(Thethaovanhoa.vn) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhiều chuỗi hoạt động, chương trình giao lưu trình diễn có tính chất quốc tế, dự án hợp tác được tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội.
Chưa một lần được tôn vinh bằng những danh hiệu, tấm áo dài nam thậm chí còn chịu cảnh "lép vế" ngay cả với tà áo dài nữ giới tại Việt Nam.
Giao lưu trình diễn kéo co Hàn Quốc - Việt Nam
Tháng 12.2015, Nghi lễ và Trò chơi kéo co được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại thông qua hồ sơ đa quốc gia của bốn nước: Việt Nam, Hàn Quốc, Campuchia và Philippines. Mặc dù đã có nhiều di sản văn hóa nói chung và di sản văn hóa phi vật thể nói riêng được UNESCO đưa vào các danh sách khác nhau nhưng Nghi lễ và Trò chơi kéo co mới chỉ là lần đầu tiên Việt Nam tham gia xây dựng hồ sơ đa quốc gia. Ở Hà Nội có 2 cộng đồng gắn với trò diễn nghi lễ kéo co được UNESCO ghi danh di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là: phường Thạch Bàn, quận Long Biên và thôn Xuân Thu, xã Xuân Thu, huyện Sóc Sơn. Cùng là kéo co, nhưng cách gọi và diễn giải nguồn gốc lịch sử của hai nơi khác nhau.
Nếu ở huyện Sóc Sơn, Hà Nội có đặc trưng kéo co bằng 2 cây tre nối vào nhau, các cụ cao niên ở đây gọi là Kéo mỏ thì ở quận Long Biên, Nghi lễ và Trò chơi kéo co được thực hiện bằng dây song luồn qua một chiếc cột lim chôn xuống đất, trai kéo co hai đội ngồi bệt xuống đất, chân co, chân duỗi, lấy gót chân làm điểm tựa để kéo được gọi là kéo co ngồi. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam vào sáng nay (23.11) tại đền Trấn Vũ, phường Thạch Bàn, quận Long Biên, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa và Hiệp hội Bảo tồn Nghi lễ và Trò chơi kéo co truyền thống Hàn Quốc tổ chức chương trình giao lưu trình diễn giữa các cộng đồng thực hành kéo co ở Hà Nội và Hàn Quốc. Bên cạnh hoạt động diễn xướng mang tính giao lưu quốc tế này, một cuộc tọa đàm về kéo co của hai nước cũng sẽ được tổ chức với nhiều góc nhìn, với nhiều chuyên gia, nhà khoa học...
“Hành trình di sản Thăng Long – Hà Nội”
Kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, từ cuối tháng 10.2018, Khối Di sản của Sở VHTT Hà Nội đã tổ chức chương trình Hành trình di sản Thăng Long – Hà Nội nhằm kết nối giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Thăng Long – Hà Nội. Hành trình Di sản Thăng Long - Hà Nội năm 2018 là cuộc thi dành cho các cán bộ của 4 đơn vị: BQL Di tích và Danh thắng Hà Nội, BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội và Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Mỗi đơn vị thành lập đội chơi gồm 3 thành viên tham gia 3 vòng thi của Hành trình. Vòng 1 cuộc thi Hành trình di sản Thăng Long – Hà Nội tìm hiểu về kiến thức Di sản văn hóa Thăng Long - Hà Nội. Ở phần thi này sẽ có 4 gói câu hỏi, mỗi gói có 3 câu về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Hà Nội. Mỗi đội có một lượt chọn gói câu hỏi để trả lời.
Vòng 2 cuộc thi tập trung về kiến thức chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Với 4 gói câu hỏi, mỗi gói có 3 câu về chính sách quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, các đội thi sẽ trả lời bằng hình thức bấm chuông nhanh, trả lời đúng, giành được 10 điểm, sai không được điểm. Vòng 3 Chia sẻ kinh nghiệm là nơi để các cá nhân, đơn vị tham gia chương trình bộc bạch về kinh nghiệm của đơn vị mình, chia sẻ về những hoạt động tiêu biểu trong công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Sau khi trình bày đội chơi trả lời câu hỏi do BGK đưa ra về chủ đề mà đội chơi vừa trình bày. Sau ba vòng thi gay cấn và hấp dẫn, kết quả chung cuộc: Giải nhất thuộc về đội chơi Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám, giải nhì thuộc về đội chơi BQL Di tích và danh thắng Hà Nội; BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò, Bảo tàng Hà Nội đoạt đồng giải ba. Ban tổ chức đã quyết định trao thêm giải ấn tượng cho đội chơi BQL Di tích Nhà tù Hỏa Lò.
Triển lãm Hoàng Thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn
Sáng nay 23.11, tại Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước tổ chức Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác và khai mạc Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn – di sản tư liệu thế giới”. Thỏa thuận hợp tác giữa Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước (Bộ Nội vụ) nhằm mục tiêu phối hợp tổ chức trưng bày, triển lãm và xuất bản các ấn phẩm để công bố, giới thiệu các di sản tư liệu thế giới của Việt Nam; các tài liệu lưu trữ, hiện vật tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội nói chung, khu di sản văn hóa thế giới Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Quốc gia đặc biệt Cổ Loa nói riêng. Nhân dịp này, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia IV khai mạc Triển lãm “Hoàng thành Thăng Long qua Mộc bản triều Nguyễn – Di sản tư liệu thế giới”. Triển lãm chọn lựa và giới thiệu bộ sưu tập mộc bản triều Nguyễn, bao gồm các phiên bản mộc bản chứa đựng những tư liệu giá trị về kinh thành Thăng Long qua các thời kỳ. Triển lãm cũng là hoạt động tôn vinh Di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội và Di sản tư liệu thế giới Mộc bản triều Nguyễn tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, số 19 Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội.
Nhiều sự kiện tại Bảo tàng Hà Nội
Bên cạnh việc tham gia chương trình Hành trình di sản Thăng Long – Hà Nội, trong dịp Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, Bảo tàng Hà Nội tổ chức nhiều sự kiện văn hóa hấp dẫn diễn ra từ ngày 22.11 đến ngày 15.12. Cụ thể, ngày 22.11, Sở VHTT Hà Nội tổ chức buổi gặp mặt các đại biểu, cán bộ làm công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn Thủ đô chào mừng Ngày Di sản văn hóa Việt Nam với các Sở, ngành, quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP Hà Nội và các nhà quản lý văn hóa, nhà khoa học, nghệ nhân trong lĩnh vực di sản văn hóa và các cán bộ làm công tác di sản văn hóa của Thủ đô.
Cũng trong ngày 22.11, tại Bảo tàng Hà Nội tổ chức Lễ khai mạc Triển lãm Di tích Quốc gia đặc biệt của Hà Nội. Triển lãm trưng bày nhiều hình ảnh và một số hiện vật trưng bày và giới thiệu về 13 di tích được xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt của TP Hà Nội. Bên cạnh đó là hoạt động giới thiệu, trình diễn một số loại hình văn hóa phi vật thể của Hà Nội như: ca trù, hát văn, hát dô, chèo tàu… Ngoài ra, trong dịp này Bảo tàng Hà Nội cũng tổ chức mở cửa đón khách đến với Triển lãm chuyên đề ảnh Sắc màu cuộc sống; tổ chức Chương trình tham quan, trải nghiệm của học sinh trên địa bàn Thủ đô; trình diễn và trải nghiệm kéo co truyền thống của Hàn Quốc do nghệ nhân Hàn Quốc trình diễn và hướng dẫn khách tham quan...
Theo Báo Văn hóa