Văn học châu Âu vào Việt Nam: Cuộc so kè của những 'đại gia'

Thứ Năm, 24/5/2018, 6:21 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Liên tục trong tháng 5, 2 chuỗi "Ngày hội sách châu Âu" diễn ra tại TP HCM và Hà Nội. Xa hơn, đây là lần thứ 8 sự kiện nay được tổ chức, như một minh chứng cho dòng chảy của những tác phẩm văn học từ lục địa già vào Việt Nam.

Và, đến thời điểm này, có thể nói, các nền văn học như Anh, Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha… trở nên quá quen thuộc với bạn đọc cả nước. Vậy, dòng sách này đã được tiếp nhận, cũng như làm thay đổi thị trường xuất bản trong nước như thế nào?

Thực đơn nào được ưa chuộng?

Giai đoạn sau 1975, "văn học châu Âu" ở nước ta cũng đồng nghĩa với những tác phẩm từ Liên Xô được dịch ồ ạt sang tiếng Việt. Nhưng, khi lịch sử thay đổi, dòng chảy này gần như ngưng trệ từ hơn chục năm trước.

Và, khi tác phẩm các tác giả đương đại của Nga hiện nay dường như vắng bóng trên trên thị trường Việt Nam, đến lượtnhững nền văn học có tính bền vững như Anh, Pháp, Đức, Ý… liên tục được "cập nhật" trên các kệ sách của độc giả.

Chú thích ảnh
Một góc sách văn học châu Âu bày tại thư viện Xe buýt sách, đường sách TP.HCM

Nhìn vào lượng tác giả cũng như đầu sách được dịch và xuất bản chính thức hiện nay, có thể thấy thị hiếu của người Việt đa số vẫn là lựa chọn văn học Pháp. Nhìn từ các ấn phẩm của Công ty Văn hóa và truyền thông Nhã Nam, đơn vị hàng đầu hiện nay trong việc dịch và giới thiệu tác phẩm văn học nước ngoài, danh sách các tác giả Pháp hiện diện ở Việt Nam khá đầy đủ: từ những tác giả kinh điển, tác giả đoạt các giải Nobel, giải Goncourt cho đến những tác giả best seller quốc tế.

Người đọc Việt hẳn không xa lạ gì với những cái tên như Linda Lê, Romain Gary, Patrick Modiano, Le Clézio, Annie Ernaux, Eric - Emmanuel Schmitt,…Riêng Patrick Modiano đã có 6 cuốn được dịch trong chưa đầy 5 năm qua, Linda Lê tiếp sau với 5 cuốn.

Nếu nhìn vào cục diện dịch giả hiện nay, có thể nói lượng dịch giả thạo tiếng Anh nhiều hơn tiếng Pháp. Nhưng dường như sự hiện diện của các tác giả văn học Anh tuy có đông đảo nhưng vẫn có phần lép vế hơn văn học Pháp. Những cái tên nổi tiếng của văn học Anh như Ian McEwan, Hilary Mantell, Doris Lessing, William Golding, Richard Adam… khi xuất hiện ở bằng tiếng Việt lại không nhận được sự quan tâm của độc giả nước ta. Thậm chí đến những cái tên như Kazuo Ishiguro (Nobel 2017),Salman Rushdie… có sách được in nhiều ở nước ta nhưng sự mặn mà của đa số độc giả vẫn không dành cho họ.

Ở mức thấp hơn, các nền văn học lớn tiếng Đức, văn học Italy, Tây Ban Nha được giới thiệu trong 10 năm qua hều hết là những tên tuổi lớn đương đại của các nước này. Những tác phẩm hàng đầu như Tên của đóa hồng, Con lắc Foucault, Số không (Umberto Eco), Mùi hương, Chỉ tại con chim bồ câu (Patrick Sukin), Nếu đêm đông có một người lữ khách, Nam tước trên cây, Tử tước chẻ đôi (Italo Calvino)… liên tục được dịch qua tiếng Việt, nhưng vẫn ở mức thấp hơn so với tác phẩm đến từ Anh và Pháp. 

Quan trọng vẫn là “khẩu vị” người đọc

Lý giải cho điều này, trước tiên có thể nhìn từ góc độ dịch giả. Những dịch giả thạo các ngôn ngữ Đức, Italy, Tây Ban Nha... ở mức độ có thể dịch tác phẩm văn học ở nước ta chiếm tỉ lệ khá ít. Thậm chí những tác phẩm của Umberto Eco hay Italo Calvino đều được chuyển ngữ sang tiếng Việt từ một ngôn ngữ trung gian là tiếng Anh hoặc tiếng Pháp.

Nhưng, lời giải thích ấy là chưa đủ. Bởi, như đã nói ở trên, dù lượng dịch giả thạo tiếng Anh đã dần áp đảo lượng dịch giả tiếng Pháp, thì mảng văn học Anh lại không "áp đảo" được như vậy ở thị trường Việt Nam.

Bởi thế, câu chuyện này liên quan tới thị hiếu của độc giả Việt cũng như đặc trưng của mỗi nền văn học trên. Văn học Pháp là nền văn học có bề dày ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đối với người Việt. Thêm vào đó lối văn phong tài tử, thấm đẫm chất trữ tình lãng mạn của các tác giả Pháp có lẽ cũng rất hợp với tâm hồn người Việt.

Trong khi đó, khác với lối viết của người Pháp, văn phong trong văn xuôi của văn học Anh có gì đó vẫn rất lạnh lùng và sâu cay nơi lối viết. Mà điều này có lẽ không hợp với phần lớn người đọc hiện nay.

Tiến sĩ văn học Trần Ngọc Hiếu (Đại học Sư phạm Hà Nội) nhận xét: “Điều quan trọng hiện nay vẫn là thị trường. Công chúng thích cả best seller Pháp lẫn đỉnh cao Pháp thì các nhà sách tích cực mua bản quyền để phục vụ họ”.

Văn chương cũng như cuộc sống, không ngừng vận động, được chọn lọc và đào thải qua thời gian. Các nền văn học lớn của châu Âu tất yếu cũng không nằm ngoài quy luật này. Tuy nhiên, sự chuyển hướng tiếp nhận của độc giả Việt trong tương lai gần có lẽ vẫn không thay đổi mấy so với hiện nay.

Thơ không được gọi tên

Nói đến văn học châu Âu đương đại ở nước ta, hậu như mọi người đều mặc định đó là văn xuôi với tiểu thuyết, truyện ngắn, tản văn… còn thơ thì hầu như vắng bóng. Có thể giải thích điều này bằng việc thơ không có nhiều độc giả cũng như việc chuyển dịch ngôn ngữ thơ đương đại là… quá khó!

(Kỳ 2 & hết: Sự lên ngôi của văn học vùng đệm)

Những thăng trầm của sách văn học Nga tại Việt Nam

Những thăng trầm của sách văn học Nga tại Việt Nam

Sáng ngày 1/11, tại Đường sách TP.HCM đã khai mạc Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM.

Văn Đồng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến