Xây dựng khu thương mại, tài chính tại ga Hà Nội: Đại diện Đường sắt Việt Nam nói gì?

Thứ Sáu, 29/9/2017, 16:21 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Trước những ý kiến khác nhau về đề xuất xây dựng hàng loạt công trình trung tâm tài chính, khu thương mại cao tầng từ 40-70 tầng tại khu vực ga đường sắt Hà Nội và phụ cận.

Xung quanh vấn đề này phóng viên (PV) Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.

Chú thích ảnh
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN

  

* Ông đánh giá thế nào về Đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận vừa được Tp. Hà Nội  xin ý kiến các bộ, ngành?

- Ông Vũ Anh Minh: Có thể nói đề xuất vừa qua của Hà Nội về quy hoạch đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận chính là việc cụ thể hóa Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch đường sắt cũng như Quy hoạch tổng thể thủ đô Hà Nội. Đây được xem là việc làm rất chủ động của Tp. Hà Nội để triển khai thực hiện Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Một trong những mục tiêu của đề án này là nhằm hiện đại hóa phương thức vận tải đường sắt kết nối đường sắt với các phương thức vận tải khác. Theo tính toán, sau khi hoàn thành quy hoạch, khu vực ga Hà Nội sẽ trở thành ga trung tâm, nơi sẽ kết nối 3 tuyến đường sắt đó là: tuyến đường sắt trên cao. Như vậy sẽ tạo ra sự kết nối các phương thức vận tải được tốt hơn. Cùng với đó mật độ cho hạ tầng giao thông tại khu vực này sẽ được cải thiện rất nhiều.

Trong khi đó, quy mô về dân số được giữ nguyên (tức là không có sự tăng đột biến). Cụ thể, theo quy hoạch quy mô dân số hiện nay là 40.300 dân và sau khi thực hiện quy hoạch là 44.000 dân. Như vậy, dân số sẽ không có sự tăng đột biến về quy mô, trong khi đó, các phương thức vận tải, sự kết nối giao thông lại được tăng lên rất nhiều.

Mặt khác, với các khu ga ngầm của đường sắt nội đô được xây dựng tại khu vực này sẽ giúp tốc độ giải phóng việc đi lại của người dân được tốt hơn. Bên cạnh hạ tầng giao thông được cải thiện thì các vấn đề khác, ví dụ như khu đỗ xe, khu vui chơi công cộng... sẽ được hiện đại hóa. Khi đó sẽ tạo ra nhiều không gian hơn cho khu vực này.

* Ông có thể đánh giá thế nào về đề án này đối với sự phát triển của ngành đường sắt?

- Trong đề án được Hà Nội đưa ra có cả những khu thương mại và khu dân cư với chiều cao từ 40 - 70 tầng. Thứ nhất, đối với các khu thương mại khi xây dựng tại đây có một thuận lợi đó là ngay dưới các khu thương mại này đã được bố trí rất nhiều nhà ga ngầm. Vì thế, tất cả các hoạt động đi lại của người dân sẽ được luân chuyển ngay tới các ga ngầm để tản đi các nơi. Do đó, không tạo ra sự gia tăng đột biến về áp lực cho hệ thống giao thông tiếp cận cũng như giao thông công cộng trong khu vực nội đô.

Hiện nay, Đề án quy hoạch này vẫn trong quá trình xin ý kiến các bộ, ngành địa phương, vì vậy sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, góc độ nhìn khác nhau. Tuy nhiên, dưới quan điểm của ngành đường sắt thì quy hoạch này sẽ giúp hiện đại hóa hệ thống giao thông công cộng  mà trong đó giao thông đường sắt (đường sắt nội đô).

Ngoài ra, khi hệ thống đường sắt (metro) đi vào hoạt động và các ga ngầm được xây dựng sẽ tạo ra hệ thống giao thông đồng bộ, qua đó sẽ giúp thói quen giao thông của người dân có sự thay đổi đó là chuyển dần sang giao thông công cộng. Thay vì đi phương tiện giao thông cá nhân thì  người dân sẽ chuyển sang đi bộ để đến các khu ga ngầm này. Đây chính là yếu tố góp phần tạo ra thói quen hướng đến sử dụng giao thông công cộng của người dân.

Mặt khác, khi thực hiện đề án này, lợi ích phải kể đến là sẽ khai thác được tối đa các nguồn lực. Ví dụ như tại ga Hà Nội, nếu như không được khai thác các vùng không gian này thì sẽ không thể có tiền để xây dựng được một ga mới với các trang thiết bị hiện đại để người dân tiếp cận cũng như phục vụ người dân tốt hơn.

Khi chúng ta được phép khai thác thương mại, sẽ vừa có nguồn lực để xây dựng được nhà ga mới vừa có thể thu hút được các nguồn lực bên  ngoài đầu từ vào đây. Khi đó người dân sẽ có điều kiện để được phục vụ tốt hơn, đồng thời nhà nước cũng không phải bỏ tiền ngân sách ra để đầu tư.

* Nhiều người lo ngại việc đề án sẽ không được thực hiện đúng như đề xuất ban đầu, vậy theo ông để giải quyết vấn đề này cần có giải pháp gì?

- Chúng ta đang xem xét một đề án mà nhìn thấy nó phù hợp thì phải ủng hộ sự phù hợp và những lợi ích mà nó có thể mang lại. Nếu lo ngại sau này không thực hiện đúng thì thay vì đó chúng ta phải bàn đến việc kiểm soát nó sẽ được thực hiện ra sao.

Việc kiểm soát ở đây là kiên quyết không cho phép được điều chỉnh, thay đổi đề án. Ví dụ chúng ta cho xây dựng nhà 50 tầng thì chỉ được xây dựng như thế không được xây vượt hơn. Hay, chúng ta cho khu vực này là thương mại, trụ sở văn phòng thì phải đảm bảo thực hiện đúng quy hoạch đó chứ không phải là khu dân cư.

Xin cảm ơn ông!

Quang Toàn (thực hiện)

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến