Cảm ơn những anh hùng chống Covid-19

Chủ Nhật, 19/4/2020, 18:16 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19 là thông điệp Google đang đặt trên giao diện Doodle, như một lời tri ân, cảm ơn sự hy sinh và nỗ lực không ngừng nghỉ của các y bác sĩ và các nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19 - Thông điệp ý nghĩa từ Google

Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19 - Thông điệp ý nghĩa từ Google

Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19 là thông điệp Google đang đặt trên giao diện Doodle, như một sự tri ân những hy sinh và nỗ lực không ngừng của các y bác sĩ và các nhân viên y tế đang ngày đêm chiến đấu với đại dịch Covid-19.

Google chia sẻ: "Trong bối cảnh cả thế giới đối chọi với trận chiến COVID-19 ác liệt, chúng tôi muốn gửi lời cảm ơn chân thành đến những y bác sĩ, điều dưỡng viên và các nhân viên phục vụ tại các cơ sở y tế khắp mọi miền. Cảm ơn vì những hi sinh thầm lặng của các anh chị em, bạn bè và cô bác để bảo vệ cộng đồng ngay từ tuyến đầu của cuộc chiến".

Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19, cảm ơn những anh hùng chống covid 19, Tình hình dịch corona tại Việt Nam ngày 15/4, Số ca nhiễm corona ở Việt Nam 15/4, Covid-19
Bác sĩ Nguyễn Thị Ánh Dương, Khoa Điều trị hóa chất, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương trong khu cách ly. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Những hi sinh của các bác sĩ trong trận chiến chống đại dịch chết người COVID-19 là vô cùng to lớn.

Tại Italy 100 bác sĩ thiệt mạng vì COVID-19. Liên đoàn bác sĩ quốc gia (FNOMCeO) của Italy cho biết, chỉ tính tới 9/4 đã có 100 bác sĩ tử vong do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở nước này hồi tháng 2.

Người phát ngôn FNOMCeO cho hay: "Thật không may, đã có 100 bác sĩ thiệt mạng vì COVID-19, thậm chí là 101 tính tới thời điểm này".

Cảm ơn những anh hùng chống Covid 19, cảm ơn những anh hùng chống covid 19, Tình hình dịch corona tại Việt Nam ngày 15/4, Số ca nhiễm corona ở Việt Nam 15/4, Covid-19
Nhân viên y tế Italy điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ASST Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, ngày 3/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Trung Quốc, nơi khởi phát loại virus chết người này, chỉ tính tới đầu tháng 4/2020, 14 người ở tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, bao gồm cả bác sĩ Lý Văn Lượng, được công nhận là liệt sĩ hôm 2/4 vì đã hy sinh mạng sống của họ trong cuộc chiến chống dịch COVID-19. Trong số những liệt sĩ này có 12 y bác sĩ, một sĩ quan cảnh sát và một nhân viên cộng đồng.

Bác sĩ Lý Văn Lượng là một trong những người đầu tiên cảnh báo về sự nguy hiểm chết người của loại virus xuất hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, nhưng đã bị 1 số người có trách nhiệm thuộc giới chức phớt lờ. Thậm chí anh đã bị xử lý vì "phát tán thông tin sai lệch". Và bác sĩ đã chết cũng chính bởi loại virus này, cùng với hàng trăm ngàn người khác thế giới.

Truyền thông Trung Quốc cho biết bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời lúc 21h30 ngày 6/2/2020 do virus corona khi mới 34 tuổi. Bác sĩ Lý để lại người vợ đang mang thai cũng bị nhiễm COVID-19.

Tại Indonesia, ngày 5/4, Hiệp hội Bác sĩ Indonesia (IDI) cho biết, có ít nhất 18 bác sĩ ở quốc gia Đông Nam Á này đã thiệt mạng do nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp COVID-19.

Theo người phát ngôn IDI, ông Halik Malik, chỉ tính riêng trong 2 ngày 4 và 5/4, đã có tới 5 bác sĩ tử vong tại thủ đô Jakarta, tỉnh Tây Java, tỉnh Benten và tỉnh Nam Sulawesi do mắc COVID-19. Chỉ riêng thủ đô Jakarta đã ghi nhận 95 ca nhiễm COVID-19 trong đội ngũ nhân viên y tế.

