(Thethaovanhoa.vn) - Nhìn vào hành trình ở 2 trận giao hữu của U23 Việt Nam trước U23 Tajikistan và Kyrgyzstan, có thể thấy, bóng đá trẻ nước nhà đang rơi vào nỗi lo lứa kế cận.
Lịch thi đấu bóng đá U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á 2022. Lịch thi đấu của U23 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á. Lịch thi đấu bảng I vòng loại U23 châu Á.
Lịch thi đấu bảng I vòng loại U23 châu Á 2022
Ngày 27/10: U23 Đài Loan vs U23 Việt Nam
Ngày 30/10: U23 Myanmar vs U23 Đài Loan
Ngày 2/11: U23 Việt Nam vs U23 Myanmar
Kể từ khi tham dự vòng chung kết U23 châu Á 2020 tại Thái Lan, U23 Việt Nam mới có các trận đấu quốc tế trong tháng 10 này. Tức là, trải qua hơn 20 tháng, các cầu thủ trẻ thoát cảnh chỉ đá “chay”.
Và cũng ngần ấy thời gian, chúng ta thấy rõ khoảng cách giữa các thế hệ kế cận. Thật khập khiễng để so sánh song nếu nhìn nhận vào những gì đã và đang xảy ra trong 3 năm qua với lứa cầu thủ U23 thì nhận định đó không hề chủ quan, cảm tính chút nào.
Lứa U23 với những Công Phượng, Quang Hải, Đình Trọng, Tuấn Anh… được xem là thế hệ vàng không chỉ các giải trẻ mà cả cấp độ quốc gia của bóng đá Việt Nam. Chính giải U23 châu Á là bàn đạp để họ bước ra ánh sáng và cũng là cách để nâng tầm bóng đá Việt Nam.
Ngôi Á quân năm 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc) là bất ngờ lớn nhưng thực tế, để có thành quả đó là cả quá trình chuẩn bị về lực lượng lẫn quá trình thi đấu. Lứa cầu thủ này được cọ xát, tích lũy kinh nghiệm từ các giải châu lục, tham dự SEA Games 2017 và những tinh túy nhất đã góp mặt ở vòng chung kết U20 World Cup 2017.
Họ thân chinh đánh khắp nơi nên khi vào giải có độ lỳ nhất định để vượt qua thời khắc khó khăn. Cùng với đó là lối chơi giàu sức thuyết phục mà HLV Park Hang Seo xây dựng. Đó cũng là lứa cầu thủ xuất chúng của hàng loạt lò đào tạo trẻ trên toàn quốc. Nên nhớ, ngoài 2 trung tâm hàng đầu là Hà Nội và HAGL thì Bình Dương, SLNA, Viettel, PVF, Thanh Hóa… đều đóng góp quân số.
Sự đồng đều cả về chất lẫn lượng tạo nên một tập thể mạnh và là “xương sống” của đội tuyển Việt Nam cho đến thời điểm này.
Thế nhưng, càng về sau, các lứa “đàn em” lại không có được nhiều giải đấu để va chạm. Có đến 6 cầu thủ từng góp mặt ở Thường Châu tham dự U23 châu Á 2020 cùng với đó là các cầu thủ trẻ ưu tú khác. Tuy vậy, khoảng cách quá lớn giữa chính 2 nhóm cầu thủ trong cùng 1 đội khiến U23 Việt Nam không thể làm nên bất ngờ.
Thất bại là điều có thể dự báo trước, khi chính giải đấu đó, lối chơi của U23 Việt Nam bị bắt bài. Đó là thực trạng để những người bóng đá Việt Nam nhìn thấy và tìm cách khắc phục.
2 năm qua, VFF nỗ lực để lứa cầu thủ kế cận tham gia nhiều giải đấu. Song, dịch Covid-19 tác động khiến mọi kế hoạch bị ảnh hưởng. Dù vậy, đó cũng chỉ là 1 trong số ít nguyên nhân cho sự tụt dốc về lứa cầu thủ trẻ.
Cần nhìn nhận thực tế, hiện tại, không có nhiều lò đào tạo sản sinh ra lứa cầu thủ chất lượng. Các khóa sau của Học viện HAGL thiếu đi cá nhân kiệt xuất. Cùng với đó, PVF chưa giới thiệu nhân tố nào nổi bật. Ngay cả Hà Nội, sau lứa Quang Hải, các cầu thủ trẻ hiện tại chỉ mới dừng lại ở mức độ hy vọng. Thậm chí, họ không tìm được chỗ đứng ở đội 1 Hà Nội. Hoặc là chấp nhận ngồi ghế dự bị, hoặc là được đem đi cho mượn ở các giải đấu cấp độ thấp hơn.
Tuy vậy, cơ hội ra sân và thể hiện của lứa cầu thủ U23 hiện tại rất ít. Trong số 26 cầu thủ, chỉ có Văn Toản, Bùi Hoàng Việt Anh, Hai Long, Lý Công Hoàng Anh thường xuyên góp mặt trên sân ở V-League. Còn những tài năng như Hữu Thắng, Nhâm Mạnh Dũng… chịu cảnh ngồi ghế dự bị dài hạn.
Cùng với đó, hàng loạt lò đào tạo khác như SLNA, Bình Dương, Viettel… chưa có nhiều sự đột phá ở lứa kế cận là nguyên nhân khiến lỗ hổng của bóng đá trẻ Việt Nam càng lớn.
2 trận đấu là 2 màn thể hiện chưa thật sự thuyết phục để mang đến niềm tin cho người hâm mộ. U23 Việt Nam vẫn sẽ cầm chắc tấm vé dự vòng chung kết U23 châu Á 2022 nhưng với đà này, thật khó để trông chờ vào những mục tiêu cao và xa hơn trong tương lai như World Cup 2026 nếu không có tầm nhìn, chiến lược cùng cách làm mới.
Gia Bình