(Thethaovanhoa.vn) - Sáng ngày 1/11, tại Đường sách TP.HCM đã khai mạc Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM. Qua chuỗi hoạt động vừa được khai mạc mạc này, người đọc và những ai quan tâm đến sách Nga, đặc biệt là ở mảng văn học, có dịp được nhìn lại những dấu ấn vàng son và bao thăng trầm của văn học Nga tại Việt Nam.
Năm 1963, Ủy ban Nobel văn học công khai danh sách những nhà văn Nga được đề cử, trong đó có những “nhà văn Xô Viết” như Anatoly Koni, Maksim Gorky, Ivan Bunin, Ivan Shmelyov, Mark Aldanov… Năm 1933, Ivan Bunin là nhà văn Nga đầu tiên được nhận giải Nobel văn học, sau 4 lần đề cử.
Một thời hoàng kim
Có một thời kỳ, sách văn học Nga và văn học Xô Viết đã được dịch, xuất bản ồ ạt ở Việt Nam. Từ những tác giả kinh điển của thế kỷ 19 như Pushkin, Gogol, Lev Tolstoy, Dostoevsky, Chekhov… cho đến các tác giả thời danh của thế kỷ 20, đặc biệt thời Xô Viết như Maksim Gorky, Mikhail Sholokhov, Chingiz Aitmatov, Aleksey N. Tolstoy, Vladimir Mayakovsky… Thậm chí các nhà văn được cho là “có vấn đề” vẫn được xuất bản rộng rãi như Mikhail Bulgakov, Boris Pasternak, Osip Mandelstam...
Nhiều độc giả thời kỳ này đã thật sự bị cuốn vào câu chuyện, rồi không khỏi bồi hồi với những Ruồi trâu, Thời thơ ấu, Thép đã tôi thế đấy, Sông Đông êm đềm, Đất vỡ hoang, Dagestan của tôi, Một ngày dài hơn thế kỷ… Số lượng in hàng trăm ngàn bản, thậm chí cả triệu bản, cho mỗi ấn bản là con số mà nay ai nghe đến cũng thấy choáng ngợp.
Nhiều tác giả như Puskin, L.Tolstoy, Sergei Yesenin, Maksim Gorky, Chekhov… được Việt Nam đưa vào dạy trong chương trình văn học từ bậc tiểu học cho đến đại học, sau đại học.
Sau khi Liên Xô tan rã, sức ảnh hưởng cũng như công việc quảng bá các tác phẩm văn học Nga ở Việt Nam không còn rầm rộ như trước nữa. Từ giữa thập niên 1990 đến nay, ngoài các tác giả kinh điển, tác phẩm của Mikhail Bulgakov, Boris Pasternak, J. Brodsky, Vladimia Nabokov… lại được giới thiệu nhiều hơn.
Vẫn còn ấn tượng tốt
Có thể nói, chính sự tan rã của Liên Xô là nguyên nhân chính dẫn đến việc những tác phẩm văn học Nga in ấn và phát hành giảm sút một cách nghiêm trọng. Chất lượng in, số bản in, số đầu sách… đồ sộ, nếu không được Liên Xô bao cấp toàn phần, hoặc phần lớn, thì các nhà xuất bản trong nước lúc đó khó kham nổi.
Sau khi Việt Nam “Đổi mới”, việc xuất bản văn học trong nước được cởi trói ít nhiều, các tác phẩm văn học của phương Tây đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Đức… đã được dịch và quảng bá, người đọc trong nước có thêm nhiều khẩu vị lạ để lựa chọn. Và nhiều tác phẩm trong số này được đưa vào dạy ở trường phổ thông, đại học, thay thế cho nhiều tác phẩm văn học Nga và Xô Viết trước đó. Chính điều này cũng làm cho sự mặn mà với văn học Nga nói chung cũng giảm sút đáng kể.
Tuy nhiên, công bằng nhìn nhận, thì văn học Nga với ngần ấy năm rộn ràng xuất hiện trong giới đọc sách của nước ta, nó đã ngấm vào máu thịt của nhiều thế hệ, nên không khó mà phôi pha toàn bộ. Chính thời gian lại giúp sàng lọc những tác phẩm không hay, những tác phẩm đáng bị lãng quên, còn những tác phẩm trứ danh, những cây bút bậc thầy của văn học Nga vẫn luôn hiện diện trịnh trọng trên giá sách nhiều độc giả, hiện diện trong giới giáo dục, giới nghiên cứu…
Ngay trong buổi sáng khai mạc Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM, đã có gần 200 ấn bản cũ được trưng bày, hơn 20 đầu sách được tái bản hoặc lần đầu xuất bản. Nhiều độc giả đã rưng rưng khi bắt gặp lại ký ức vàng son một thuở.
Nhiều hoạt động song hành
Tuần lễ sách Nga tại TP.HCM kéo dài đến hết ngày 8/11, với nhiều hoạt động song hành. Ví dụ tọa đàm 100 năm Cách mạng tháng Mười Nga từ ba tác phẩm văn học; diễn đọc tác phẩm Bác sĩ Ai-bô-lít; tọa đàm về dịch sách văn học Nga hiện nay; giới thiệu tác phẩm 100 ca khúc Nga của nhạc sĩ Thế Hiển.
|
Giải Nobel Văn học 2017 vừa được trao cho tác giả người Anh gốc Nhật Bản Kazuo Ishiguro “người, trong những cuốn tiểu thuyết vũ bão cảm xúc, đã mở ra vực sâu bên dưới cảm giác mơ hồ về sự liên kết với thế giới của chúng ta”.
Tiểu Mục Đồng