Nhằm ngăn chặn các ca lây nhiễm ngày càng tăng trong đội ngũ nhân viên y tế, cùng ngày, một nhóm gồm 20 tổ chức phi chính phủ đã kêu gọi Chính phủ Indonesia bảo vệ tốt hơn cho những người đang ở tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19. Theo đó, 20 tổ chức này đã yêu cầu Jakarta cung cấp đầy đủ trang thiết bị bảo vệ cá nhân (PPE), như khẩu trang, găng tay, quần áo báo hộ cho nhân viên y tế, đồng thời minh bạch hóa các trường hợp nhân viên y tế tử vong.

Cho tới nay, Bộ Y tế Indonesia vẫn từ chối cung cấp số liệu thống kê về số lượng nhân viên y tế bị lây nhiễm hoặc tử vong do COVID-19.

*****

Cập nhật 6h00 ngày 19/4: 3 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19

Đến 6h00 sáng ngày 19/4, không có ca mắc mới COVID-19. Như vậy đã 3 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19. Đến nay Việt Nam vẫn có 268 ca, trong số đó 201 ca đã khỏi bệnh, hiện chỉ còn 67 bệnh nhân đang điều trị.

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7% và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%. Như vậy kể từ ngày 7/3 khi có ca bệnh số 17 xuất hiện, đến hôm nay là lần đầu tiên đã tròn 3 ngày, Việt Nam không có ca mắc mới COVID-19.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là 62.998 trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 14 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 6 ca.

Cập nhật 1h00 ngày 19/4: Tổng số ca tử vong tại châu Âu vượt ngưỡng 100.000

Theo thống kê của hãng tin AFP (Pháp), tính đến 18h00 giờ GMT ngày 18/4 (tức 1h00 ngày 19/4 theo giờ Việt Nam), dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra đã cướp đi sinh mạng hơn 100.000 người tại châu Âu, chiếm gần 2/3 tổng số ca tử vong trên toàn cầu.

Số liệu trên được AFP tổng hợp từ số liệu do chính phủ các nước và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố. Cụ thể, với 100.501 ca tử vong trên tổng số 1.136.672 ca nhiễm SARS-CoV-2, châu Âu đã trở thành lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19, căn bệnh đến nay đã khiến 157.163 người tử vong trên toàn cầu.

Italy vẫn là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu Âu, nhưng số ca điều trị tích cực tại nước này tiếp tục có xu hướng giảm. Theo phóng viên TTXVN tại Rome, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Italy ngày 18/4 công bố nước này hiện có 25.007 ca nhập viện với các triệu chứng mắc COVID-19, trong đó số ca phải điều trị tích cực là 2.733, giảm 79 trường hợp.

Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 3.491 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Nam Âu này lên 175.925 trường hợp. Trong đó, tổng số ca tử vong là 23.227 trường hợp (tăng 482 ca) và số ca hồi phục là 44.927 ca (tăng 2.220 ca). 

Vùng tâm dịch Lombard, phía Bắc Italy, cũng ghi nhận số ca điều trị tích cực tiếp tục giảm, với 947 trường hợp (giảm 24 ca). Tổng số ca mắc COVID-19 tại vùng này là 65.381 người (tăng 1.246 trường hợp), trong đó số ca tử vong là 12.050 ca (tăng 199 trường hợp) và số ca hồi phục là 42.342 trường hợp (tăng 1.629 ca).

Trong khi đó, tại Tây Ban Nha, Thủ tướng Pedro Sanchez cùng ngày thông báo sẽ gia hạn lệnh phong tỏa trên tòa quốc đến ngày 9/5 tới, trong bối cảnh quốc gia nằm ở Tây Nam châu Âu này là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19. Đến nay, nước này đã ghi nhận tới 191.726 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 20.043 ca tử vong.

Tây Ban Nha đã áp đặt lệnh phong tỏa trên toàn quốc từ ngày 14/3 vừa qua. Theo quy định mới, lệnh hạn chế đi lại sẽ được nới lỏng một chút nhằm cho phép trẻ em có thời gian ra ngoài, bắt đầu từ ngày 27/4 tới.

