(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bảo tồn, trùng tu 16 công trình di tích, với tổng nguồn vốn bố trí 100 tỷ đồng (cho cả năm 2019); trong đó, vốn đã giải ngân là hơn 24,6 tỷ đồng. Hầu hết các công trình đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư, bảo tồn theo kế hoạch, phù hợp với Luật Di sản văn hóa và các Hiến chương, công ước quốc tế về bảo tồn, tu bổ di tích.
Hạ giải (tháo rời các cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích để tu bổ) là thao tác thường gặp nhất khi trùng tu di tích. Nhưng , nếu hạ giải không hợp lý, toàn bộ giá trị của những công trình vài trăm năm tuổi sẽ mất đi. Đó là bài toán khó thường gặp trong công tác bảo tồn...
Đáng chú ý là các công trình bảo tồn, phục hồi điện Thọ Ninh, di tích điện Kiến Trung; bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngọ Môn - Hoàng thành Huế (giai đoạn 2); các lăng Đồng Khánh, Dục Đức, Thiệu Trị; một số hạng mục các lăng vua Gia Long, Minh Mạng; trùng tu di tích Nghinh Lương Đình; phục hồi Minh Kính Điện (thuộc di tích điện Hòn Chén)...
Ông Võ Lê Nhật, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, nhờ tích cực đầu tư, đến nay, đã có hơn 170 công trình thuộc hệ thống di tích Cố đô Huế được bảo tồn, trùng tu và tu bổ. Các công trình đã được bảo tồn, tu bổ đã góp phần khép lại không gian hoang phế, đổ nát ở Kinh thành, Hoàng thành, các đàn, miếu và một số lăng vua triều Nguyễn, tiêu biểu là các di tích: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Hiển Lâm các, cụm di tích Thế Miếu, Duyệt Thị Đường, cung Trường Sanh, điện Long An, tổng thể đàn Nam Giao, lăng Gia Long, chùa Thiên Mụ, cung An Định, 10 cổng Kinh thành Huế…
Những kết quả trong công tác trùng tu di tích Huế luôn thể hiện sự tuân thủ Công ước quốc tế về bảo tồn di tích, Luật Di sản văn hóa và các Quy chế bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh, các quy định trong xây dựng cơ bản, đảm bảo sự chuẩn mực về bảo tồn và tính chân xác của các công trình. Đặc biệt, trong trùng tu di tích, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã thành công trong việc tiếp nhận kỹ thuật vôi vữa (đối với sơn quét tường và tranh tường) và xử lý mối đối với các công trình có kết cấu bằng gỗ.
Trước đó, nhóm chuyên gia đến từ Cộng hòa Liên bang Đức đã giúp phục hồi các bức tranh tường ở cung An Định vốn đã bị hư hại đạt kết quả khả quan. Phương pháp mà các nhóm chuyên gia người Đức thực hiện trong quá trình phục hồi các bức tranh tường là nghiên cứu, phân tích các lớp sơn (vữa), thành phần hóa học của các lớp bột màu và chất dung môi. Dự án còn góp phần đào tạo được 25 công nhân về kỹ thuật sơn quét tường và phục hồi tranh tường. Ba Lan cùng đã giúp Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế xử lý chống mối mọt và bảo tồn trùng tu công trình Thế Tổ Miếu; từ đó, kỹ thuật này còn được áp dụng ra toàn bộ công trình trùng tu di tích có kết cấu bằng gỗ.
Hiện tại, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế còn thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu như: Gạch lát nền trong di tích; hệ thống giếng cổ trong di tích; hệ thống lịch sử xây dựng các công trình kiến trúc triều Nguyễn"; sưu tầm sắc phong triều Nguyễn. Trung tâm cũng đã xuất bản hai tập cuối Khâm Định Đại Nam Hội điển sự lệ tục biên, Tập san Di sản Huế - nghiên cứu và bảo tồn (tập 2); tham gia tích cực các lễ hội Xã Tắc, Nam Giao… trong khuôn khổ Festival Huế, góp phần giới thiệu, quảng bá và phát huy giá trị di sản văn hóa Huế - di sản thế giới.
Hệ tống di tích Cố đô Huế sau khi được bảo tồn, tôn tạo đã nhanh chóng phát huy giá trị trong việc thu hút khách du lịch. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế hiện đã xây dựng nhiều tour tuyến khai thác "Huế - một điểm đến 5 di sản;" tổ chức nhiều hoạt động như các trò chơi cung đình, trình diễn thư pháp tại sân sau điện Thái Hòa, trình tấu Đại nhạc tại Thế Miếu, trình diễn võ thuật cổ truyền tại sân điện Thái Hòa, múa lân sư rồng tại sân điện Cần Chánh, tái hiện lễ đổi gác tại Ngọ Môn... để thu hút khách du lịch.
Để khách du lịch đến với Cố đô Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã triển khai nhiều hoạt động như: Thực hiện chiếu sáng mỹ thuật Kỳ Đài Huế, bắn súng thần công tại Kỳ Đài; mở cửa trở lại Đại Nội về đêm để du khách có thể khám phá không gian ánh sáng từ Ngọ Môn đến điện Thái Hòa; trải nghiệm "Âm sắc hoàng cung" trong không gian cổ xưa của Nhà hát Duyệt Thị Đường, tái hiện chương trình nghệ thuật "Văn hiến Kinh kỳ"…
Tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang tập trung nâng cấp website du lịch với hai thứ tiếng Việt và Anh; liên kết với website quảng bá du lịch của Tổng cục Du lịch, các địa phương trong cả nước và các thành phố quốc tế có mối quan hệ hợp tác phát triển du lịch với tỉnh để cung cấp thông tin, quảng bá du lịch Thừa Thiên - Huế. Trong năm 2019, Thừa Thiên - Huế phấn đấu đón đạt 4,5 - 4,7 triệu lượt khách, tăng 8 - 10% so với năm 2018; trong đó, khách quốc tế chiếm từ 40% - 45%; doanh thu du lịch dự kiến đạt 4.700 - 4.900 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2018...
Quốc Việt/TTXVN