(Thethaovanhoa.vn) - Thừa Thiên - Huế là mảnh đất Cố đô, với nhiều trầm tích văn hóa, lịch sử của dân tộc và là một trong ít các địa phương có hệ thống bảo tàng phong phú, lưu giữ hàng ngàn hiện vật, tư liệu quý bằng các chất liệu, ở nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau.
Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thừa Thiên - Huế tiếp tục bảo tồn, trùng tu 16 công trình di tích, với tổng nguồn vốn bố trí 100 tỷ đồng (cho cả năm 2019); trong đó, vốn đã giải ngân là hơn 24,6 tỷ đồng. Hầu hết các công trình đang được Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đầu tư, bảo tồn theo kế hoạch, phù hợp với Luật Di sản văn hóa và các Hiến chương, công ước quốc tế về bảo tồn, tu bổ di tích.
Tuy nhiên, hầu hết các bảo tàng lại chưa thực sự trở thành một điểm đến hấp dẫn, một sản phẩm du lịch độc đáo để thu hút người dân, du khách đến tham quan, tìm hiểu, nghiên cứu. Phóng viên TTXVN thực hiện hai bài viết về sự cần thiết đổi mới hoạt động của các bảo tàng để tạo sức hấp dẫn riêng cho ngành Du lịch địa phương.
Trong hành trình mở mang bờ cõi, phát triển đất nước, Huế có vai trò rất quan trọng, từng là thủ phủ của Đàng Trong (1636 - 1774), là kinh đô của đất nước dưới triều đại Tây Sơn (1788 - 1801) và nhà Nguyễn (1802 - 1945). Hiện nay, Huế là Cố đô cuối cùng của Việt Nam còn lưu giữ được gần như nguyên vẹn các công trình kiến trúc đồ sộ và nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Thừa Thiên - Huế đang định hướng xây dựng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2025 trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế; trong đó, các bảo tàng trên địa bàn tỉnh có vai trò quan trọng trong việc lưu giữ các hiện vật, tư liệu quý về nhiều giai đoạn phát triển của vùng đất này nói riêng cũng như cả nước nói chung.
Kho hiện vật quốc gia
Thừa Thiên - Huế hiện có 5 bảo tàng công lập, gồm: Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế, Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Mỹ thuật Thừa Thiên - Huế, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên - Huế và Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung. Hiện nay, các bảo tàng đang quản lý, lưu giữ số lượng lớn các hiện vật, tư liệu đã được kiểm kê với khoảng 73.670 hiện vật nằm trực tiếp tại bảo tàng hoặc ở trong các di tích. Đặc biệt, Thừa Thiên - Huế đang sở hữu nhiều bảo vật quốc gia nhất với 35 bảo vật như: Bộ Cửu vị thần công, Bộ Cửu đỉnh, Đại hồng chung chùa Thiên Mụ, Bia Khiêm Cung Ký, Bộ sưu tập vạc đồng thời chúa Nguyễn, Ngai vua triều Nguyễn, Áo Tế giao và Bệ thờ Vân Trạch Hòa, Bia “Ngự kiến Thiên Mụ Tự”, Bộ chóp tháp Champa Linh Thái.
Theo các nhà nghiên cứu, giá trị nổi bật trong các bảo tàng Huế là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế (số 3 Lê Trực, thành phố Huế) có lịch sử lâu đời nhất ở Việt Nam hiện nay. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế thành lập vào năm 1923 với tên gọi đầu tiên là Bảo tàng Khải Định, đặt tại điện Long An - công trình được xây dựng vào năm 1845 dưới thời Hoàng đế Thiệu Trị (1841 - 1847). Đây là tòa kiến trúc đẹp mang phong cách cung đình Huế theo kiểu nhà kép được trang trí tinh xảo với các chi tiết chạm trổ, khảm cẩn xương, ngà, xà cừ… Bảo tàng đang lưu giữ khoảng 10.000 hiện vật có từ giai đoạn Chăm pa ở khu vực Bình Trị Thiên, giai đoạn các chúa Nguyễn và phần lớn hiện vật từ thời nhà Nguyễn. Trong đó, 33 đơn vị hiện vật do Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế quản lý đã được công nhận là bảo vật quốc gia và phần lớn những hiện vật của bảo tàng đang được trưng bày ở các điểm di tích.
Bên cạnh đó, Thừa Thiên - Huế tự hào là mảnh đất đã gắn bó với thời gian niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong khoảng 10 năm (1895 - 1901 và 1906 - 1909), khi Người và gia đình đến sinh sống, lao động, học tập tại Kinh đô Huế. Theo thống kê, địa bàn tỉnh hiện có khoảng 20 di tích và địa điểm di tích về Bác Hồ hoặc liên quan trực tiếp đến gia đình Người như: Nhà lưu niệm Bác Hồ tại 112 (số mới 158) Mai Thúc Loan, Nhà lưu niệm Bác Hồ ở làng Dương Nỗ, Đình làng Dương Nỗ, Trường Quốc học Huế... Cuối năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đối với hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Thừa Thiên - Huế.
Ngoài ra, Thừa Thiên - Huế còn có hai bảo tàng ngoài công lập gồm Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn và Bảo tàng Thêu XQ. Hai bảo tàng này đang lưu giữ và trưng bày hơn 1.000 hiện vật.
Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn của nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn là bảo tàng tư nhân đầu tiên của Thừa Thiên - Huế được thành lập năm 2012 tại địa chỉ 114 Mai Thúc Loan, thành phố Huế. Bảo tàng đang trưng bày 4 bộ sưu tập chính gồm: Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn; vật phẩm phục vụ 4 thú vui: trà, rượu, trầu, thuốc của người Việt; đồ gốm Việt Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ XVIII và đồ sứ châu Âu, Nhật Bản...
Bảo tàng nghệ thuật Thêu XQ thành lập cuối năm 2016, nằm trên đường Lê Lợi, thành phố Huế. Bảo tàng trưng bày gần 500 tác phẩm, hiện vật, tranh ảnh, tài liệu gồm các thể loại chính: tranh thêu, tranh thêu hai mặt, điêu khắc chỉ và các hiện vật liên quan đến nghề thêu, được thể hiện qua ba chủ đề chính: “Cơ thể nghề thêu”; “Gương mặt nghề thêu”; “Một tiếng nói cho nghề thêu”…
Ngoài hệ thống các bảo tàng công lập và ngoài công lập, theo số liệu khảo sát của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh, địa bàn Thừa Thiên - Huế còn có nhiều nhà sưu tập tư nhân đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý hiếm. Tất cả những điều đó tạo cho Huế có một sức hút riêng đối với những người yêu văn hóa, muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc tại chính mảnh đất Cố đô.
Phát huy giá trị hiện vật lịch sử
Nhìn chung, các bảo tàng trên địa bàn Thừa Thiên – Huế đã phát huy được vai trò, sứ mệnh của mình như là một “cầu nối” gắn kết giữa quá khứ với hiện tại và tương lai. Bước đầu, một số bảo tàng đã có sự đổi mới trong việc ứng dụng công nghệ để quảng bá, giới thiệu bằng hình ảnh hoặc video về những hiện vật hoặc các chương trình hoạt động trên trang thông tin, mạng xã hội.
Một số bảo tàng đã phối hợp với các trung tâm tư liệu, bảo tàng ở Trung ương tổ chức các triển lãm chuyên đề để thu hút người xem. Tiêu biểu cho hoạt động này là Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế. Đơn vị này thường xuyên phối hợp với Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I tổ chức nhiều triển lãm về chủ đề cung đình xưa với một số hiện vật, tư liệu quý lần đầu tiên được giới thiệu đến công chúng. Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế đang áp dụng công nghệ quét mã vạch QR bên cạnh các hiện vật trưng bày tại bảo tàng và các điểm di tích nhằm giúp du khách tự tìm hiểu thông tin về lịch sử liên quan đến hiện vật qua điện thoại thông minh.
Bên cạnh hệ thống bảo tàng công lập, tỉnh quan tâm khuyến khích phát triển hình thành các bảo tàng tư nhân để có thể khai thác hết những tiềm năng của một vùng đất di sản đặc sắc của cả nước.
Thực tế cho thấy, một số hoạt động của bảo tàng tư nhân đi vào hoạt động vài năm trở lại đây cũng gặp không ít khó khăn như: việc trưng bày vẫn còn mang tính chất cố định; hiện vật chưa phong phú; cán bộ chuyên môn chưa đồng đều. Công tác truyền thông giáo dục chưa được chú trọng. Sự liên kết, phối hợp giữa các bảo tàng ngoài công lập với bảo tàng công lập chưa chặt chẽ; các khâu nghiệp vụ của bảo tàng không được thực hiện thường xuyên…Chính vì vậy, các bảo tàng này chưa thu hút được số lượng lớn lượt khách đến tham quan. Theo số liệu thống kê trước thời điểm xảy ra dịch COVID-19, trung bình hằng năm, Bảo tàng Đồ sứ ký kiểu thời Nguyễn chỉ đón khoảng 500 lượt khách; Bảo tàng nghệ thuật thêu XQ đón khoảng 2.000 - 3.000 lượt khách đến tham quan và nghiên cứu.
Từ những khó khăn trên, cuối năm 2020, tại kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VII đã ban hành Nghị quyết “Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030”. Các chính sách hỗ trợ phát triển bảo tàng ngoài công lập bao gồm: hỗ trợ giá thuê cơ sở nhà, đất phục vụ hoạt động bảo tàng; hỗ trợ hoạt động trưng bày, triển lãm; hỗ trợ phát triển sản phẩm lưu niệm đặc trưng của bảo tàng; hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; hỗ trợ quảng bá hình ảnh. Nguồn kinh phí hỗ trợ cho các chính sách trên khoảng 8 tỷ đồng (trong giai đoạn 2021-2030), từ nguồn ngân sách Nhà nước và các nguồn xã hội hóa.
Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Phan Thanh Hải cho biết, hiện nay, các bảo tàng trên địa bàn Thừa Thiên – Huế cần tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động trưng bày, vì đây là yếu tố cốt lõi để thu hút khách tham quan. Bên cạnh đó, các bảo tàng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; ứng dụng công nghệ thông tin vào việc xây dựng một số sản phẩm chủ lực để quảng bá bảo tàng trên không gian mạng; xây dựng cơ sở dữ liệu về toàn bộ tư liệu, hiện vật đang được lưu giữ tại bảo tàng và cung cấp thông tin song ngữ hoặc đa ngữ chất lượng cao đảm bảo đáp ứng nhu cầu tổ chức trưng bày và các chương trình giáo dục của bảo tàng.
Ngoài 7 bảo tàng công lập và ngoài công lập, trên địa bàn tỉnh còn có hơn 20 nhà sưu tập tư nhân đang lưu giữ hàng ngàn hiện vật quý hiếm, rất phong phú về kiểu dáng và chất liệu, có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Đây là cơ sở để tỉnh hình thành các bảo tàng ngoài công lập mới trong thời gian tới.
Đỗ Trưởng - Tường Vi/TTXVN