(Thethaovanhoa.vn) - Sớm bén duyên điện ảnh nên Trần Lực đến với sân khấu có phần hơi muộn. Nhưng tôi lại nghĩ sân khấu đã ngấm vào máu Trần Lựctừ vành nôi gia đình, để rồi chỉ có dịp là “quẫy cựa” tưng bừng. Với Quẫn và Cơn ghen của Lọ lem, anh đã sớm khẳng định một hướng đi mới làm “trở gió” sân khấu kịch vốn lặng lẽ, im lìm, thậm chí có lúc như “ngủ đông” chật vật tìm khán giả.
Kịch ngắn “Nàng Kiều” của NSƯT Trần Lực sẽ khiến khán giả bất ngờ với với hình ảnh “lạ” so với tác phẩm văn học: một Thúy Kiều được xây dựng mạnh mẽ, trong khi Từ Hải lại mềm yếu. Đặc biệt, thoại được sử dụng là thơ lục bát, và Kiều mặc trang phục công sở
Tôi “biết” và “gặp” Trần Lực từ năm 1994 khi anh xuất hiện trong bộ phim truyền hình Mẹ chồng tôi (đạo diễn Khải Hưng) - bộ phim tạo nên cơn sốt phim truyện truyền hình ngay sau khi phát sóng.
Sớm bén duyên điện ảnh, trễ muộn cùng sân khấu
Nhưng phải 20 năm sau, tôi mới gặp trực tiếp khi cùng là đồng nghiệp với anh tại Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội: Trần Lực dạy Khoa Sân khấu, còn tôi dạy ở Khoa Kiến thức cơ bản. Khoa chúng tôi có nhiệm vụ trang bị kiến thức cơ bản cho sinh viên toàn trường. Tôi dạy môn “Cơ sở văn hóa Việt Nam” cho lớp Diễn viên kịch - điện ảnh khóa 33do anh làm chủ nhiệm suốt 4 năm (2013-2017).
Ở lĩnh vực điện ảnh, Trần Lực đã gặt hái nhiều “mùa vàng bội thu”. Một sự nghiệp điện ảnh đầy đặn những thành công, được ghi nhận trong đời sống phim truyện (phim nhựa, phim truyền hình) thật đáng nể.
Sở hữu gương mặt của “tài tử xi nê”, anh đã hóa thân, cháy hết mình cho nhiều vai để đời cứ khiến khán giả phải nhớ, thậm chí phải yêu, như: Sẽ đến một tình yêu (Phạm Văn Khoa, Nguyễn Danh Tấn, 1983); Chuyện tình bên dòng sông (Đức Hoàn, 1991, Giải Đặc biệt tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ X -1993); vai Hùng trong Đời hát rong (Châu Huế, 1991, Giải thưởng của Bộ Quốc phòng, giải Nam diễn viên chính xuất sắc nhất tại LHP Việt Nam lần thứ X-1993)... và gần đây là vai diễn trong Long Thành cầm giả ca (Đào Bá Sơn, 2010).
Mang phong độ nam tính, gương mặt điển trai phớt và lạnh, Trần Lực đã vào vai ngọt, nhất là những “câu chuyện tình yêu” hấp dẫn với những mỹ nhân nổi tiếng trong làng giải trí sân khấu - điện ảnh, như Chiều Xuân, Lê Khanh, Thu Hà…
Ở vai trò đạo diễn, Trần Lực đã đạo diễn những bộ phim sau: Cô bé bên hồ (1995), Ảo ảnh giữa đời thường (1996, Giải B hạng mục phim truyện video của Hội Điện ảnh Việt Nam 1995, Giải Bông sen Bạc hạng mục phim truyện video tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XI-1996); Hai Bình làm thủy điện (2001, Giải Khuyến khích hạng mục phim truyện nhựa của Hội Điện ảnh Việt Nam 2001); Ti vi về làng (2001); Tết này ai đến xông nhà (Giải Khuyến khích hạng mục phim truyện nhựa của Hội Điện ảnh Việt Nam 2001); Bác Cả, người sung sướng (Giải Khuyến khích hạng mục phim truyện truyền hình nhiều tập của Hội Điện ảnh Việt Nam2002); Vẫn còn đó tình yêu (2004); Đời chè (2005); Chàng trai đa cảm (2007); Đầu bếp và đại gia (2008); Tìm lại chính mình (2009); Thời khắc may mắn (2009); Chuyện nhà Mộc. Ngoài ra, anh còn đảm nhiệm vai trò Giám đốc sản xuất phim Cocktail cho tình yêu (Nguyễn Thanh Vân, 2010)…
Trần Lực đã tiên phong thành lập hãng phim tư nhân đầu tiên ở phía Bắc năm 2004 với vai trò Giám đốc Công ty Điện ảnh Đông A và sản xuất ra nhiều bộ phim truyền như Phía cuối cầu vồng, Chàng trai đa cảm…
Lớn lên bên cánh gà sân khấu
Đạo diễn Trần Lực sinh ngày 15/9/1963 trong một gia đình có nhiều người nổi tiếng ở lĩnh vực văn học nghệ thuật ở Cổ Am, Vĩnh Bảo (TP Hải Phòng). Cha anh chính là GS-NSND Trần Bảng (đỗ tú tài Tây nhưng cả đời cống hiến cho sân khấu chèo) và mẹ là cố nghệ sĩ chèo Trần Thị Xuân (một trong những nghệ sĩ chèo đầu tiên của Việt Nam trưởng thành từ đoàn văn công Tiền phương thành lập trong chiến dịch Điện Biên Phủ), một giảng viên tận tụy với nhiều vai mẫu nổi tiếng như Thị Kính (Quan Âm thị Kính), nàng Ba (Lọ nước thần), mụ Quán (Súy Vân), Ngát (Máu chúng ta đã chảy…).
Sinh ra ở khu văn công Mai Dịch (Hà Nội), sống trong bầu không khí gia đình làm nghệ thuật, nghe chèo, tuồng từ trong bụng mẹ,tuổi thơ gắn với cánh gà sân khấu và sân khấu đã bám bện một cách tự nhiên tạo nên tố chất Trần Lực.
Tốt nghiệp phổ thông, anh đầu quân cho Đoàn Văn công Tổng cục Hậu cần 3 năm và thi đỗ vào Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội khóa I. Để nâng cao trình độ chuyên môn, anh sang Bungari tu nghiệp theo ngành đạo diễn sân khấu. Thầy giáo Saso Stoianov (Bungari) đã nhận xét anh thấm đẫm nghệ thuật truyền thống và dặn dò cậu học trò Việt Nam tài hoa, thông minh nhất định phải theo ngành sân khấu.
Sau 8 năm học tập ở “xứ sở hoa hồng”, năm 1991với những biến động ở Đông Âu, anh quyết định về nước, về với gia đình sau nhiều đêm trằn trọc không ngủ. Trần Lực mang bao hoài bão, ước mơvề nướcthực hiện niềm đam mê nghệ thuật cùng cậu con trai Trần Hoàng mới 2 tuổi.Anhnhớ lời thầy Saso Stoianov dặn, âm thầm nuôi ước mơ thành lập Đoàn kịch tư nhân. Nhưng ở thời điểm đó vì nhiều lý do, nguyện ước đó chưa thực hiện được…Và gần 30 năm sau khát vọng ấy mới trở thành hiện thực khi Trần Lực tuyên bố thành lập Đoàn kịch Luc Team (LuckyTeam, Lucky: May mắn).
Xem ra ở Trần Lực có tố chất tiên phong - tiên phong thành lập hãng phim tư nhân đầu thế kỷ 21 (2004), Tiên phong mở đoàn Kịch tư nhân đầu tiên ở phía Bắc (2017). Đàn ông cầm tinh “tiểu hổ” đúng là “không phải dạng vừa đâu!”.
Trước đó, hài kịch Quẫn đã quẫy đạp, khuynh đảo như một cơn địa chấn trên sân khấu bằng nghệ thuật ước lệ. Hơn thế, Quẫn đã được giới sân khấu ghi nhận và nhất là đã mang đến cho thầy trò Trần Lực “trận mưa” giải thưởng tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần 2(diễn ra từ ngày 17-24/12/2016).
Trong 25 HCV, 25 HCB và giải thưởng của Liên hoan, thầy trò Trần Lực đã đoạt một HCB cho vở diễn Quẫn, 3 huy chương cho sinh viên năm thứ tư: 1 HCV cho Trương Mạnh Đạt (vai ông Đại Cát), 2 HCB cho Nguyễn Phương My (bà Đại Lợi), Trần Thị Ngọc Trâm (cô Đại Hưng) và đặc biệt NSƯT Trần Lực dù lần đầu “chạm ngõ” sân khấu đã đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất.
