(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 18/11, UBND tỉnh Bình Thuận đã có cuộc họp khẩn với các Sở, ngành và các huyện về chủ động ứng phó với cơn bão số 14. Từ 9 giờ 30 phút ngày 18/11, Bình Thuận chính thức cấm tàu ra biển.
Theo báo cáo nhanh của UBND tỉnh Bình Thuận, đến 9 giờ ngày 18/11, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 2.322 chiếc với 14.325 lao động; trong đó tàu thuyền đánh bắt xa bờ là 343 chiếc và 4.216 lao động, chủ yếu hoạt động tại các ngư trường Trường Sa, Nam Côn Sơn, Thổ Chu, Tây Côn Sơn…
Tàu thuyền các tỉnh đang neo đậu trong tỉnh là 93 chiếc và 399 lao động. Các đơn vị đang tiếp tục kêu gọi các tàu vào bờ tránh trú bão và hướng dẫn các tàu giữ liên lạc với các đồn biên phòng, các đài thông tin duyên hải khu vực, thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan chức năng theo quy định.
Hiện nay, các hồ chứa nước trên địa bàn tỉnh đều đạt xấp xỉ mực nước dâng bình thường; có 11 hồ chứa đang tiến hành xả lũ điều tiết qua tràn để hạ thấp mực nước, đảm bảo an toàn cho công trình như hồ chứa Sông Quao, Cà Giây, Ba Bàu, Sông Móng… Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi đã phân công trực 24/24h, ứng trực tại các điểm xung yếu, thông báo kịp thời tình hình xả lũ cho các địa phương biết để có kế hoạch di dời dân an toàn.
UBND các địa phương đã thông báo cho các chủ bè nuôi trồng thủy sản biết tình hình thời tiết, ảnh hưởng của bão số 14 để gia cố, chằng buộc an toàn hoặc kéo vào nơi an toàn khi có lệnh của cơ quan quản lý.
Tại cuộc họp, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Phú Quý, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, thị xã La Gi và thành phố Phan Thiết thường xuyên cập nhật thông tin, thông báo kịp thời cho thuyền trưởng, chủ phương tiện đang hoạt động trên biển biết vị trí và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; có trách nhiệm quản lý, kiểm đếm và nắm thông tin quản lý chặt chẽ việc ra khơi của tàu thuyền để kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra; thường xuyên báo cáo về Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh số lượng tàu thuyền hiện đang hoạt động trên biển theo quy định.
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 14, thông báo kịp thời cho nhân dân để chủ động phòng tránh, thu hoạch các diện tích nông nghiệp đã đến thời gian thu hoạch, nhất là vùng có nguy cơ bị ngập lũ, úng khi có mưa, lũ lớn; rà soát phương án, kế hoạch sơ tán dân khi có mưa, lũ lớn kết hợp phải xả lũ công trình hồ chứa thủy lợi ngập lụt trên diện rộng xảy ra.
Các địa phương vùng biển phối hợp với các đồn biên phòng trong khu vực thông báo cho các tàu thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động tìm nơi trú ẩn. Đặc biệt là các tàu thuyền của tỉnh hiện đang hoạt động, đánh bắt hải sản trên vùng biển từ Trường Sa đến Cà Mau, Kiên Giang.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Công ty TNHH một thành viên khai thác công trình thủy lợi tỉnh kiểm tra an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện, công trình đang xây dựng; khắc phục ngay các hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, không để xảy ra sự cố, bảo đảm an toàn công trình và an toàn của người dân ở khu vực hạ du; chủ động điều tiết nước hồ chứa đảm bảo an toàn cho công trình; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu; thông báo kịp thời cho UBND, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố và nhân dân khu vực hạ du biết trước khi vận hành xả lũ theo quy định.
Các đơn vị tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24 giờ để theo dõi diễn biến của bão và tình hình thiên tai khác trên địa bàn để tham mưu chỉ đạo, ứng phó và xử lý kịp thời các tình huống, sự cố xảy ra, báo cáo về UBND tỉnh (qua Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để chỉ đạo.
Sáng ngày 18/11, áp thấp đã mạnh lên thành cơn bão số 14, cách bờ biển Khánh Hòa- Ninh Thuận 650 km. Bão di chuyển nhanh với tốc độ 30 km/h (gấp đôi tốc độ các cơn bão thông thường).
TTXVN/Nguyễn Thanh