Trà Giang - diễn viên đầu tiên được tôn vinh 'Thành tựu trọn đời'

Thứ Ba, 15/12/2020, 6:15 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Với những đóng góp cho sự nghiệp điện ảnh nước nhà, năm 1984, nghệ sĩ Trà Giang vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSND (đợt I). Năm 2007, NSND Trà Giang trở thành người đầu tiên được Hội Điện ảnh Việt Nam tôn vinh “Thành tựu trọn đời”.

Từ 'cái nôi' sân khấu điện ảnh Việt Nam: Đôi mắt 'có thần' của Trà Giang

Từ 'cái nôi' sân khấu điện ảnh Việt Nam: Đôi mắt 'có thần' của Trà Giang

Nhân kỷ niệm 40 năm thành lập Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội (17/12/1980-17/12/2020), 61 năm sự nghiệp Sân khấu - Điện ảnh nước nhà (1959-2020), Báo Thể thao và Văn hóa xin giới thiệu một số gương mặt nghệ sĩ tiêu biểu từ cái nôi đào tạo này (tính cả các tổ chức tiền thân). Loạt bài viết do nhà văn - PGS-TS Lê Thị Bích Hồng - giảng viên cao cấp của trường thực hiện.

Sau vai chị Kiên trong Một ngày đầu Thu, Trà Giang liên tiếp được các đạo diễn chọn mời tham gia 16 bộ phim truyện. Với từng vai diễn, chị đã hóa thân nhuyễn ngọt để có những vai diễn để đời, như: Chị Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu” (1962, đạo diễn Phạm Kỳ Nam); cô Cốm trong Làng nổi (1965, đạo diễn Trần Vũ – Huy Thành); Y Đăm trong Lửa rừng (1966, đạo diễn Phạm Văn Khoa); Việt Hà trong Cuộc chiến đấu vẫn tiếp diễn (1969, đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi – Hoàng Thái); Dịu trong Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972, đạo diễn Hải Ninh); mẹ bé Ngọc Hà trong Em bé Hà Nội”(1974, đạo diễn Hải Ninh); Nhân trong phim Ngày lễ thánh (1976, đạo diễn Bạch Diệp); Lan trong Mối tình đầu (1977, đạo diễn Hải Ninh), vai Sáu Tâm trong Cho cả ngày mai (1981, đạo diễn Long Vân), vai bà Tâm trong Đêm miền yên tĩnh (1984, Trần Phương và Nguyễn Hữu Luyện); vai Chín Tâm trong Đứng trước biển (1985, đạo diễn Trần Phương); vai Hương - hình tượng người phụ nữ miền Nam trong đấu tranh trong phim Huyền thoại người mẹ (1987, đạo diễn Bạch Diệp); bà Ba Đề Thám trong Thủ lĩnh áo nâu (1987, đạo diễn Trần Phương); vai bà Phượng Kẻ giết người (1988), vai nữ biệt động Cần Thơ hy sinh trên sông Ninh Kiều trong phim Dòng sông hoa trắng" (1989, Đạo diễn NSND Trần Phương).

Sự đóng góp của NSND Trà Giang ở lĩnh vực điện ảnh được ghi nhận bằng những giải thưởng trong nước và quốc tế. Đó là Huy chương Bạc tại Liên hoan Phim quốc tế Moskva năm 1963 cho vai chị Tư Hậu trong phim Chị Tư Hậu (đạo diễn Phạm Kỳ Nam).

10 năm sau, chị lại giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim quốc tế Moskva năm 1973 cho vai Dịu trong phim Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (đạo diễn Hải Ninh, biên kịch: Hoàng Tích Chỉ).

Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần IV (1977) cho vai Nhân trong phim Ngày lễ thánh (đạo diễn Bạch Diệp). Giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VIII (1988) cho vai Hương trong phim Huyền thoại người mẹ (đạo diễn Bạch Diệp); và vai bà Ba Đề Thám trong phim Thủ lĩnh áo nâu (đạo diễn Trần Phương).

Chú thích ảnh
Gia đình NSND Trà Giang

Dừng lại khi không còn thấy hợp

Yêu điện ảnh, nhưng NSND Trà Giang biết dừng lại nếu cảm thấy vai diễn khó đảm nhận tròn vai, đứng trước ống kính không còn thấy hợp. Cái tạng của chị hình như cũng khó nhập với dòng phim thị trường. Điện ảnh với chị là cơ duyên sâu sắc bện bám cả cuộc đời thăng hoa những cảm xúc sáng tạo.

“Tôi là người của điện ảnh, suốt đời vẫn duyên nợ với điện ảnh. Điện ảnh mãi là cuộc đời, là sự nghiệp của tôi… Trong cuộc đời diễn viên, những chuyến đi thực tế tìm hiểu nhân vật nguyên mẫu để hóa thân vào vai diễn đã cho tôi được sống thêm nhiều cuộc đời”- chị nói.

