(Thethaovanhoa.vn) - Hạ giải (tháo rời các cấu kiện tạo thành kiến trúc của một di tích để tu bổ) là thao tác thường gặp nhất khi trùng tu di tích. Nhưng , nếu hạ giải không hợp lý, toàn bộ giá trị của những công trình vài trăm năm tuổi sẽ mất đi. Đó là bài toán khó thường gặp trong công tác bảo tồn...
Viện Bảo tồn di tích vừa gửi báo cáo Bộ VHTTDL về đánh giá hiện trạng, thẩm định nhà thờ Bùi Chu, đồng thời đề xuất hai phương án trùng tu đối với công trình này.
1. Vấn đề này lại đang nóng lên, khi hai phương án trùng tu nhà thờ Bùi Chu (Nam Định) được đưa ra. Và trong bối cảnh ấy, nhiều người bỗng nhớ tới câu chuyện của đình Trần Đăng (Ứng Hòa, Hà Nội) vào năm 2009.
Cuối tháng trước, trong một cuộc tọa đàm, Kiến trúc sư Lý Trực Dũng có dịp kể lại câu chuyện này. Ông chính là người đứng ra trùng tu đình Trần Đăng, theo một dự án được Đại sứ quán Đức tài trợ.
Có niên đại ước chừng 300 năm, đình Trần Đăng gồm 7 gian, rộng 273 mét vuông. Điểm nổi bật nhất của đình là toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm. Trước khi trùng tu, phần kết cấu gỗ chịu lực của đình gồm một số cột cái, câu đầu, xà thượng và xà nách bị hư hại nặng.
Theo KTS Lý Trực Dũng, ngoài các yêu cầu của Luật Di sản Văn hóa, phía trùng tu còn phải đảm bảo ba nguyên tắc mà Đại sứ quán Đức đặt ra: hạn chế tối đa việc can thiệp vào di tích; ưu tiên bảo quản, gia cường di tích hơn là phục hồi và tôn tạo; tôn trọng quyết định của chủ thể di sản.
Thực tế, khi khảo sát,ông Dũng và các cộng sự nhận thấy rất nhiều cột cái bị mục ruỗng phần lõi – trong đó có những cây cột bị rỗng đến hơn 30 cm. Các phần xà, bẩy và vì kéo cũng bị một mói xâm hại nặng. Đặc biệt, phần câu đầu dài hơn 4 mét và nặng gần 1 tấn ở đầu hồi bị mục nghiêm trọng.
“Nhiều chuyên gia và các bậc cao niên trong làng đều khẳng định: phần câu đầu mục nát này gắn với kết cấu chịu lực ngay đầu hồi của đình. Nếu trùng tu, phải hạ giải ít nhất một nửa mái đình. Nhưng làm vậy thì toàn bộ đầu đao với linh vật bằng gốm đen và gạch nóc hoa chanh cũng bằng gốm có niên đại khoảng 300 năm sẽ bị đảo lộn, nghĩa là giá trị lịch sử và văn hóa của đình Trần Đăng sẽ giảm sút rất nhiều” – KTS Lý Trực Dũng kể.
2. Sau khi họp với các chuyên gia và trao đổi với những thợ mộc lành nghề, ông Dũng quyết tâm cố gắng tìm hướng từng bước sửa dần những chi tiết hỏng hóc của đình – thay vì hạ giải. Do vậy, các kỹ sư và thợ sắt trong nhóm đã thiết kế và thi công tại chỗ một giàn giáo đặc biệt có thể chịu được sức nặng 18 tấn của mái ngói. Tiếp theo, họ đào một hố dưới chân cột lớn để hạ xuống sửa chữa – trong khi giàn giáo vẫn giữ cố định toàn bộ phần cấu kiện ở trên. Khi sửa xong, hệ thống pa lăng lại từ từ kéo phần câu đầu nặng một tấn lên để lắp vào cột cái, rồi kích dần cột để đưa xà thượng vào trong...
Riêng với những cột bị mục rỗng, nhóm thi công cũng sử dụng giàn chống để chống cột. Sau đó, họ cắt phần bị mục ruỗng, làm vệ sinh sạch sẽ rồi đổ một lớp keo sữa của Đức trộn với mạt cưa vào trong để làm đầy phần rỗng. Công trình trùng tu đình Trần Đăng dần hoàn thành, được dân làng và các chuyên gia đánh giá cao.
Thẳng thắn, KTS Lý Trực Dũng chia sẻ rằng cá nhân ông cũng chịu rất nhiều áp lực và chỉ có thể... thở phào khi hoàn thành việc trùng tu công trình này. Thế nhưng, nhiều chuyên gia vẫn đánh giá rất cao quyết định chọn cách trùng tu không hạ giải của ông.
Theo chia sẻ của KTS Trần Huy Ánh (Hội KTS Hà Nội), phương pháp của thật ra không phải là một cách làm quá mới. Về bản chất, đó là sự kết hợp giữa kiến thức của kiến trúc, xây dựng hiện đại với phương pháp truyền thống trong nghề mộc của Việt Nam.
“Khi sửa công trình, các cụ ngày xưa không bao giờ phá đi để làm lại, mà hỏng đâu thì sửa đấy. Nếu hỏng mè thì thay mè, hỏng mái thì đảo mái”, ông Ánh nói. “Bây giờ, so với các cụ, chúng ta có những điểm mạnh về áp dụng công nghệ hiện đại, sử dụng máy móc hỗ trợ đục đẽo, có hình ảnh 3D lưu trữ để dễ trùng tu. Do vậy, cách sửa này nên được nghiên cứu để có thể nhân rộng khi cần thiết.”
Tương tự, anh Đinh Hồng Cường, thành viên của nhóm Đình làng Việt nhận xét: “Những trải nghiệm của kiến trúc sư Lý Trực Dũng mang tính thực tiễn cao. Tôi nghĩ, chúng ta nên nghĩ đến việc tìm sự kết nối những kiến trúc sư với những nhà bảo tồn di sản, để cùng huy động chất xám, kinh nghiệm, kiến thức của các bên trong quá trình trùng tu những công trình cổ.”
Nguyễn Thành