Đồ án tái thiết ga Hà Nội và phụ cận: Cao ốc và bài toán quá tải hạ tầng

Thứ Bảy, 23/9/2017, 14:49 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Khi tái thiết ga Hà Nội và phụ cận, thành phố Hà Nội lại đề xuất xây dựng nhiều nhà cao tầng ở khu vực trên. Liệu điều này có làm phá vỡ quy hoạch hay trái với quy định?

Hiện Hà Nội đã quá tải nhà cao tầng. Tính trong khu vực 4 quận nội đô lịch sử đã có vài trăm nhà cao tầng. Với bình quân mỗi tòa nhà khoảng 1.000 người dân sinh sống, nên đến khi tan tầm, các ngả đường ở Hà Nội đều ùn ứ, tắc đường, hạ tầng xã hội bị quá tải nhất là vấn đề giao thông, điện nước, không gian công cộng.

Vậy nhưng khi tái thiết lại ga Hà Nội và phụ cận, thành phố Hà Nội lại đề xuất xây dựng nhiều nhà cao tầng ở khu vực trên. Liệu điều này có làm phá vỡ quy hoạch hay trái với quy định về giới hạn chiều cao công trình trong nội đô?

Phát huy không gian ngầm

Đề cập vì sao lại xây dựng cao tầng khi tái thiết ga Hà Nội và khu vực phụ cận, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, hiện nay khu vực xung quanh ga là các nhà thấp tầng và điều kiện hạ tầng rất kém: giao thông, thoát nước, cấp nước… cho nên dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông và ô nhiễm môi trường.

Mặt khác, khu vực ga Hà Nội và phụ cận có mật độ xây dựng rất cao, khiến cho không gian công cộng thiếu vắng, nhất là bãi đỗ xe đang gây áp lực với người dân và đô thị.

Chú thích ảnh
Ga Hà Nội là một chứng tích lịch sử của Thủ đô. Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN

Vì vậy, việc Hà Nội xây dựng một mô hình TOD ở khu vực ga Hà Nội và phụ cận là nhằm tạo thành một kết nối mới. Ở đó, có tái định cư, có hệ thống đường giao thông (đường bộ, đường sắt, đường ngầm thông minh) hiện đại giúp người dân tỏa đi các hướng một cách tiện lợi dễ dàng.

Minh chứng cho điều này, ông Lê Vinh chỉ ra việc xây cao tầng là thực hiện theo Quy hoạch chung của Thủ đô, trên cơ sở phục vụ tái định cư tại chỗ, nhằm khai thác hiệu quả quỹ đất ở đây, giảm mật độ xây dựng. Việc đề xuất cao tầng ở khu vực ga Hà Nội được báo cáo các bộ ngành và báo cáo Thủ tướng để xem xét kỹ. Bởi khu vực này được phép xây cao tầng do đáp ứng được tổ hợp TOD mà những nơi khác không thể thực hiện được.

Theo đồ án quy hoạch, sau khi xây cao tầng, diện tích đất ở khu vực ga Hà Nội và phụ cận đã tăng lên đáng kể (đường giao thông từ chỗ hiện trạng là 15,2% với diện tích 14,88 ha nhưng sau quy hoạch sẽ là 25,16% với 24,72 ha). Tương tự, bãi đỗ xe ngầm, giao thông ngầm từ chỗ không có thì quy hoạch đã làm tăng lên 34,5 ha.

Hơn nữa, trong quy hoạch phân khu ga này, lần đầu tiên Hà Nội nghiên cứu đồng bộ về khai thác không gian ngầm. Tại khu vực ga Hà Nội sẽ được làm 3 tầng đường hầm. Tầng 1 chiều sâu khoảng -3 m bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm; tầng 2 chiều sâu -7 m bố trí mạng lưới giao thông đi bộ ngầm; tầng 3 chiều sâu -11 m bố trí mạng lưới giao thông và không gian đỗ xe ngầm kết nối toàn bộ ga tàu điện ngầm, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và tuyến số 3 (Nhổn - ga Hà Nội - Trần Hưng Đạo - Hoàng Mai). Ngoài ra, hệ thống quảng trường của ga cũng được đặc biệt quan tâm là nơi trung chuyển giữa xe buýt và tàu điện ngầm.

“Mạng lưới giao thông cũng được đề xuất cải tạo và mở mới một số tuyến đường để đấu nối từ phân khu ga ra các đường xung quanh nhằm tạo giao thông liên hoàn và thuận lợi. Không phải cứ chất cao tầng vào là ách tắc giao thông, khi tái thiết lại, mật độ sẽ giảm đi rất nhiều do đưa vào nhà cao tầng”, ông Lê Vinh nhấn mạnh.

Đồ án tái thiết ga Hà Nội và phụ cận: Vì sao phải tái thiết?

Đồ án tái thiết ga Hà Nội và phụ cận: Vì sao phải tái thiết?

Việc thành phố Hà Nội xin ý kiến các bộ, ngành về Đồ án quy hoạch và tái thiết ga Hà Nội và phụ cận đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của dư luận.

Vấn đề đặt ra trong bảo tồn

Trước câu hỏi những chung cư cũ xuống cấp ở Hà Nội đang cần phải xây dựng lại nhưng vướng vào quy chế quản lý cao tầng ở nội đô không được xây quá 24 tầng, khiến nhiều nhà thầu không mặn mà, trong khi đó khu ga Hà Nội và phụ cận lại được đề xuất xây cao tới 40 - 70 tầng, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội giải thích, sở dĩ một số khu vực nội đô không thể xây cao là do không đáp ứng được tổ hợp TOD. Tức là những khu đó không thể đấu nối với hệ thống đường sắt, đường ngầm và cả xe bus công cộng thông minh, không khai thác hiệu quả hệ thống giao thông công cộng.

Việc Hà Nội đề xuất xây dựng một mô hình TOD ở khu vực ga Hà Nội và phụ cận là nhằm tạo thành một kết nối mới. Ảnh: Văn Cảnh/TTXVN

"Chúng ta phải xác định, việc cải tạo và lập quy hoạch khu ga này là đang thực hiện triển khai Quy hoạch chung Thủ đô. Thủ tướng Chính phủ đã xác định rõ khu vực ga Hà Nội phải được cải tạo và xây dựng lại. Còn việc tái thiết, hiện nay tư vấn quốc tế đang nghiên cứu và đề xuất, quá trình tiến tới được phê duyệt phải thực hiện theo luật. Thành phố sẽ tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư, chính quyền địa phương và rất nhiều vấn đề khác trước khi triển khai đồ án", ông Lê Vinh cho biết.

Ga Hà Nội là một chứng tích lịch sử của Thủ đô. Nên việc bảo tồn và gìn giữ ga là cần thiết và phải thực hiện. Nhiều nước tiên tiến trên thế giới, khi tái thiết lại các nhà ga cũng không phá bỏ mà gia cố sửa chữa lại khu vực ga cũ như dấu ấn của thời gian.

Điểm đặc biệt cần chú ý, không như một số người cho rằng, Hà Nội sẽ đập bỏ nhà ga để xây nhà cao tầng, mà nhà ga vẫn được giữ nguyên hiện trạng để bảo tồn. Thành phố nghiên cứu xây dựng khu vực ga và vùng phụ cận rộng lớn, tận dụng tối đa không gian ngầm đi dưới lòng đất.

Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd - Nhật Bản, đơn vị tư vấn đồ án cho biết, việc tái thiết ga Hà Nội và vùng phụ cận sẽ không phá bỏ ga Hà Nội mà chỉ phục hồi lại diện mạo bên ngoài do đã xuống cấp, theo đúng kiến trúc ban đầu. Đồng thời để ga Hà Nội là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước tìm về dấu ấn Hà Nội từ những năm 1902.

Mặt khác, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, kiến trúc công trình ga Hà Nội; tăng khả năng tiếp cận ga Hà Nội với các công trình của khu phố cổ, khu phố Pháp và khu vực phía Tây của quận Đống Đa nâng cao giá trị của các di tích và quần thể di tích kiến trúc hiện có.

Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, đồ án quy hoạch phân khu đô thị khu vực ga Hà Nội và phụ cận được chia làm 3 giai đoạn. Trước mắt đến năm 2020 dự kiến triển khai xây dựng các công trình tái định cư khu vực Nhà máy nước Ngô Sỹ Liên và khu vực tập thể Văn Chương; thực hiện tái thiết ga Hà Nội và khu vực hồ Linh Quang; đồng thời xây dựng hạ tầng kỹ thuật cơ bản và mạng lưới bãi đỗ xe ngầm.

Giai đoạn 2 vào năm 2030 xây dựng đường ngầm cho người đi bộ; Xây dựng các khu truyền thông, khu lối sống mới, khu thương mại quốc tế, khu ga đường sắt.

Giai đoạn 3 tính từ năm 2025 - 2035 sẽ cùng với giai đoạn 2 đảm bảo 100% nhà ở tái định cư để thúc đẩy phát triển; Xây dựng các trung tâm tài chính trong khu quy hoạch. Tổng số vốn đầu tư của dự án khoảng 23.800 tỷ đồng.

TTXVN/Văn Cảnh - Mạnh Khánh

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến