(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 18/11, áp thấp đã mạnh lên thành cơn bão số 14, cách bờ biển Khánh Hòa- Ninh Thuận 650 km. Bão di chuyển nhanh với tốc độ 30 km/h (gấp đôi tốc độ các cơn bão thông thường).
Sáng ngày 18/11, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã tổ chức họp khẩn, bàn biện pháp ứng phó với cơn bão số 14 đang đi vào bờ biển miền Trung. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, Phó trưởng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì cuộc họp.
Ông Hoàng Đức Cường, Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết: ATNĐ trên biển Đông sáng ngày 18/11 đã mạnh lên thành cơn bão số 14. Bão hiện mạnh cấp 8, cách bờ biển Khánh Hòa- Ninh Thuận 650 km, vùng bán kính ảnh hưởng của bão rộng khoảng 250 km. Bão di chuyển nhanh với tốc độ 30 km/h (gấp đôi tốc độ các cơn bão thông thường).
Dự báo, trưa chiều ngày 19/11, bão số 14 sẽ áp sát bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Bão tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc và sẽ mạnh thêm vùng ảnh hưởng của bão là Nam Trung Bộ, trọng tâm Khánh Hòa- Bình Thuận, vùng gió mạnh mở rộng ra tỉnh Phú Yên. Khu vực Nam Tây Nguyên có gió giật cấp 8.
Bão gây mưa từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, sau đó mưa có khả năng mở rộng ra khu vực các tỉnh Bắc Trung Bộ. Lượng mưa khoảng 100-200 mm, sau đó do ảnh hưởng của không khí lạnh tiếp tục gây mưa cho các tỉnh, đặc biệt tỉnh Thừa Thiên Huế có thể mưa đạt 400-500 mm. Không khí lạnh gây rét cho các tỉnh miền Bắc từ ngày 19/11.
Theo báo cáo của Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng tính đến sáng ngày 18/11, Biên phòng các tỉnh ven biển đã phối hợp với Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố từ Quảng Bình đến Kiên Giang thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.604 tàu với 251.796 lao động biết vị trí, hướng di chuyển của bão số 14 để chủ động di chuyển hoặc thoát ra khỏi vùng nguy hiểm. Hiện còn 698 tàu với 65.526 lao động chưa liên lạc được.
Đại diện Tổng cục Thủy lợi, từ 15/11, các hồ chứa ở giai đoạn tích nước phục vụ sản xuất. Bão số 12 vừa qua đã gây một số hư hỏng, sự cố các hồ chứa. Do đó, các địa phương phải vận hành hồ chứa vừa đảm bảo an toàn vừa tích nước đảm bảo phục vụ sản xuất, sinh hoạt.
Theo yêu cầu của các Ban chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, hồ chứa thủy điện thuộc EVN trong khu vực đã thực hiện hạ thấp mực nước hồ để tạo thêm dung tích đón lũ, gồm các thủy điện: Vĩnh Sơn B: 30 m3/s; Vĩnh Sơn C: 14m3/s; Ka Nak: 15 m3/s; Đak Mi 4a: 64 m3/s; Đakđrinh: 17 m3/s.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, bão số 14 di chuyển nhanh, lại gây mưa lớn, thời gian ngắn do đó cần chú ý công tác đảm bảo an toàn các hồ chứa, đặc biệt là đối với các hồ xung yếu, hồ đã gặp sự cố, hư hỏng do bão số 12 đồng thời đề phòng lũ quét.
Ngoài ra, đây cũng là vùng nuôi thủy sản ven biển lớn, các chủ lồng bè cần có biện pháp để thiểu thiệt hại. Thứ trưởng yêu cầu các cơ quan chức năng cần chỉ đạo sát sao công tác ứng phó với bão và mưa lũ, trong đó cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về bão, lũ để người dân chủ động phòng tránh. Các địa phương ở khu vực bão số 14 dự kiến độ bộ phải thực hiện ngay việc cấm biển. Chính quyền các địa phương phối hợp với các cơ sở du lịch cần chú ý đảm bảo an toàn cho du khách.
Sáng sớm nay (18/11) sau khi đi vào khu vực phía Đông quần đảo Trường Sa, áp thấp nhiệt đới đã mạnh lên thành bão, cơn bão số 14.
Theo H.V/Báo Tin Tức