(Thethaovanhoa.vn) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, từ nay đến năm 2020 tỉnh chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành du lịch của địa phương, phấn đấu tăng lượt khách du lịch đến tỉnh từ 25 - 30%/năm.
Theo đó, tỉnh Bắc Giang tập trung hỗ trợ, thúc đẩy triển khai và hình thành các dự án du lịch đã có như: Khu du lịch tâm linh - sinh thái Tây Yên Tử, Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng...; tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn để phát triển du lịch tại các danh lam thắng cảnh, các điểm du lịch của tỉnh như Khuôn Thần, Nham Biền, Đồng Cao, Suối Mỡ... Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn FLC khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư Quần thể du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái thể thao và vui chơi, giải trí FLC Bắc Giang tại khu vực hồ Khuôn Thần, xã Kiên Lao, huyện Lục Ngạn, với quy mô khoảng 400 ha.
Bên cạnh đó, Bắc Giang xây dựng và phát triển 3 sản phẩm du lịch đặc trưng là văn hóa - tâm linh, lịch sử - văn hóa, sinh thái - nghỉ dưỡng; xây dựng sản phẩm du lịch ở các huyện có tiềm năng như huyện Yên Thế tập trung xây dựng sản phẩm du lịch lịch sử - văn hóa Khu di tích Khởi nghĩa Yên Thế gắn với khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân ở huyện Tân Yên, sản phẩm du lịch sinh thái gắn với du lịch cộng đồng Bản Ven, Xuân Lung, Thác Ngà. Huyện Lục Ngạn xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng tại Khuôn Thần, Cấm Sơn; du lịch tâm linh - sinh thái khu vực chùa Am Vãi, du lịch sinh thái mùa vải thiều. Huyện Việt Yên tập trung xây dựng sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh đối với Di tích quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, làng cổ Thổ Hà và các làng nghề truyền thống. Huyện Sơn Động tập trung xây dựng kết hợp sản phẩm du lịch văn hóa - tâm linh với sinh thái - nghỉ dưỡng đối với khu du lịch Tây Yên Tử, Khe Rỗ, Đồng Cao... Huyện Yên Dũng khai thác giá trị độc đáo của chùa Vĩnh Nghiêm, Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng để thu hút khách du lịch đến với địa phương...
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương, để thúc đẩy phát triển mạnh mẽ du lịch trên địa bàn, từ nay đến năm 2020 tỉnh đẩy mạnh quảng bá, liên kết du lịch, liên kết vùng, xây dựng tour, tuyến du lịch, triển khai các giải pháp thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến Bắc Giang; trong đó tập trung thu hút thị trường khách du lịch Hà Nội, khách du lịch đến từ các nước lân cận Việt Nam... Cùng với đó, tỉnh đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông lớn nhằm tạo thuận lợi cho phát triển du lịch; phối hợp với nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân golf Trung Sơn, huyện Việt Yên; thúc đẩy triển khai dự án xây dựng sân golf Khám Lạng, huyện Lục Nam; thực hiện giai đoạn 2 sân golf Yên Dũng; chú trọng phát triển các dịch vụ có liên quan để hỗ trợ phát triển du lịch địa phương như vận chuyển hành khách, dịch vụ dừng nghỉ, nhà hàng, khách sạn, sản phẩm lưu niệm...
Năm 2017 tỉnh Bắc Giang đón 1,2 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế, doanh thu đạt 750 tỷ đồng. Sáu tháng đầu năm 2018, tỉnh đón 950.000 khách du lịch, trong đó gần 9.400 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 700 tỷ đồng. Tỉnh đã quan tâm thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch trọng điểm, trong đó một số dự án mới hoàn thành, đưa vào hoạt động, khai thác đã thu hút đông đảo du khách như: Khu di tích lịch sử chiến thắng Xương Giang; Khu lưu niệm 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân (tại huyện Tân Yên); Sân golf Yên Dũng, Thiền viện Trúc Lâm - Phượng Hoàng... Từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 290 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để phát triển hạ tầng du lịch trên địa bàn. Tỉnh đã quan tâm phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Hiện toàn tỉnh có 360 cơ sở lưu trú du lịch với khoảng 4.700 buồng nghỉ (trong đó có 2 khách sạn 4 sao là Mường Thanh và Ravatel), từng bước đáp ứng nhu cầu của du khách.
Nhi Thảo
10 năm qua là thập kỷ vàng son của du lịch Việt Nam. Từ một quốc gia ít được biết đến, Việt Nam được xếp trong top 5 nước đứng đầu về lượng khách du lịch ở khu vực.