Một quốc gia châu Âu khác cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 là Pháp ngày 18/4 đã ghi nhận thêm 642 ca tử vong tại các bệnh viện và các bệnh xá trong 24 giờ qua. Con số này thể hiện mức giảm mới trong tổng số bệnh nhân tử vong do virus SARS-CoV-2 tại các bệnh viện và trung tâm chăm sóc tích cực.

Thông cáo của Bộ Y tế Pháp cho biết, các ca tử vong mới, trong đó có 364 ca tại bệnh viện và 278 ca tại các bệnh xá, nâng tổng số ca tử vong do đại dịch COVID-19 tại nước này lên 19.323 người. Tổng số ca nhiễm SARS-CoV-2 của nước này là 151.793, trong đó có 35.983 bệnh nhân bình phục và 5.833 đang trong tình trạng nguy kịch.

Cập nhật 22h00 ngày 18/4: Hơn 2.276.000 người nhiễm bệnh, hơn 156.000 người đã chết

Ngày 18/4, theo thống kê của trang mạng worldometers.info toàn thế giới ghi nhận thêm gần 26.900 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, đưa tổng số ca mắc bệnh trên toàn cầu lên hơn 2.276.000 ca. Trong khi đó, số người tử vong vì dịch bệnh cũng tăng thêm gần 2.000 người, lên tổng số hơn 156.000 người. 

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới với số ca mắc bệnh và tử vong vì dịch bệnh lần lượt là hơn 710.200 và hơn 37.100 ca. Dù dịch bệnh chưa thực sự được chế ngự một cách vững chắc, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố các chuyên gia tin rằng những bang hiện có đủ xét nghiệm virus sẽ đáp ứng được tiêu chuẩn mở cửa lại nền kinh tế trong giai đoạn 1 và có thể triển khai giai giai đoạn này nếu như họ muốn. Truyền thông Mỹ cùng ngày đưa tin làn sóng những người biểu tình yêu cầu mở cửa trở lại nền kinh tế Mỹ đang lan rộng trên nhiều bang, trong khi các quan chức liên bang và địa phương vẫn tiếp tục đưa ra cảnh báo thận trọng nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng trở lại của dịch COVID-19. 

Tại châu Âu, diễn biến dịch bệnh nghiêm trọng nhất tại Anh khi quốc gia này ghi nhận thêm 5.525 ca mắc mới và 888 ca tử vong vì dịch bệnh. Vì dịch bệnh diễn biến phức tạp Nữ hoàng Anh Elizabeth II đã chính thức đề nghị hủy các sự kiện đặc biệt tại lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 94 của bà, dự kiến vào ngày 21/4 tới, cũng như sẽ không có bắn đại bác chào mừng. Thông thường, bắn đại bác chào mừng tại nhiều địa điểm ở thủ đô London là điều không thể thiếu trong các sự kiện quan trọng của Hoàng gia Anh và đây có lẽ là lần đầu tiên trong 68 năm trị vì Nữ hoàng đưa ra yêu cầu này.

Theo sau Anh là Nga cũng ghi nhận thêm 4.785 ca mắc mới nhưng số ca tử vong vẫn đang được kiểm soát tốt hơn các quốc gia châu Âu khác với số ca tử vong mới là 40 ca. Thủ đô Moskva, nơi chịu tác động mạnh của dịch bệnh, tuyên bố đã sử dụng camera giao thông để giám sát thực thi chế độ cách ly. Thị trưởng Moskva, ông Sergei Sobyanin cho biết các hạn chế tạm thời mà thành phố áp dụng do đại dịch COVID-19 sẽ được kéo dài đến ngày 1/5, thành phố sẽ mở rộng chương trình cấp thuốc miễn phí cho người dân có biểu hiện nhiễm virus gây bệnh. 

Các quốc gia châu Âu khác như Bỉ và Hà Lan vẫn ghi nhận hơn 1.000 ca nhiễm mới trong ngày.

Trong khi đó, dịch bệnh có dấu hiệu diễn biến tích cực tại Hàn Quốc, Iran, Thái Lan và Malaysia. Iran, điểm nóng dịch bệnh tại Trung Đông, ngày 18/4 cho biết trong 24 giờ qua, nước này chỉ ghi nhận thêm 73 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số bệnh nhân qua đời lên 5.031 người. Đáng lưu ý, đây là con số tử vong trong ngày thấp nhất trong nhiều ngày qua tại Iran, một trong những nước có số bệnh nhân tử vong cao nhất thế giới. Tổng số bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại nước này hiện là 80.868 người.

Trong ngày này, Hàn Quốc thông báo thêm 18 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, số ca nhiễm mới hàng ngày thấp nhất trong hai tháng qua. Theo Trung tâm Ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tới nay quốc gia này ghi nhận tổng cộng 10.653 ca mắc bệnh. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày 20/2 Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày dưới con số 20. Trong 5 ngày qua, Hàn Quốc liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới mỗi ngày duy trì dưới mức 30.

Thái Lan đã xác nhận thêm 33 ca mắc bệnh, nâng tổng số các ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này lên 2.733 bệnh nhân. Bộ Y tế Thái Lan cho biết tỷ lệ tử vong vì COVID-19 ở nước này là 1,7%, thấp hơn 4 lần so với tỷ lệ trung bình toàn cầu, trong khi khi tỷ lệ bình phục là 62,5%. Theo đánh giá, tình hình COVID-19 ở Thái Lan đang được cải thiện vì số lượng các ca nhiễm mới đang trong xu hướng giảm và không có các ca nhiễm bệnh từ nước ngoài tới nhờ các biện pháp hạn chế chuyến bay tới nước này được áp dụng từ đầu tháng Tư. Malaysia cũng công bố thêm 54 ca nhiễm mới trong ngày 18/4 - mức tăng thấp nhất trong ngày ở nước này kể từ khi chính phủ áp đặt các lệnh phong tỏa và giãn cách xã hội ngày 18/3 vừa qua. Số bệnh nhân COVID-19 tại Malaysia hiện là 5.305 người và 88 trường hợp tử vong.

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, cùng ngày, Bộ Y tế Singapore đã xác nhận thêm 942 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, mức tăng hằng ngày cao kỷ lục ở quốc gia Đông Nam Á, qua đó nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 5.992 người.  Chính phủ Afghanistan thông báo ít nhất 20 nhân viên Phủ Tổng thống Ashraf Ghani đã có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, khiến nhà lãnh đạo 70 tuổi này phải hạn chế hầu hết các cuộc tiếp xúc với nhân viên và chuyển sang hình thức liên lạc kỹ thuật số. Tính đến ngày 18/4, Afghanistan ghi nhận 933 mắc COVID-19 và 30 ca tử vong vì dịch bệnh. Giới chức y tế cảnh báo nếu không nâng cao các biện pháp phòng dịch, quốc gia này có thể sẽ phải đối mặt với một thảm kịch và hàng triệu người dân nước này có thể sẽ nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh.

Dù đã gỡ bỏ lệnh phong tỏa thành phố Vũ Hán (Wuhan), nơi khởi phát dịch bệnh, Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái bùng phát. Tổ phụ trách cơ chế phòng chống dịch liên ngành của Quốc Vụ viện Trung Quốc đã ra thông báo về công tác quản lý sức khỏe và kiểm tra virus SARS-CoV-2 với những người rời khỏi thành phố này. Theo đó, thông báo đưa ra nguyên tắc kiểm tra toàn diện đối với những đối tượng cơ bản và sẵn sàng kiểm tra nếu có yêu cầu đối với những nhóm đối tượng khác trước khi rời Vũ Hán, và phân loại rõ những người đã qua và chưa qua kiểm tra trước khi rời thành phố. Trong ngày 17/4, nước này ghi nhận thêm 27 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 17 ca từ nước ngoài, và không có ca tử vong nào trên cả nước được ghi nhận thêm. Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát tại Vũ Hán hồi tháng 12/2019 đến nay, tổng ca dương tính với virus SARS-CoV-2 tại Trung Quốc đại lục là 82.719 ca. Hiện còn 1.058 bệnh nhân vẫn đang được điều trị, 77.029 người khỏi bệnh xuất viện và 4.632 người tử vong trong đại dịch này.

21h45 ngày 18/4: 144 người liên quan đến bệnh nhân 268 tại Hà Giang âm tính

Tối 18/4, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Giang, bác sĩ chuyên khoa II Lương Viết Thuần cho biết đã có 144 mẫu xét nghiệm của những người liên quan đến bệnh nhân 268 tại Hà Giang cho kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bệnh nhân số 268 sinh năm 2004, người dân tộc Mông, thường trú ở thôn Pín Tủng, xã Phố Là, huyện Đồng Văn dương tính với virus SARS-CoV-2 hiện đang được theo dõi, điều trị tại Khu cách ly Bệnh viện Đa khoa huyện Đồng Văn. Đây là ca bệnh có những đặc điểm dịch tễ khá đặc biệt và hiện vẫn chưa xác định được nguồn lây nhiễm.

