(Thethaovanhoa.vn) - Ngày 10/10 tại thành phố Bắc Giang, UBND tỉnh Bắc Giang tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư phát triển du lịch năm 2018.
Tại hội nghị, 16 dự án đầu tư trong lĩnh vực du lịch với tổng số vốn trên 1,5 tỷ USD, của một số doanh nghiệp như: Công ty cổ phần Tập đoàn FLC, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư Golf Trường An, Công ty cổ phần Kiến trúc Đô thị Nam Thăng Long, Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Hưng, Công ty cổ phần Du lịch Bắc Giang... đã được tỉnh Bắc Giang trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận cam kết đầu tư và ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư.
Trong đó, Dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng, đô thị sinh thái, thể thao và vui chơi, giải trí Khuôn Thần với vốn đầu tư dự kiến gần 14.000 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị sinh thái kết hợp với công viên thuộc khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang, với vốn đầu tư dự kiến trên 10.200 tỷ đồng; Dự án Khu đô thị hỗn hợp, giải trí cao cấp thuộc khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang với vốn đầu tư dự kiến trên 3.000 tỷ đồng; Dự án tổ hợp thương mại dịch vụ và nhà ở cao cấp tại Khu đô thị phía Nam, thành phố Bắc Giang, với vốn đầu tư dự kiến trên 2.300 tỷ đồng...
Tại hội nghị, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận về tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch của tỉnh Bắc Giang, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, môi trường đầu tư lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại của tỉnh.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng khẳng định: Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục đồng hành cùng Bắc Giang để hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nâng cao hiệu quả, chất lượng thu hút đầu tư. Tuy nhiên, Bắc Giang cần chú ý phát triển các điểm, tuyến du lịch mới, phát huy các lợi thế phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng, giải trí hiện đại. Bộ sẽ tạo điều kiện để Bắc Giang tham gia các chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá, giới thiệu các tiềm năng, lợi thế của tỉnh; giới thiệu các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng, cũng như các tập đoàn kinh tế lớn trong nước làm việc với địa phương để tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng: Để phát triển du lịch trong thời gian tới, tỉnh Bắc Giang cần tập trung phát triển vùng và sản phẩm du lịch đặc trưng, nâng cao chất lượng phục vụ. Tỉnh đẩy mạnh liên kết không gian du lịch; xác định phân khúc thị trường phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng, lợi thế du lịch của tỉnh và nâng cao các giải pháp tăng cường thu hút đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Văn Linh cho biết: Mục tiêu của địa phương là xây dựng Bắc Giang trở thành tỉnh có thương hiệu về du lịch; là điểm đến của du lịch văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng hấp dẫn; có vị trí quan trọng trong khu vực Đông Bắc bộ, Trung du và miền núi phía Bắc. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư triển khai các dự án xây dựng khách sạn từ 3 sao trở lên; phát triển hệ thống nhà hàng, siêu thị, trung tâm tổ chức sự kiện văn hóa, trung tâm mua sắm; xây dựng, phát triển các khu du lịch có tiếng, nhiều tiềm năng của tỉnh như khu du lịch tại Suối Mỡ, Đồng Cao. Tỉnh trùng tu, phục dựng và phát triển các di tích gắn với sự hình thành và phát triển của thiền phái Trúc Lâm bên sườn Tây Yên Tử; phát triển khu du lịch Xuân Lung – Thác Ngà, khe Rỗ, các dịch vụ phục vụ các di tích chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Bổ Đà và những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế…
Bắc Giang là địa phương có vị trí địa lý thuận lợi, nằm ở khu vực chuyển tiếp từ vùng trung du và miền núi phía Bắc đến vùng đồng bằng sông Hồng, nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội và nằm trên hành lang kinh tế Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Bắc Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, du lịch văn hóa tâm linh. Một số điểm có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp tiêu biểu như: Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử, rừng nguyên sinh Khe Rỗ, thắng cảnh suối Nước Vàng, khu cao nguyên Đồng Cao, Khu du lịch sinh thái Suối Mỡ, Hồ Khuôn Thần, Hồ Cấm Sơn...
Bắc Giang còn có hệ thống đình, chùa phong phú và đa dạng với 2.237 di tích lịch sử, văn hóa; trong đó một số di tích tiêu biểu như: Di tích quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng), Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt những điểm khởi nghĩa Yên Thế, cây Dã hương ngàn năm tuổi ở huyện Lạng Giang, Di tích chiến thắng Xương Giang ở thành phố Bắc Giang, Di tích khu lưu niệm Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân tại huyện Tân Yên...
Ngoài ra, Bắc Giang còn được biết đến với các di sản văn hóa phi vật thể như dân ca Quan họ được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, ca Trù đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp và rất nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc thiểu số. Tỉnh Bắc Giang có khả năng kết nối thuận lợi với một số điểm du lịch trọng điểm ở các tỉnh phía Bắc như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Thác Bản Giốc (Cao Bằng), Hạ Long (Quảng Ninh), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương)...
Đồng Thúy
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, từ nay đến năm 2020 tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch của địa phương, phấn đấu tăng lượt khách du lịch đến tỉnh từ 25 - 30%/năm.