Song chị cũng là nghệ sĩ trách nhiệm với nghề, cẩn thận, chỉn chu với từng vai diễn: “Tôi nhận được nhiều lời mời đóng phim lắm chứ. Nhưng tôi cứ tự làm khó cho mình. Nếu đọc kịch bản và vai diễn thấy mình không hợp, chưa thấy xúc động, thì tôi không dám nhận, vì sợ mình không làm tròn vai. Vì thế, tôi tự biết dừng khi đứng trước ống kính không hợp và không cảm xúc. Yếu tố cảm xúc cần lắm, như một cái duyên, tín hiệu cho người nghệ sĩ hóa thân vào nhân vật của mình”.

“Dẫu lìa ngõ ý còn vương tơ lòng”, Trà Giang vẫn khẳng định: “Tôi vẫn là người của điện ảnh, luôn quan tâm tới điện ảnh. Không được đóng phim cũng buồn lắm chứ. Dù không còn đóng phim, nhưng tôi vẫn theo dõi sự phát triển của điện ảnh Việt Nam qua các kỳ liên hoan, các lễ trao giải thường niên của Hội Điện ảnh… Sau thế hệ đạo diễn như: Hải Ninh, Bùi Đình Hạc, Đặng Nhật Minh, Bạch Diệp… thì tiếp nối bởi Nguyễn Thanh Vân, Phạm Nhuệ Giang, Nguyễn Hữu Phần… nhưng cái mới ở thế hệ hiện nay chính là sự bổ sung các đạo diễn từ nước ngoài về như Victor Vũ, Leon Lê…Theo dõi nhiều bộ phim Việt Nam sản xuất, tôi rất khâm phục và trân trọng các em - những người làm điện ảnh hôm nay…” (Theo trang Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXI).

Chú thích ảnh
NSND Trà Giang với nghệ thuật hội họa

Hội họa - bến đỗ ký thác tâm tình Thiền trong hội họa

Bên cạnh sự nghiệp điện ảnh dừng lại hơn 30 năm trước, kể từ Dòng sông hoa trắng (1989), hội họa cũng như được “lập trình” đến với NSND Trà Giang một cách tự nhiên như nhân duyên đã hẹn từ kiếp trước.

Tôi đã được nghe chị kể con đường cầm cọ của mình. Vào đầu năm 1999, chị đến thăm TS Lê Thị Thoa (phu nhân Thượng tướng Trần Văn Trà, nguyên Phó Giám đốc Viện Pasteur TP.HCM), nhìn những bức tranh do chính nhà khoa học vẽ treo trên tường, chị thực sự ngưỡng mộ. Ra về mà hình ảnh, màu sắc, đường nét những bức tranh treo trên tường cứ ám ảnh, choán đầy tâm trí, cứ da diết chợt ùa trong tiềm thức.

Thật ra, suốt 10 năm qua, từ chối những lời mời đóng phim mà lòng chị vẫn luôn the thắt, hoang hoải. Không cắt nghĩa nổi sự “thiêu thiếu” của người đàn bà vốn yêu lao động sáng tạo. Thế là NSND Trà Giang đăng ký học vẽ, thả hồn mình trong màu sắc, đường nét, hình khối trong bức vẽ về hoa, cảnh sắc cũng chỉ với mục đích làm vui cho mình. Rồi cuối năm 1999, tai ương, giông gió ập đến với gia đình bé nhỏ của mình khi chồng chị - GS-TS âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc đột ngột qua đời. Sự hẫng hụt, trống vắng này đã khiến chị tìm đến, gắn bó với hội họa nhanh hơn, là nơi vịn bám, tìm niềm vui bạn hữu, ký thác tâm tình như chia sẻ: “Lớp học vẽ của những người bạn lớn tuổi đã xích chúng tôi lại gần nhau hơn, thấy yêu cuộc đời hơn và muốn sống vì nhau hơn”.

Sau 2 năm chuyên tâm học vẽ, thử sức ở lĩnh vực hội họa, NSND Trà Giang đã thực sự ghi dấu ấn phong cách ở lối tả thực và ít nhiều chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa ấn tượng. Thành công này không tự nhiên mà có. Thực tế điện ảnh và mỹ thuật đã đồng hành thăng hoa cảm xúc sáng tạo. Sự “liên thông” của 2 lĩnh vực nghệ thuật này là cơ sở quan trọng cho chị - một nghệ sĩ nhạy cảm nghệ thuật với độ cảm thụ màu sắc, ánh sáng rất mực chắt lọc, tinh tế tiếp tục hành trình khám phá sắc màu, hình khối…như một cuộc dạo chơi với thông điệp vấn đề không phải đẹp hay xấu mà điều quan trọng là không lẫn vào ai.

3 yếu tố quan trọng: Bố cục, màu sắc và ánh sáng nhất là bố cục đã được chị phát huy một cách sáng tạo trong hội họa. Thêm nữa, nghệ thuật diễn xuất của một nghệ sĩ điện ảnh gạo cội đã thăng hoa cùng nét cọ vuốt vẩy, tung tẩy, buông thả cùng lối đặc tả, cận/trung/toàn cảnh cũng là những yếu tố tạo nên hồn cốt cho mỗi bức tranh rất mực tinh tế, đằm thắm, giàu nữ tính. Gam màu chủ đạo của chị thường chọn là màu tím, vàng. Chị khẳng định chính điện ảnh đã hỗ trợ, góp phần rất quan trọng làm nên thành công và định hình cho chị một phong cách hội họa: “Những bức tranh của tôi bắt đầu có những mảng, miếng, đường nét, bố cục, màu sắc… của riêng tôi”.

