(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 27/11 tại TP.HCM đã diễn ra hội thảo về không gian di sản với chủ đề Bảo tồn và phát huy giá trị các công trình kiến trúc, lịch sử, văn hoá tại TP.HCM. Điều đáng chú ý của hội thảo này là đã “xa rời” tính vĩ mô để đi vào các công trình, các vấn đề cụ thể, nên khá cận nhân tình.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhiều chuỗi hoạt động, chương trình giao lưu trình diễn có tính chất quốc tế, dự án hợp tác được tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội.
Hội thảo thu hút gần 30 chuyên gia trong nước và 10 chuyên gia, nhóm chuyên gia từ nước ngoài. Đi vào vi mô, kiến trúc sư Trần Văn Khải đưa ra những cơ sở lý luận và pháp lý trong việc bảo tồn, trùng tu biệt thự số 110-112 Võ Văn Tần, quận 3. Nhà văn Trần Hữu Phúc Tiến viết về vườn ông Thượng, chợ Đũi và các biệt thự ở quận 3.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu cũng vậy, chị nêu ra hai ví dụ, một là cung điện Pałacyk ở thành phố Wroclaw, Ba Lan, một là biệt thự phương Nam ở TP.HCM. Khảo sát và gặp gỡ chủ nhân mới của hai nơi này thì biết rằng họ đang muốn trùng tu như nguyên bản, như vậy thì ngoài các giá trị về di sản được bảo đảm, cũng tạo ra được các giá trị mới về tài sản.
Tại sao chọn hai nơi này? Nguyễn Thị Hậu cho biết chủ nhân mới của cung điện Pałacyk cũng là một cặp vợ chồng người Việt, còn khá trẻ. Nghĩa là tầm quan tâm về di sản, đã đến lúc là chuyện của những người Việt trẻ có tầm nhìn, dù ở đâu, họ cũng có những ứng xử giống nhau.
Không gian di sản có ngăn trở sự phát triển hay không? Đó là một câu hỏi được nhiều người đặt ra và cũng có nhiều câu trả lời xác đáng. Tiến sĩ Nguyễn Lưu Bảo Đoan chỉ ra rằng không gian di sản hoàn toàn có thể là một nguồn lực kinh tế, điều này nhiều nước đã làm rất tốt, trong khu vực có Singapore, Malaysia…
Như Hà