Như một người lính xông pha ở trận mạc (anh vào vai người lính rất có duyên), Luc Team chính thức ra mắt cuối năm 2017 trước không ít con mắt ngỡ ngàng, băn khoăn, có cả lo lắng, ngăn cản của bạn bè đồng nghiệp trước đoạn trường của sân khấu; trướcnhà hát và sân khấu xã hội hóa trong Nam, ngoài Bắc bươn bả, vật lộn tìm khán giả…Thậm chí có người nói Trần Lực chuyển sang kịch vì… quẫn.
Trần Lực cùng LucTeam đã “quyết làm sân khấu theo cách mà điện ảnh không thể làm được, bằng nghệ thuật gián cách, và ước lệ - biểu hiện”. Sức hấp dẫn của Quẫn chính là “thầy phù thủy” Trần Lực cao tay cùng cộng sự của mình đã thực sự “lột xác” bằng một ngôn ngữ sân khấu mới thông minh, hiện đại, tối giản, mới mẻ, lạ lẫm, hấp dẫn, minh bạch... Quẫn và Cơn ghen của Lọ lem vì thế mà có một gương mặt mới.
Nỗ lực làm mới của "cặp bài trùng" Trần Lực - Đỗ Trí Hùng hôm nay đã dựa trên tâm nguyện của “cặp bài trùng hoàn hảo” - nhà viết kịch Lộng Chương và đạo diễn Trần Hoạtđã dựng kiệt tác Quẫn hơn nửa thế kỷ trước.Hài kịch Quẫn làm nên tên tuổi “danh thủ hài kịch” Lộng Chương và được ghi nhận bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (năm 2000). Quẫn (1960) là kiệt tác nổi tiếng trong hơn 80 vở kịch của cố nhà văn, nhà viết kịch Lộng Chương đã từng làm nên “cơn địa chấn” trong sân khấu Thủ đô những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Và Quẫn tại Thủ đô Hà Nội hôm nay đã được tái hiện bằng ngôn ngữ hiện đại của sân khấu ước lệ LucTeam và bàn tay tài hoa của đạo diễn Trần Lực với mong muốn tác phẩm làm mới phải đạt tới cái đẹp, tính nhân văn và cần nhất phải chạm tới trái tim mọi khán giả.
Có lẽ không có sân khấu nào tinh giản đến mức tối đa như trong hai vở kịch Trần Lực đạo diễn. Trong Quẫn không gian hẹp từ trong nhà, trong chùa, đến không gian lớn của công trường thủy nông…Từ đầu đến cuối sân khấu chỉ có chiếc hòm gỗ đựng vàng (lúc để trần, lúc phủ khăn đen). Đạo diễn sử dụng triệt để sân khấu biểu diễn và nơi khán giả thưởng thức. Đổi cảnh vì thế rất nhanh. Cùng đó, đạo diễn đã sử dụng ánh sáng đơn sắc tạo những mảng màu đối lập. Âm thanh trên sân khấu do diễn viên tạo ra bằng những tiếng dậm chân dồn dập là nét mới. Ngôn ngữ hình thể, ánh mắt, cơ mặt… mang giá trị biểu cảm cao. Cách tạo hình Phật Quan Âm trong vở Quẫn thật ấn tượng…
Trong Cơn ghen của Lọ lem, không gian chỉ là một tấm phông nền xanh xám cùng chiếc xe máy mini ở nửa đầu vở diễnvà thêm một khung cửa tượng trưng bằng gỗ ở nửa sau vở diễn.Với sân khấu tối giản, khung cửa ấy có thể di chuyển được ở mọi vị trí tùy vào cách sử dụng của diễn viên có thể ở trong hay ở ngoài; có thể đóng hay mở...
Sau phim Long thành cầm giả ca, NSƯT Trần Lực tái xuất điện ảnh, hóa thân vào vai Trịnh Công Sơn trong phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Phim nóivề chuyện tình Trịnh Công Sơn với cô gái Nhật. Để hóa thân vào vai diễn đã chờ đợi từ rất lâu này, NSƯT Trần Lực đã tập nói giọng Huế, tiếng Pháp, nghiên cứu thần thái, phong cách ăn nói, đi đứng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, quyết tâm giảm tới 10kg, nuôi tóc dài để tạo hình tương đồng với nhạc sĩ.Phim dự kiến ra mắt ngày 1/4/2021 nhân dịp ngày giỗ lần thứ 20 của Trịnh Công Sơn.
(Còn tiếp)
PGS-TS Lê Thị Bích Hồng