Đối với ca bệnh này, các chuyên gia dịch tễ phải tiến hành xét nghiệm ba lần mới ra kết quả dương tính. Mẫu bệnh phẩm được lấy vào các ngày 11/4 và 14/4 đều cho kết quả nghi ngờ dương tính. Phải đến kết quả xét nghiệm lần 3 của Viện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương ngày 15/4 mới khẳng định bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2.

Bác sĩ Lương Viết Thuần cho biết thêm, bệnh nhân 268 chủ yếu ở nhà, chỉ tiếp xúc với những người đi làm việc bên Trung Quốc về. Tuy nhiên, những người này đều không có biểu hiện bệnh và kết quả xét nghiệm đều âm tính. Người anh trai chăm sóc bệnh nhân hàng ngày, tiếp xúc rất gần với bệnh nhân nhưng kết quả xét nghiệm cũng âm tính.

Cập nhật 18h00 ngày 18/4: Không có thêm ca nhiễm mới

Theo Bản tin lúc 18h00 ngày 18/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19, trong ngày không có ca mắc mới COVID-19. Hiện số ca bệnh COVID-19 vẫn là 268. Như vậy, kể từ ngày 7/3, đây là lần đầu tiên đã 60 giờ Việt Nam không ghi nhận ca mắc mới.

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%, và 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Số người cách ly: Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe cách ly là 62.998, trong đó Cách ly tập trung tại bệnh viện 279, cách ly tập trung tại cơ sở khác: 11.338, cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 51.381.

Tình hình điều trị theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19: 3 bệnh nhân nước ngoài được công bố khỏi bệnh trong đó 1 bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị COVID-19 Cần Giờ, TP HCM, 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Dã chiến Củ Chi TP HCM BN151, BN207.

- Hiện còn 67 bệnh nhân đang được điều trị tại 11 cơ sở y tế.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2: 14 ca.

- Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2: 5 ca.

Cập nhật 6h00 ngày 17/4/2020: Không có ca nhiễm mới

Bản tin 6h sáng ngày 17/4 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 cho biết, đến sáng nay số ca bệnh COVID-19 ở nước ta vẫn là 268. Như vậy tròn 24h qua, không ghi nhận ca bệnh mắc mới.Dự kiến hôm nay sẽ có 14 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh

Tổng số ca mắc: 268 trường hợp, trong đó:

- 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%;

- 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.

Cập nhật 22h00 ngày 16/04/2020

Theo thống kê trên trang worldometers.info, đến 22h00 ngày 16/4 (theo giờ Việt Nam), trên toàn thế giới có tổng cộng 2.109.452 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 137.060 ca tử vong, trong khi 526.747 ca đã hồi phục. Số trường hợp bệnh nặng và nguy kịch vẫn còn 51.116 người.
Với 640.922 ca nhiễm và 28.640 ca tử vong, Mỹ tiếp tục bỏ xa các nước khác trên thế giới trong cả hai phương diện này. Cho dù số ca nhiễm và tử vong ở Mỹ vẫn rất cao, nhưng Tổng thống Donald Trump cho rằng Mỹ đã vượt qua đỉnh dịch và dự kiến vào lúc 17h00 ngày 16/4 theo giờ Mỹ (tức 4h00 sáng 17/4 - theo giờ Việt Nam), ông sẽ công bố các kế hoạch đầu tiên về việc dỡ bỏ phong tỏa. Ông Trump rõ ràng đang đứng trước sức ép rất lớn phải ghi điểm đẹp về kinh tế khi cuộc bầu cử tổng thống đang đến gần và nước Mỹ lại ghi nhận thêm 5,2 triệu người lao động rơi vào cảnh mất việc làm và xin trợ cấp thất nghiệp trong tuần trước.

Số liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 16/4 cho thấy nền kinh tế số 1 thế giới đã mất tổng cộng 22 triệu việc làm kể từ giữa tháng 3 vừa qua, do các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch COVID-19 khiến các công ty, cửa hiệu, nhà hàng phải đóng cửa. Con số mới này đã nâng tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ lên 8,2%.
Liên quan đến sự lây lan của virus SARS-CoV-2 trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt, theo báo Wall Street Journal ngày 15/4, giới chức Mỹ cho rằng các hoạt động ra vào của các máy bay trên tàu này là nguyên nhân khiến các thủy thủ trên tàu sân bay nhiễm bệnh, chứ không liên quan tới chuyến thăm Đà Nẵng (Việt Nam) từ ngày 4 - 9/3 vừa qua. Cho đến nay, đã có hơn 600 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 trên tàu USS Theodore Roosevelt, trong đó 1 thành viên đã tử vong, 5 người phải nhập viện và 1 người đang được chăm sóc đặc biệt tại Bệnh viện Hải quân trên đảo Guam.

Tây Ban Nha đang là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới. Bộ Y tế nước này ngày 16/4 thông báo số ca tử vong do bệnh COVID-19 đã tăng lên thành 19.130 người. Trong 24 giờ qua, Tây Ban Nha có thêm 551 bệnh nhân tử vong vì COVID-19, tăng so với mức 523 một ngày trước đó. Tây Ban Nha cũng ghi nhận thêm 5.183 ca mắc bệnh, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 182.816 ca.

Trong khi đó, tại nước láng giềng Italy, sau hơn 5 tuần lệnh phong tỏa được thực thi trên toàn quốc, đã có những dấu hiệu dịch bệnh đã qua điểm đỉnh và sắp kiểm soát được dịch bệnh. Số bệnh nhân trong các bệnh viện đã giảm dần và tỷ lệ nhiễm mới cũng giảm bớt. Từ ngày 14/4, Italy đã thận trọng nới lỏng phong tỏa đối với một số lĩnh vực kinh tế, trong khi tái tổ chức các khu vực công cộng để bảo vệ tốt hơn, như tiếp tục yêu cầu giãn cách xã hội và đeo khẩu trang và găng tay ở nơi công cộng. Chính phủ dự kiến sẽ dỡ bỏ phong tỏa vào ngày 3/5 tới.

Tính đến thời điểm này, Italy có 165.155 ca mắc COVID-19, trong đó có 21.645 ca tử vong, đứng trên Pháp - quốc gia có lần lượt số ca nhiễm và ca tử vong là 147.863 và 17.187; Đức lần lượt là 135.549 và 3.850; Anh là 103.093 và 13.729.

Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Âu Hans Kluge cho biết dù một số quốc gia châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch COVID-19 đã ghi nhận những dấu hiệu lạc quan, nhưng số ca nhiễm mới vẫn đang tăng lên và sắp chạm mốc 1 triệu người chỉ riêng ở khu vực này.

Ông Kluge nhấn mạnh châu Âu vẫn đang là "tâm bão" của dịch bệnh khi số ca nhiễm trên toàn châu lục tiếp tục tăng.

Trong vòng 10 ngày qua, số ca nhiễm ở châu Âu đã tăng gần gấp đôi, sắp chạm ngưỡng 1 triệu người. Điều này có nghĩa rằng châu Âu đang gánh 50% gánh nặng toàn cầu về dịch COVID-19 khi hơn 84.000 người ở châu lục này đã tử vong vì virus SARS-CoV-2. Theo ông Kluge, dù một số nước đã bước vào giai đoạn có thể dần nới lỏng hạn chế nhưng chưa thể nhanh chóng quay trở lại trạng thái bình thường như trước. Ông hối thúc các quốc gia vẫn phải thực hiện đầy đủ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh trước khi nới lỏng lệnh phong tỏa.

Trong khi đó, Trung Quốc đại lục đang đứng thứ 7 trong danh sách các ổ dịch của thế giới. Giới chức y tế Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 46 ca nhiễm mới trong ngày 15/4, trong đó có 34 ca là từ nước ngoài trở về.

Trong thông báo cập nhật sáng 16/4, Ủy ban Y tế quốc gia (NHS) của Trung Quốc nêu rõ trong tổng số các ca mắc mới, có 12 ca lây nhiễm trong cộng đồng, gồm 5 ca ở tỉnh Quảng Đông, 4 ca ở tỉnh Hắc Long Giang và 3 ca ở thủ đô Bắc Kinh. Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong do COVID-19 nào, nên tổng số ca tử vong hiện vẫn là 3.342 người. Ngoài ra, có thêm 76 bệnh nhân đã hồi phục trong ngày 15/4.

Tính đến ngày 15/4, tổng số ca nhiễm tại Trung Quốc đại lục là 82.341 ca, trong đó có 1.107 ca vẫn đang được điều trị và  77.892 người đã được xuất viện. Ước tính 8.484 người có tiếp xúc gần với các bệnh nhân hiện đang được theo dõi y tế.

Trong khi đó, tại các khu vực khác thuộc Trung Quốc, tính đến ngày 15/4, khu hành chính đặc biệt Hong Kong đã ghi nhận tổng cộng 1.016 ca nhiễm và 4 ca tử vong, khu hành chính đặc biệt Macau có 45 ca nhiễm và vùng lãnh thổ Đài Loan có 395 ca nhiễm và 6 ca tử vong.

Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á vẫn rất phức tạp. Đã có 3 nước ở khu vực này có số người mắc bệnh COVID-19 vượt mốc 5.000 trường hợp. Tại Malaysia, Bộ Y tế ghi nhận thêm 1 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong do dịch bệnh COVID-19 tại nước này lên thành 84 người. Bộ này cũng xác nhận thêm 110 ca mắc, nâng tổng số ca mắc tại Malaysia lên thành 5.182 ca.

Philippines cũng thông báo thêm 207 ca mắc và 13 ca tử vong do dịch bệnh. Theo đó, nước này ghi nhận tổng cộng 5.660 ca mắc, trong đó có 362 ca tử vong. Hiện Philippines ghi nhận số ca mắc nhiều nhất tại Đông Nam Á. Quốc gia này mới ghi nhận thêm 82 bệnh nhân được chữa khỏi và xuất viện, nâng tổng số ca hồi phục lên thành 435 người.

Tính đến ngày 16/4, Indonesia cũng đã ghi nhận tổng cộng 5.516 ca mắc COVID-19, trong đó có 496 ca tử vong và 549 người được chữa khỏi.

Trước tình dịch đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến rất phức tạp, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres cho rằng một loại vaccine phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 an toàn và hiệu quả có thể là công cụ duy nhất đưa thế giới trở lại bình thường, cứu sống hàng triệu người và hàng nghìn tỷ USD thiệt hại kinh tế.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến với các đại diện của 50 quốc gia châu Phi là thành viên LHQ, ông Guterres kêu gọi thế giới nhanh chóng phát triển một loại vaccine phòng COVID-19 mà tất cả mọi người đều có thể tiếp cận, cũng như đem lại “lợi ích chung toàn cầu” và giúp thế giới kiểm soát đại dịch. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải có một cách tiếp cận hài hòa và phối hợp hiệu quả để đẩy nhanh tối đa tốc độ cũng như quy mô cần thiết cho việc triển khai một vaccine phòng COVID-19 vào cuối năm 2020.

Cuộc chạy đua trên toàn cầu nhằm tìm ra một loại vaccine hiệu quả để chống lại virus SARS-CoV-2 lại được tiếp sức thêm khi Quỹ từ thiện của vợ chồng tỷ phú Bill Gates vừa công bố một loạt biện pháp mới, trong đó có khoản tài trợ bổ sung trị giá 150 triệu USD cho nỗ lực quốc tế ứng phó dịch COVID-19.

Trong thông báo đưa ra ngày 15/4, Quỹ Bill&Melinda Gates cho biết số tiền 150 triệu USD này sẽ tài trợ việc phát triển các phương thức chẩn đoán, liệu pháp điều trị và bào chế vaccine ngừa COVID-19, cũng như góp phần hỗ trợ các đối tác ở châu Phi và Nam Á trong nỗ lực phát hiện, cách ly và điều trị các trường hợp mắc bệnh. Quỹ trên cũng kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới đoàn kết trong việc đưa ra những biện pháp ứng phó dịch COVID-19 mang tính toàn cầu nhằm đảm bảo sự tiếp cận công bằng với việc chẩn đoán, điều trị và phân bối vaccine ngừa bệnh trong tương lai.

Thảo Nhi

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến