Bầu TGĐ UNESCO: Ông Phạm Sanh Châu trực tiếp vận động tại hơn 30 nước

Thứ Hai, 9/10/2017, 22:10 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên ra tranh cử Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017 – 2021 là bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế, đóng góp xây dựng, góp phần định hình các thể chế đa phương và khẳng định tinh thần là đối tác có trách nhiệm. 

Theo phóng viên TTXVN tại Paris, việc tranh cử này góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế thông qua việc chủ động tích cực đóng góp vào công việc chung của UNESCO, thúc đẩy quan hệ và hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới, nhất là các nước lớn, các nước có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện, bạn bè truyền thống của Việt Nam.

Ứng cử vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO khẳng định con người Việt Nam đủ năng lực và kinh nghiệm tham gia lãnh đạo các tổ chức quốc tế. Cùng với việc đảm nhận chức vụ Tổng Thư ký ASEAN, trúng cử vào thành viên Uỷ ban Luật pháp quốc tế, việc Việt Nam có ứng cử viên vào vị trí Tổng Giám đốc UNESCO giúp động viên người Việt Nam ứng cử làm việc tại các tổ chức quốc tế. 

Chú thích ảnh
Đại sứ Phạm Sanh Châu trình bày tầm nhìn về tổ chức UNESCO. Ảnh: TTXVN.

Quá trình giới thiệu ứng cử viên và vận động bầu cử thời gian qua đã là cơ hội để Việt Nam giới thiệu các thành tựu của quá trình Đổi mới toàn diện, lịch sử, văn hoá, con người và đất nước Việt Nam; thể hiện cam kết và khả năng Việt Nam có thể hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam đã quan tâm và trực tiếp vận động cho ứng cử viên Phạm Sanh Châu thông qua các cuộc hội đàm chính thức, các hoạt động tiếp xúc cấp cao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước khi đón tiếp hơn 20 lãnh đạo thành viên các nước Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Việt Nam và trong gần 20 chuyến thăm các nước thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO, tham dự các hội nghị cấp cao quốc tế, diễn đàn đa phương.

Ứng cử viên Phạm Sanh Châu của Việt Nam cũng đã trực tiếp đi vận động tại thủ đô của hơn 30 nước thành viên Hội đồng Chấp hành UNESCO. Qua đó giới thiệu về lịch sử hào hùng và truyền thống hòa hiếu cũng như những thành tựu đổi mới, tiềm năng hợp tác và sức hấp dẫn của nền văn hóa và thiên nhiên Việt Nam. 

Qua các buổi tiếp xúc, lãnh đạo các cấp khác nhau của các nước đều đánh giá cao đường lối, chính sách đối ngoại hòa bình, độc lập, tự chủ và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế của Việt Nam; khâm phục lịch sử hào hùng, nền văn hiến lâu đời, truyền thống hòa hiếu cũng như các thành tựu đã đạt được trong đổi mới của Việt Nam. Các nước đánh giá cao đóng góp và mong muốn của Việt Nam có vai trò cao hơn nữa trên trường quốc tế; bày tỏ tin tưởng về trách nhiệm, năng lực của con người Việt Nam nói chung và có những đánh giá tích cực về ứng cử viên Phạm Sanh Châu nói riêng. 

Bên cạnh những thuận lợi, Việt Nam cũng gặp một số khó khăn. Đây là lần đầu tiên Việt Nam ứng cử vào vị trí người đứng đầu một tổ chức cấp cao trong hệ thống Liên hợp quốc và phải cạnh tranh trực tiếp. Theo quy định, muốn trúng cử Tổng Giám đốc UNESCO phải đạt được ít nhất 30/58 phiếu ủng hộ và việc vận động để đạt được quá bán số phiếu ủng hộ không phải dễ dàng.

Lịch sử bầu Tổng Giám đốc UNESCO cho thấy đây là một vị trí có tính cạnh tranh cao và lần này có 9 ứng cử viên đến từ tất cả các khu vực trên thế giới, gồm Ai Cập, Azerbaijan, Iraq, Guatemala, Liban, Pháp, Qatar, Trung Quốc và Việt Nam. Cho dù sau vòng phỏng vấn, đã có 2 ứng cử viên của Iraq và Guatemala xin rút, song các ứng cử viên còn lại đều là những nhân vật có tên tuổi, có kinh nghiệm và uy tín trong hoạt động ngoại giao đa phương và trong lĩnh vực hợp tác văn hóa, có kỹ năng lãnh đạo và quản lý, đã từng đảm nhiệm vị trí lãnh đạo ở trong nước hoặc tại các tổ chức quốc tế. 

Kết quả chung cuộc còn ở phía trước và việc Việt Nam tranh cử vị trí Tổng giám đốc UNESCO là biểu hiện tích cực, có trách nhiệm và chủ động đóng góp vào các công việc quốc tế.

Chân dung đại sứ Phạm Sanh Châu và các ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO

Chân dung đại sứ Phạm Sanh Châu và các ứng cử viên Tổng Giám đốc UNESCO

Chiều 27/4/2017 theo giờ Việt Nam, 9 ứng cử viên sẽ bước vào cuộc phỏng vấn cho vị trí Tổng Giám đốc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) nhiệm kỳ 2017-2021.

TTXVN/Báo Tin Tức

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến