạt – Việt Cường và bộ 3 trung vệ gồm Văn Tới đá trung tâm, Thanh Bình đá lệch phải trong khi Mạnh Dũng đá lệch trái.
Hiệp 1 chúng ta chủ yếu mới thăm dò đối thủ, chưa có nhiều pha lên bóng sắc nét, mạch lạc nhưng khung thành của Văn Chuẩn cũng không bị đối phương đe dọa.
Bóng đá Việt Nam hôm nay: Nữ trọng tài Việt Nam tham gia khóa học VAR chuẩn bị cho World Cup bóng đá nữ 2023.
Hiệp 2 chúng ta thay đổi nhân sự hàng loạt. Rất nhiều cái tên mới đã được HLV Kim Han Yon tung vào sân như Anh Việt, Quang Minh, Xuân Quyết, Bảo Toàn, Văn Việt, Văn Đô, Xuân Tú... và U22 Việt Nam bắt đầu chơi có nét hơn.
Tất nhiên, chất lượng của đường bóng cuối cùng trong tấn công và sự mất tập trung trong khoảnh khắc là những vấn đề không nhỏ nhưng trong bối cảnh đội bóng không có cơ hội đá tập huấn suốt một thời gian dài do ảnh hưởng của Covid-19 thì những chệch choạc mà chúng ta bộc lộ trong trận đấu với U22 Tajikistan là có thể hiểu được.
Đến trận giao hữu thứ 2 gặp U23 Kyrgyzstan chúng ta trình diễn gương mặt tích cực hơn nhiều. Có vẻ như sự hiện diện của HLV Park Hang Seo gần như tạo hiệu ứng tức thì lên các cầu thủ, khích lệ họ chơi nỗ lực hơn và giúp họ trở nên tự tin hơn.
So với trận đầu tiên gặp Tajikistan, ông Park thay đổi một số vị trí trong đội hình xuất phát. Một trong số đó là ông tung Văn Đạt vào thay người thay vì xếp Văn Đạt đá chính như ở trận gặp Tajikistan và Văn Đạt tỏa sáng với một cú đúp. Trước đó, Văn Đô mở tỷ số cho U23 Việt Nam với cú sút 11m thành công.
Điều người ta quan tâm không phải là U23 Việt Nam đã thắng đậm (3-0) đối thủ mà là cách đội bóng triển khai lối chơi tấn công và phòng ngự. Mọi thứ đá trở nên nhịp nhàng hơn, gắn kết hơn, có tính tổ chức cao hơn.
Chiến thuật thi đấu chủ đạo của U23 Việt Nam vẫn là phòng ngự phản công khi gặp các đối thủ ngang cơ hoặc trên cơ. Chúng ta chủ yếu ẫn đá 3-4-3 khi cầm bóng và 5-4-1 khi không có bóng.
Đó là "công thức chiến thắng" đã được ông Park xác lập cho các đội tuyển Việt Nam cho tới thời điểm này và ông dự kiến cũng sẽ không làm khác đi với U23 Việt Nam tại vòng loại U23 Châu Á sắp tới.
Vấn đề còn lấn cấn ở đây là tất cả đều hiểu "có bột mới gột nên hồ" mà chất "bột" ông Park có lúc này rõ ràng không được tốt lắm. Lứa cầu thủ U23 hiện tại của chúng ta rõ ràng không thể so với lứa U23 năm 2018 ở Thường Châu về chất lượng chuyên môn.
Dù đội U23 này được xây dựng dựa trên nòng cốt là 5 nhân tố đã được ông Park triệu tập vào ĐTQG gồm Văn Toản, Bùi Hoàng Việt Anh, Thanh Bình, Văn Xuân và Lý Công Hoàng Anh nhưng trong đội ngũ ông Park đang nắm không có những cầu thủ đạt tầm cỡ như những Quang Hải, Công Phượng, Xuân Trường, Đình Trọng... ở VCK U23 Châu Á 2018.
Ngoài ra, các cầu thủ hiện nay không có điều kiện đá tập huấn nhiều do tác động của Covid-19. Hai trận giao hữu với Tajikistan và Kyrgyzstan rõ ràng hữu ích nhưng chưa đủ để giúp các cầu thủ có được sự ăn ý, gắn kết cao trong lối chơi cũng như đạt tới trạng thái thể lực tốt nhất.
Tất nhiên, ở vòng loại U23 Châu Á, chúng ta chung bảng với những đối thủ không được đánh giá cao là Đài Loan (Trung Quốc) và U23 Myanmar nên cơ hội cho U23 Việt Nam giành quyền dự VCK vẫn rất lớn nhưng thử thách với ông Park và các học trò sẽ xuất hiện một khi chúng ta gặp những đối thủ mạnh hơn.
HT