Từ năm 2001 đến nay, NSND Trà Giang đã tổ chức một số triển lãm cá nhân theo các chủ đề, như: Hè về tại phòng tranh Lotus của nghệ sĩ Nguyễn Thị Xuân Phượng (TP.HCM, 2006); Trà Giang và cuộc dạo chơi với những màu sắc trong chương trình Trà Giang và những mùa Thu còn mãi tại rạp Ngọc Khánh (Hà Nội, 2012); Mùa Xuân tại Bảo tàng Mỹ thuật (TP.HCM, 2016); đặc biệt triển lãm Qua miền Tây Bắc đầu năm 2018 tái hiện bằng hội họa về những chuyến đi thực tế làm phim điện ảnh suốt 30 năm bền bỉ. Ngoài triển lãm cá nhân, chị còn tham dự các triển lãm chung trong các chương trình từ thiện ở TP.HCM, Hà Nội cùng nhóm Hương Cỏ; CLB Nữ họa sĩ Hội Mỹ thuật TP.HCM; triển lãm chung với đạo diễn Phan Vũ (tác giả bài thơ Em ơi Hà Nội phố) tại phòng tranh Lotus (TP.HCM, 2004); triển lãm cùng Hội Nữ họa sĩ quốc tế INWAAC (International Women Artists Council) tại Bảo tàng Mỹ thuật (TP.HCM, 2012)… Đặc biệt năm 2015 là chương trình nghệ thuật của Mẹ và Con kết hợp triển lãm tranh của mẹ Trà Giang cùng đêm biểu diễn âm nhạc của con gái-nghệ sĩ piano Bích Trà tại Erato school (TP.HCM).

Thử sức với mỹ thuật, chị đã ghi dấu ấn riêng. Những lần “xê dịch” đến những địa danh đóng phim năm xưa vẫn luôn chảy tràn niềm cảm xúc để chị chuyển tải niềm đam mê, tâm huyết ấy vào nghệ thuật hội họa. Chị với con đường cầm cọ cũng hết sức ngẫu nhiên. Tranh của chị như cách thiền định, tươi ròng cảm xúc mới, sáng trong, hồn hậu, nữ tính, ấm áp, tinh tế… đã có tranh lọt “mắt xanh” của những người đam mê sưu tập trong và ngoài nước. Tranh của NSND Trà Giang vượt biên giới có mặt trong bộ sưu tập tranh cá nhân ở các quốc gia, như: Nga, CH Czech, Anh, Mỹ, Australia, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc)...

Không ít lần chị nói luôn biết ơn hội họa, lúc đầu có thể như một “giải pháp tình thế”, nhưng chính hội họa đã giúp chị chuyển tiếp niềm đam mê từ ngôn ngữ điện ảnh sang ngôn ngữ hội họa cùng bố cục, sắc màu, ánh sáng. Quả là cuộc đời con người nếu thiếu vắng tâm huyết, niềm đam mê thì buồn lắm lắm.

(Còn nữa)

Cặp đôi nghệ sĩ Bích Ngọc - Trà Giang

Người bạn đời của chị là NSƯT-GS-TS âm nhạc Nguyễn Bích Ngọc - em trai nhà văn Nguyễn Thành Long - tác giả truyện ngắn nổi tiếng Lặng lẽ Sa Pa. Anh vốn là diễn viên múa Đoàn Văn công Liên khu V do cha chị làm Trưởng đoàn, tập kết ra Bắc được chọn đi học Nhạc viện Tchaikovsky, làm giảng viên Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Tháng 7/1967, lễ cưới của đôi trai tài, gái sắc Bích Ngọc - Trà Giang được tổ chức ấm áp và để ngay sau đó, chồng chị trở lại Nhạc viện Tchaikovsky làm tiếp nghiên cứu sinh và Trà Giang tiếp tục cho vai diễn mới… Kết quả tình yêu của cặp nghệ sĩ Bích Ngọc - Trà Giang tài hoa là con gái Bích Trà (ghép tên đệm của cha và mẹ) sinh năm 1973 theo nghiệp đàn của cha trở thành nghệ sĩ piano nổi tiếng hiện đang ở Anh quốc. Bích Trà là con duy nhất, là “món quà số phận” mà cuộc đời ban tặng cặp đôi nghệ sĩ Bích Ngọc - Trà Giang.

Năm 1995, GS-TS Nguyễn Bích Ngọc đảm nhận chức vụ Phó Giám đốc Nhạc viện TP.HCM.

Năm 1999, anh Bích Ngọc đột ngột ra đi đã để trong chị những khoảng hẫng hụt lớn...

 

PGS-TS Lê Thị Bích Hồng

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến