(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 9/10, trụ sở UNESCO ở Paris (Pháp) sẽ tiến hành bỏ phiếu kín 8 ứng viên nhằm tìm ra Tổng Giám đốc mới cho tổ chức này, người sẽ thay thế bà Irina Bokova (Bungary) khi bà rời khỏi cương vị này vào cuối năm nay sau hai nhiệm kỳ.
8 ứng viên tham gia cuộc đua tranh này gồm có Moushira Khattab (Ai Cập), Vera El Khoury Lacoeuilhe (Lebanon), Hamad Bin Abdulaziz Al-Kawari (Qatar), Audrey Azoulay (Pháp), Qian Tang (Trung Quốc), Polad Bulbuloglu (Azerbaijan), Phạm Sanh Châu (Việt Nam) và Saleh Mahdi Al-Hasnawi (Iraq).
UNESCO là cơ quan chuyên trách của Liên hiệp quốc được thành lập từ năm 1945. Tổng Giám đốc của tổ chức này hiện là bà Bokova, người đã chiến thắng trong cuộc bầu chọn từ năm 2009 với 39 phiếu ủng hộ, cao hơn cựu Bộ trưởng Văn hóa Ai Cập Farouk Hosni 3 phiếu.
Mục tiêu chính của tổ chức này là góp phần vào ổn định hòa bình và an ninh thế giới bằng việc nâng cao mức độ hợp tác giữa các nước trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa nhằm mang lại sự tôn trọng công lý, pháp quyền, nhân quyền và các nguyên tắc cơ bản của tự do.
UNESCO có 195 nước thành viên và trụ sở ở Paris. Tổ chức này có hơn 50 văn phòng và nhiều một số cơ sở giảng dạy trên toàn thế giới. UNESCO có 5 chương trình chính, gồm giáo dục, khoa học tự nhiên, nhân văn và khoa học xã hội, văn hóa, viễn thông và thông tin. Tổ chức này còn hỗ trợ nhiều dự án như xóa nạn mù chữ, đào tạo kỹ thuật, đào tạo giáo viên và các chương trình đào tạo, khoa học toàn cầu.
Ứng viên Moushira Khattab đã tới Paris từ tuần trước để tham gia chiến dịch bầu cử của mình trên các phương tiện thông tin đại chúng cùng với các nước thành viên. Đại sứ Mohamed Orabi, người đứng đầu chiến dịch này, cũng đã tới Nigeria nhằm giành được sự ủng hộ của châu Phi cho thí sinh Ai Cập.
Từ ngày 4 đến 18/10, 58 thành viên của Hội đồng Chấp hành UNESCO sẽ họp tại trụ sở của tổ chức này dưới sự điều hành của Michael Worbs, đại sứ UNESCO của Đức, nhằm chọn ra ứng viên.
Người được Hội đồng Chấp hành đề cử sẽ được bầu chọn bằng cách bỏ phiếu kín, trong một cuộc bỏ phiếu diễn ra trong phiên họp lần thứ 202 vào tháng 10.
Sau đó, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành sẽ thông báo về ứng viên được Hội đồng đề cử tại Đại hội đồng trong phiên họp thứ 39, được tổ chức vào tháng 11/2017.
Đại hội đồng sẽ cân nhắc sự đề cử này và bỏ phiếu kín người được Hội đồng Chấp hành đề cử.
Trang web chính thức của UNESCO khẳng định rằng ứng viên đó phải có được đa số phiếu để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu, trong số 8 ứng viên.
Tổng Giám đốc mới của UNESCO sẽ nhậm chức vào ngày 15/11 với nhiệm kỳ kéo dài 4 năm, trong khi Hội đồng Chấp hành (họp hai lần/năm) sẽ hoàn thành dự thảo Chương trình & Ngân sách của UNESCO trong giai đoạn 2018-2021 nhằm trình lên Đại hội đồng để phê chuẩn.
Nếu không có ứng viên nào giành được đa số phiếu sau 4 vòng bỏ phiếu thì sẽ tiến hành bỏ phiếu hai ứng viên có số phiếu cao nhất. Sau đó, ứng viên đó phải nhận được sự chấp thuận của 195 nước thành viên UNESCO song việc này được xem như là một hình thức.
Ứng cử viên được lựa chọn làm Tổng giám đốc phải là người có hiểu biết về UNESCO, có năng lực quản lý được Ban thư ký, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn của UNESCO, trong đó có việc huy động nguồn lực tài chính, để đảm bảo tổ chức hoạt động hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ mà Hội đồng Chấp hành và Đại hội đồng UNESCO đề ra.
Ứng viên Việt Nam Phạm Sanh Châu (56 tuổi) hiện đang là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO, Tổng Thư ký, Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam.
Trải qua việc đảm đương những cương vị này, ông hiểu rõ về UNESCO và có những đóng góp cụ thể vào các hoạt động của tổ chức này, đặc biệt các đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO. Hy vọng, chúng ta sẽ đón được tin vui.
Trước đó, ngày 27/4, Đại sứ Phạm Sanh Châu, trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, đã trình bày trước Hội đồng chấp hành của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) và các vị đại sứ các nước thành viên, chương trình hành động với tư cách là ứng cử viên chức Tổng Giám đốc của tổ chức này.
Phần trình bày của Đại sứ Phạm Sanh Châu cùng 8 ứng cử viên khác diễn ra trong hai ngày 26-27/4 trong khuôn khổ kỳ họp Hội đồng chấp hành UNESCO lần thứ 201 diễn ra từ 19/4 - 4/5 tại Paris.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, trong chương trình hành động, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã đưa ra 3 thông điệp lớn về tầm nhìn UNESCO với các đề xuất đổi mới để các hoạt động của tổ chức này ngày càng hiệu quả.
Thứ nhất, UNESCO phải tiếp tục sứ mệnh hòa bình của mình, bởi vì, đấy là sứ mệnh cao cả, thiêng liêng, đã được Hiến chương của UNESCO công nhận.
Thứ hai, UNESCO cần tiếp tục quá trình cải cách để trở nên một tổ chức hiệu quả hơn, năng động hơn, có thể hợp tác tốt hơn và định vị lại vị thế của mình trong hệ thống các tổ chức của LHQ.
Thứ ba, UNESCO cần phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền để thế giới hiểu rằng tổ chức này không chỉ chăm lo đến các vấn đề văn hóa, giáo dục, mà còn rất mạnh trên lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội; UNESCO quyết tâm phối hợp cùng với các nước để xây dựng một xã hội thông tin, trong đó tất cả mọi người đều có quyền tiếp cận đến thông tin.
Sau phần giới thiệu tóm tắt, Đại sứ Phạm Sanh Châu đã trả lời câu hỏi của các thành viên Hội đồng chấp hành nhằm làm sáng tỏ quan điểm của ông về cách giải quyết các thách thức đang đặt ra cho UNESCO như ngân sách ngày càng eo hẹp trong khi nhu cầu ngày càng lớn, cách thức triển khai các dự án để UNESCO vừa là tổ chức trí tuệ nhưng cũng đồng thời là tổ chức hành động ở cấp địa phương, các giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác và đối thoại giữa các bên trong khuôn khổ hoạt động của UNESCO…
Phần trình bày bằng tiếng Anh của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự rõ ràng, mạch lạc, với các đề xuất có tính thực tiễn cao. Nhiều bạn bè quốc tế đã đến chúc mừng ông sau phần thuyết trình.
Từng đảm nhận vai trò Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO của Việt Nam, ông Phạm Sanh Châu hiện là Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Đại sứ, Đặc Phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO.
Phần trình bày bằng tiếng Anh của Đại sứ Phạm Sanh Châu đã được bạn bè quốc tế đánh giá cao vì sự rõ ràng, mạch lạc, với các đề xuất có tính thực tiễn cao.
Tuấn Vĩ
Tổng hợp