(Thethaovanhoa.vn) - Virus SARS-CoV-2 có kích thước chỉ 120 nanomet nhưng đã châm ngòi khiến đại dịch COVID-19 bùng phát và có sức tàn phá khủng khiếp trên khắp thế giới. Nhân loại bước vào cuộc chiến không ngờ với “kẻ thù vô hình” SARS-CoV-2.
Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19 là thông điệp Google đặt trên giao diện Doodle ngày hôm nay 14/4/2020, như một món quà đặc biệt để tri ân, cảm ơn sự hy sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ và các nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với đại dịch.
Cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam không nằm ngoài vòng xoáy này. Suốt gần 4 tháng qua, toàn dân, toàn quân ta đoàn kết, trên dưới thống nhất một lòng, tận tâm, tận lực thực hiện mục tiêu của Đảng và Nhà nước đã đề ra: “Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”.
Vậy mà, đâu đó vẫn có những luận điệu cố tình xuyên tạc, muốn phủ nhận công sức, thành quả của Việt Nam trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu. Việc làm đó không chỉ thể hiện sự thiếu hiểu biết, thờ ơ vô cảm trước sinh mệnh của người dân, mà còn lộ rõ dã tâm chống phá, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với chế độ ta, nhà nước ta.
Đại dịch tàn khốc
Ngày 1/1, vừa bước sang năm 2020 vài giờ đồng hồ, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận được thông báo về ca đầu tiên mắc COVID-19. Một tháng sau đó, thế giới đã ghi nhận 9.958 ca mắc COVID-19, trong đó có 213 ca tử vong tại 25 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trước tốc lộ lây lan nhanh chóng từ người sang người, ngày 31/1, Tổng Giám đốc WHO quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu vì dịch COVID-19. Tình trạng này chỉ được sử dụng trong các trường hợp dịch bệnh hiếm gặp, cần phản ứng toàn cầu mạnh mẽ. Ngày 11/3, sau khi ghi nhận 4.200 ca thiệt mạng, WHO quyết định công bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu.
Đến sáng 14/4, số ca mắc COVID-19 trên thế giới đã lên tới gần 1,9 triệu người, gần 120.000 ca tử vong tại 211 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Gần 120.000 ca tử vong! Có thể tưởng tượng phần nào nỗi đau đớn khôn xiết đang bao phủ khắp mọi nơi, vượt qua mọi biên giới, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, giới tính, sắc tộc, tôn giáo… Thiệt hại về tính mạng con người không thể đong đếm được bởi “còn người còn hết, mất người mất hết”. Tốc độ lây lan chóng mặt của loại virus có kích thước nanomet này làm gia tăng nỗi lo ngăn chặn dịch COVID-19 trên toàn cầu.
Không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người, đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến “sức khỏe” của kinh tế thế giới. Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF cho biết, kinh tế thế giới đang chứng kiến những thiệt hại khốc liệt do đại dịch COVID-19 gây ra. Kinh tế toàn cầu được cảnh báo có nguy cơ đối mặt với tăng trưởng mức âm và có thể sẽ thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.
Giới chuyên gia dự đoán, kinh tế toàn cầu tăng trưởng khoảng 1,6% trong năm 2020, chỉ đạt một nửa mức tăng 3,1% được dự đoán vào tháng 1/2020. Đây là mức tăng yếu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007-2009.
Các chuyên gia của ILO nhận định, con số tổng kết về tình trạng thất nghiệp toàn cầu trong toàn bộ năm 2020 có khả năng cao hơn nhiều lần so với dự báo ban đầu 25 triệu người. Dự báo, có tới 81% lực lượng lao động toàn cầu hiện chịu tác động do nơi làm việc bị đóng cửa một phần hoặc toàn bộ. Các ngành kinh tế bị ảnh hưởng lớn nhất bao gồm dịch vụ lưu trú và ăn uống, sản xuất, bán lẻ, các hoạt động kinh doanh và hành chính.
Đến nay, đại dịch COVID-19 không là chuyện riêng của một đất nước nào. Mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ trở thành một mắt xích trong chuỗi liên kết chặt chẽ, cùng nhau vượt qua khủng hoảng. Bởi nếu chỉ một quốc gia tách biệt khỏi chuỗi liên kết, kết quả mang lại sẽ là sự hỗn loạn và khủng hoảng sâu sắc.
Mắt xích quan trọng trong cuộc chiến toàn cầu
Ngay từ khi dịch COVID-19 xuất hiện, Chính phủ Việt Nam đã kích hoạt sớm các biện pháp phòng, chống cao hơn một mức so với khuyến cáo của WHO; áp dụng một loạt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh chưa có trong tiền lệ, quy mô lớn và lần đầu tiên áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội. Qua đó khẳng định, Việt Nam là một mắt xích quan trọng trong sự liên kết chặt chẽ với các quốc gia khác trên thế giới, quyết tâm chống dịch COVID-19.
Một quốc gia nhỏ bé đã trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, Việt Nam hiểu rõ giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào”. Do đó, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị kiên định mục tiêu duy nhất: Bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trước dịch bệnh.
Với mục tiêu nhất quán, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tin tưởng: “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch COVID-19!”. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, sự điều hành linh hoạt của Chính phủ và sự nỗ lực vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dù tiềm lực kinh tế còn hạn chế so với các nước trên thế giới, nhân dân Việt Nam đã chung sức đồng lòng, đoàn kết, quyết tâm vượt qua khó khăn, ảnh hưởng của dịch bệnh.
Chia sẻ kinh nghiệm với các nước, Việt Nam đã kiên định thực hiện 5 nguyên tắc (ngăn chặn, phát hiện, cách ly, khoanh vùng, dập dịch), kết hợp phương châm 4 tại chỗ (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ). Đặc biệt, Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ nhận được sự ủng hộ và thực hiện nghiêm túc của đông đảo nhân dân, đồng lòng kiên định chiến lược chống dịch đã đề ra để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đến nay, Việt Nam vẫn đang kiểm soát tình hình dịch bệnh với 265 trường hợp mắc COVID -19, trong đó 146 người đã được chữa khỏi và chưa có ca tử vong. Dù còn nhiều khó khăn, song Việt Nam là một trong số ít những nước miễn phí xét nghiệm với những trường hợp nghi nhiễm virus SARS-CoV-2 và có chỉ định xét nghiệm; Chính phủ chi trả toàn bộ phí điều trị.
Bên cạnh tác động trực tiếp đến sức khỏe người dân, dự báo Việt Nam sẽ có từ 2 đến 3,5 triệu lao động ngừng việc, mất việc làm do dịch COVID-19 gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến an sinh xã hội. Theo Dự báo kinh tế khu vực châu Á của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Việt Nam sẽ mất hơn 1 tỷ USD (tương đương 0,41% GDP) bởi dịch COVID-19.
Với quan điểm nhất quán “chấp nhận hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân”, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan đã liên tiếp ban hành các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng người dân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn. Điển hình, gói an sinh xã hội hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có quy mô khoảng 62.000 tỷ đồng với ước tính khoảng 20 triệu người được thụ hưởng, thể hiện trọn vẹn ý nghĩa “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, khẳng định chủ trương, chính sách đầy tính nhân văn của Đảng, Nhà nước Việt Nam, quyết tâm hành động vì nhân dân.
Sự đồng tình, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế
Trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, nhiều tổ chức quốc tế đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam, với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ trung ương tới địa phương, đặc biệt là sự hợp tác của đông đảo người dân, qua đó thể hiện lòng tin của người dân và toàn xã hội đối với Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đồng thời, cộng đồng quốc tế cũng mong muốn Việt Nam chia sẻ những bài học kinh nghiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Truyền thông quốc tế đã có nhiều bài viết khách quan, phản ánh cụ thể và đánh giá cao những biện pháp của Chính phủ Việt Nam nhằm khống chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Với tựa đề “Cuộc chiến chống SARS-CoV-2: Mô hình Việt Nam-Hình mẫu thế giới”, báo Argentina ca ngợi sức mạnh đoàn kết và niềm tin gần như tuyệt đối vào sự lãnh đạo chính trị của nhân dân Việt Nam làm nên “sự thần kỳ” của một quốc gia nhỏ bé. Qua đó, nhấn mạnh Việt Nam là một trong những điểm sáng trên thế giới về công tác phòng, chống và ngăn chặn sự lây lan của đại dịch COVID-19 để đưa vào thực tế như một hình mẫu cho thế giới.
Trang mạng Asia Times đăng bài phân tích “Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận được sự hoan nghênh” ở cả trong và ngoài nước khi có những quyết sách nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch để kiềm chế dịch COVID-19. Những biện pháp quyết liệt của Việt Nam đã truyền đi tinh thần quyết tâm với sự đồng lòng của cả nước.
Trang Asean Post ngày 9/4 đăng bài cho rằng mặc dù có nguồn lực hạn chế, Việt Nam đã chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống đại dịch và các nước ASEAN cũng như các nước trên thế giới có thể học hỏi từ phản ứng nhanh chóng của Việt Nam...
Đối với người dân, cuộc khảo sát do Tổ chức Dalia Research (Đức) tiến hành tại 45 quốc gia và vùng lãnh thổ ở khắp các châu lục trên thế giới cho thấy, Việt Nam có tỷ lệ người dân tin tưởng vào các biện pháp ứng phó dịch COVID-19 của Chính phủ cao nhất thế giới với 62%. Niềm tin của gần 100 triệu người dân vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước không phải dựa trên cảm tính đơn thuần hay tuyên truyền sáo rỗng mà có được. “Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong những lúc đầy nguy nan, thử thách do dịch bệnh, mỗi người dân đều cảm nhận rõ mình được an toàn, được bảo vệ tính mạng bởi những nỗ lực của cả hệ thống chính trị.
Những luận điệu lạc lõng
Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, tại Việt Nam, việc triển khai các biện pháp đồng bộ để bảo vệ cho người dân trước những nguy hiểm hiện hữu do đại dịch gây ra là việc cần thiết, cấp bách. Mọi phương châm, hành động của Chính phủ Việt Nam đều có sự cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng nhằm thực hiện mục tiêu tối thượng là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Không thể khoanh tay đứng nhìn, chẳng thể nhắm mắt làm ngơ khi sinh mệnh của đồng bào mình đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đó chính là đạo lý tốt đẹp, là phương châm hành động của Đảng và Nhà nước Việt Nam, tất cả vì lợi ích của nhân dân. Thực tế hành động và kết quả công tác phòng, chống dịch bệnh ở Việt Nam thời gian qua chính là bằng chứng thuyết phục nhất, nhằm bác bỏ, đập tan những luận điệu sai trái, lợi dụng bối cảnh khó khăn để xuyên tạc tình hình, chống phá chế độ. Nếu nhận thấy sự nguy hiểm của đại dịch, trước an nguy của cộng đồng mà không hành động hoặc hành động không tương xứng thì đó mới là điều đáng lên án. Nếu không xuất phát từ lợi ích chính đáng và nguyện vọng của nhân dân, ắt hẳn mọi chủ trương, chính sách đều không thể lan tỏa và lôi cuốn quần chúng nhân dân đồng tình hưởng ứng như thực tế đã diễn ra trên đất nước ta.
Trong từng thời điểm, từng cấp độ dịch bệnh, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra các biện pháp kịp thời, linh hoạt, nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh. Những quyết sách đó đã được nhân dân đồng tình thực hiện. Bởi người dân Việt Nam từ nông thôn đến thành thị; từ đồng bằng đến miền núi xa xôi, vùng biển mặn mòi, đều ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh và đánh giá cao những chủ trương, quyết sách của Đảng, Nhà nước đều là vì dân. Mỗi người dân là một "chiến sĩ” đều nhận rõ quyền và trách nhiệm trong cuộc chiến cam go này. Chính vì vậy, đã có biết bao tấm gương, câu chuyện cảm động về tinh thần nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách, thấm đẫm tình người trong đại dịch.
Thế nên thật bất bình trước giọng điệu Việt Nam đang lãng phí khi dồn quá nhiều sức lực để chống đại dịch. Đây là những giọng điệu lạc lõng, sai trái. Những luận điệu này phải chăng xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về bản chất dịch bệnh, phớt lờ những khuyến cáo về mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 trên phạm vi toàn cầu. Hay đây là luận điệu của những kẻ hiểu rất rõ về sự nguy hại của đại dịch, nhưng vẫn cố tình xuyên tạc, với những toan tính riêng. “Đục nước béo cò”, những đối tượng này lồng ghép những lời lẽ xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch COVID-19, nhưng thực chất là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ ta, nhà nước ta. Bất luận vì động cơ gì thì đó đều là những hành vi đi ngược lại với dòng chảy, nỗ lực chung của nhân loại trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu, cần phải lên án mạnh mẽ.
Cuộc chiến chống lại đại dịch vẫn còn nhiều cam go, chưa có dấu hiệu kết thúc. Trên con đường còn nhiều khó khăn, thử thách ấy, toàn dân Việt Nam luôn vững một niềm tin, đồng tâm hiệp lực thực hiện những quyết sách kịp thời, sáng suốt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, hướng đến mục tiêu chiến thắng đại dịch COVID-19.
TTXVN