(Thethaovanhoa.vn) - Gần đây người đọc qua một số báo đã quen với tác giả trẻ Lê Quang Trạng với những bài thơ, truyện ngắn, tản văn và gần nhất là một quyển truyện dài thiếu nhi xinh xắn. Nhà thơ Giang Nam nhận xét: "Cái quý ở Lê Quang Trạng là một tâm hồn nhạy cảm, luôn muốn thể hiện suy nghĩ, cảm xúc của mình thật riêng. Tôi cảm thấy trước mắt mình phong cảnh sông nước Tây Nam Bộ mà nhiều lần đã đi qua. Tôi có cảm giác Trạng nặng lòng với quê hương và tin rằng Trạng sẽ là “cây bút mới” của Đồng bằng Tây Nam bộ....".
Hướng tới Tết Trung thu 2020, 100 năm ngày sinh Tô Hoài (27/9/1920 - 2020), cũng là dịp trao Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn lần đầu tiên do báo Thể thao và Văn hóa tổ chức (29/9/2020), chúng ta hãy cùng điểm lại bầu không khí sáng tác, trình diễn nghệ thuật cho thiếu nhi trong thời gian qua, cùng những đỉnh cao văn học thiếu nhi trong quá khứ.
1. Thú thật khi nghe ai khen ai tôi thường tìm đọc thử xem có phải như vậy không. Qua tập truyện ngắn Dòng sông không trôi và tập thơ Áp tai vào đất của Trạng, tôi thấy quả đúng như vậy, nhất là mới đây với với Thủ lĩnh băng vịt đồng (NXB Kim Đồng, 2019). Trạng viết cho thiếu nhi nhưng người lớn tuổi ở miền Tây đọc cũng thấy thích thú.
Thích thú vì truyện hiện ra bao hình ảnh thân quen, độc đáo của đồng bằng châu thổ Cửu Long. Miền sông nước bao la phát sinh nghề nuôi cá bè; đồng ruộng bát ngát sinh ra nghề nuôi vịt chạy đồng để ăn những bông lúa rụng. Môi trường sinh thái miền Tây sinh ra những nghề độc lạ đặc trưng chỉ có nơi này có được.
Trạng là người miền Tây, sinh ra và lớn lên trên cánh đồng Tứ giác Long Xuyên bên bờ sông Hậu thơ mộng. Chất liệu khởi sinh ấy đã giúp truyện Trạng viết chân thực mà tinh tế sống động, khắc họa rõ nét cuộc sống người nông dân với nghề... nuôi đôi ba ngàn con vịt nhưng không tốn tiền mua thức ăn mà chỉ tốn công dầm mưa dãi nắng lùa chúng đi hết cánh đồng này qua cánh đồng khác, lấy trời đất làm nhà, lang thang cho tới lúc đàn vịt lớn lên, đẻ trứng.
Đây là nghề đặc trưng của miền Tây, một nghề dễ kiếm ăn nhưng ai nhảy vô mới biết, không hề dễ. Gà vịt là loài rất nhạy cảm với thời tiết. Đêm có cơn gió lạ vài ba con mắc bệnh cúm không phát hiện kịp lây cho cả đàn chết hàng loạt. Miền Tây có câu “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt”. Lê Quang Trạng chứng tỏ có sự quan sát tỉ mỉ, có tình cảm sâu nặng và sự nhạy cảm của người viết; từ đó mà thông qua những hiểu về nơi mình đang sống, biến cái nghề nuôi vịt thành một câu chuyện vừa gần gũi thân quen, vừa mới và lạ dạt dào tình cảm. Tôi nghĩ rằng, có thể là Trạng đã từng vô đồng, sống với người chăn vịt một khoảng thời gian, nên mới đưa ra được những chi tiết rất độc đáo mà chỉ quan sát sơ qua bằng mắt thường thì khó mà phát hiện ra được.
Với nghề nuôi vịt mà Trạng cần mẫn đan thành câu chuyện, thì đặc trưng nhất của nghề là việc lùa đàn vịt đôi ba ngàn con. Vì vậy để phát hiện ra một hai con đi lạc không dễ, phải lẹ mắt nhanh tay. Vì vậy mà người chăn vịt phải cần một phụ tá để hỗ trợ... Đó là lý do mà người ta phải chọn ra một con làm thủ lĩnh - đầu đàn. Tập quán của loài vật nếu đi theo bầy sẽ đi theo con dẫn đầu.
Và con thủ lĩnh trong truyện của Trạng là một con đầu đàn lanh lẹ, hiểu đường đi lối về, khôn ngoan nghe lời người nên trên đồng hiu quạnh nó với ông chủ như là bạn bè chia sẻ vui buồn mấy tháng trường giữa một cánh đồng hiu hắt.
Thật thú vị khi con ngỗng lại được chọn làm con đầu đàn dẫn dắt đàn vịt. Con ngỗng có cổ dài, miệng kêu oang oác điếc tai. Ngỗng rất tinh khôn, nhạy bén còn hơn con chó không cho bất cứ ai lọt vô sân, vừa tới gần ngỗng cũng kêu ầm ĩ lên nên ở quê thường nuôi nó để giữ nhà. Khung cảnh miền Tây đặc sắc và cách mở truyện dí dỏm, như đứa trẻ đang thủ thỉ với bạn sẽ dẫn dắt bạn đọc nhập tâm vào một miền quê Nam bộ với những bài học dân gian gần gũi thiên nhiên mà cũng hết sức nghĩa tình, hào sảng.
Nếu như nhà văn Tô Hoài với Dế mèn phiêu lưu ký nỗi tiếng lôi cuốn bạn đọc ngay câu mở đầu: “Tôi sống độc lập từ lúc ấy là tục lệ lâu đời trong họ dế chúng tôi” thì ở đây cũng vậy, Thủ lĩnh băng vịt đồng mở đầu bằng những câu thu hút người đọc mắt không rời trang sách: “Này bạn, bạn thường nghe người ta nói “ngu như vịt”, nhưng có nghe người ta nói “ngu như ngỗng” bao giờ chưa? Hẳn là chưa rồi đúng hông? Bởi vậy mà nhà ngỗng được loài vịt tôn làm “thủ lĩnh - đại ca” của bọn du mục, chuyên nghề mưu sinh trên những cánh đồng”.
Lời mở dí dỏm nhưng mở ra một khung cảnh quê hương vừa hấp dẫn lại vừa dễ làm người lớn xa quê bùi ngùi. Nếu người xa quê lên thị thành đọc truyện này để sống lại ký ức, thì các em thiếu nhi sẽ thích thú khi hiểu thêm về thế giới loài vật quanh mình. Bằng những trải nghiệm, Lê Quang Trạng đã đúc kết tập tính loài vịt và ngỗng vào những câu chuyện nhỏ thông qua những câu thoại của một con Ngỗng một cách tự nhiên và gần gũi. Chắc là sẽ có sự ngạc nhiên, khi các em thiếu nhi đọc Thủ lĩnh bằng vịt đồng, khi biết dân gian Nam bộ có kinh nghiệm rằng, phụ nữ mang thai thường mua trứng ngỗng ăn sẽ sinh con thông minh. Dân gian có nhiều kinh nghiệm đúng và lạ. Có phải vậy nên thầy cô nào cho học trò ăn trứng ngỗng (tức điểm 0) tức là thầy cô thương, muốn cho các em thông minh lên.
Đó là lời của một con ngỗng tâm tình với bạn đọc. Mà nếu là người từng nuôi con vật sẽ hiểu được mối gắn kết, sẻ chia như có thể đọc được lời con vật. Lê Quang Trạng tinh tế như nghe được tiếng nói của đàn ngỗng kể chuyện đời mình. Chuyện rằng, Thủ lĩnh rất đông anh em nhưng ông chủ đem cho lối xóm khi còn là những quả trứng. Mỗi lần mẹ nhớ tới, cho ngỗng cũng buồn nhưng không trách móc mà nói: “Loài người nuôi mình thì mình cũng nên nuôi lại họ”. Coi như đây là bài học đầu đời của thủ lĩnh được cha dạy cho để rồi lớn lên biết quan sát những biểu hiện xung quanh. Khi được ông chủ chọn ra giao cho vợ chồng ông chủ mới để đi chăn vịt. Bầy ngỗng trên bờ ngóng cổ kêu oang oác tiễn người đi. Thủ lĩnh nghe ông chủ nói ngậm ngùi: “Nhìn bầy ngỗng ngóng theo con này, thiệt đau như đứt ruột. Làm sao biết được ông nói thật hay nói chơi?” – Thủ lĩnh hoài nghi: “Nhưng tôi tin ông có đau lòng. Tôi nghĩ rằng, con người một khi thấy được nỗi đau của loài vật như vậy, thì thật đáng là người để bọn gia cầm chúng tôi tin tưởng gửi gắm”. Đàn vịt hai ngàn con dưới ghe đua nhau kêu “cạp cạp” như chứng minh cho điều nầy. Tiếng vịt kêu cho ngỗng như được tiếp thêm sức sống bước vào đời, hòa mình vào bầy đàn bước vào cuộc mưu sinh qua những cánh đồng bất tận, hắt hiu. Cũng xem như đó là một cuộc du ngoạn. Thông qua những chi tiết, cách xử lý tình huống, Lê Quang Trạng đã khéo léo lồng ghép những hiện tượng thiên nhiên, tập tinh loài vật và những bài học bình dị trong cuộc sống, thông qua lời kể của con ngỗng đầu đàn.
Bạn sẽ được chìm vào một không gian đồng ruộng với những con kinh chảy dài chảy dọc. Có bầy vịt lênh đênh trên chiếc ghe để tìm chỗ kiếm ăn. Sau ba ngày lênh đênh trên sông tìm nước, ghe dừng lại trên cánh đồng ruộng chó chạy phải cong đuôi ngáp tên là Đồng Chó Ngáp. Ông chủ thả bầy vịt tỏa ra bốn hướng tìm thức ăn rồi ông nhận thấy thủ lĩnh con ngỗng là đứa trai tơ, nhưng vất vả trước đám quân đông đaot nên mua về thêm một con ngỗng mái để phụ công việc. Thủ lĩnh được đặt tên là Cua, ngỗng mái tên là Ốc. Ông chủ làm một cái chuồng nhốt riêng, hai đứa kết bạn thật nhanh: “tôi thỏa thuận với Ốc rằng, từ nay Ốc hãy chỉ tôi những gì tôi không biết. Ngược lại, tôi sẽ chỉ cho Ốc những gì tôi biết. Mình cùng loài ngỗng với nhau, phải có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ nhau tiến bộ chứ”. Hai đứa cùng chia sẻ buồn vui, và được vợ chồng ông chủ dành riêng những thau lúa đầy ngon. Rồi lắm lúc bị ông chủ rầy oan. Nửa đêm hai đứa cất tiếng la oan oác. Ông chủ giật mình thức giấc la, “bộ tụi bây khùng hả”. Bà chủ cằn nhằn “vịt nó hoảng sợ là nín đẻ”. Hai đứa bất chấp tiếp tục kêu nên ông chủ cầm đèn bước ra chuồn vịt. Hóa ra có một con mèo hoang mò vô trộm trứng. Ông chủ khen hai đứa: “Tụi mày khôn nghe, giữ bầy hết ý”.
Điều thú vị nữa là thủ lĩnh bầy vịt rất thông minh và không khỏi làm những bạn nhỏ thán phục khi thủ lĩnh Cua thuộc hết lối đi trên đồng, bằng cách để lại dấu chân, lấy mỏ làm dấu và luôn để mắt quan sát đàn vịt. Con vịt nào ham chơi đi lạc thủ lĩnh Cua sẽ biết ngay. Vì vậy một hôm thủ lĩnh Cua đi theo bốn con vịt ham vui xuống kinh và bị nước cuốn trôi để hướng dẫn chúng quay về.
Rồi Cua với Ốc yêu nhau trên đồng diễn ra đám cưới ngổng lãng mạn. Bọn vịt lấy rơm kết thành chiếc cổng cưới. Mỗi con vịt mang tới một món quà. Con tha ốc, con tha lúa, con khác thì mang tới con cá lìm kìm. Đám cưới thật vui cả bầy kêu vang đồng nước. Rồi Cua được làm cha, cùng Ốc thai phiên ấp trứng. Hai vợ chồng quên cả ăn, hạnh phúc ôm những quả trứng xinh xắn. Để rồi câu chuyện cũ lập lại: “Loài người nuôi mình thì mình phải nuôi họ”. Hai đứa buồn nhưng không dám trách móc nhìn ông chủ lựa những quả trứng to đem đi. Bài học nhân văn trong mối quan hệ tình cảm giữa người và vật, vật và người; giữa việc mưu sinh và giữa tình yêu thương động vật. Gắn kết thành một mối tình cảm có thể khiến người ta xúc động và thấy yêu quý, trân trọng thiên nhiên.
2. Nếu một tập truyện có cốt truyện nhưng phải đọc nhiều lần mới khám phá ra được cái hay. Thì ở đây với Thủ lĩnh băng vịt đồng, ta đọc liền một mạch từ trang đầu đến trang cuối nhưng nó lập tức ghi vào trí nhớ. Đọc lại lần thứ hai vẫn thấy nó hay thì đúng nghĩa đây là một cuốn sách hay và thú vị.
Lê Quang Trạng dẫn các em về với thiên nhiên, thế giới loài vật hiện ra mối tương quan của nó với con người, cái tình của con người dành cho loài vật. Vì vậy ta thấy hình ảnh việc mưu sinh kiếm sống nhọc nhằn, đồng hết lúa, ông chủ đưa Cua với Ốc cùng đàn vịt qua đồng khác, chia sẻ buồn vui với nhau, như bạn bè, như thân thuộc. Nếu có lúc đàn vịt thiếu ăn ốm yếu không đẻ trứng, thì ông chủ vì dầm mưa dãi nắng mấy tháng trời nên đổ bệnh.
Câu chuyện sắp kết thúc với một câu chuyện buồn nhưng chứa đựng đầy tính nhân văn. Ông chủ bầy vịt đành phải sang cả bầy sang tay ông chủ mới. Bạn đọc sẽ bùi ngùi khi thấy hình ảnh ông chủ đứng trên bờ chia tay hai con ngỗng và bầy vịt như chia tay với những người bạn thân thiết, rồi ông sụp xuống ôm mặt khóc như đứa trẻ con mất bạn. Tình yêu động vật hay tình yêu thiên nhiên, sao mà đẹp và trong sáng như tâm hồn trẻ thơ đến vậy!
Để rồi bạn sẽ đi đến trang cuối cùng Thủ lĩnh băng vịt đồng với sự bất ngờ. Lê Quang Trạng trở về ngôi kể của người viết, kể lại rằng lúc nhỏ thường nghe ông nội nhắc tới hai con ngỗng và bầy vịt chạy đồng. Trạng nhớ vậy nên viết truyện này và đồng thời cũng nhớ tới ông nội khôn nguôi. Ông là người nông dân giỏi giang có tiếng ở địa phương nhưng thở hàn vi ông nội đã đi chăn vịt chạy đồng kiếm sống. Cái nghề “nghèo” nhưng đầy ắp tình cảm với thiên nhiên với động vật.
3. Thủ lĩnh băng vịt đồng là một câu chuyện đồng thoại mộc mạc, chân quê, chan chứa tình cảm hồn nhiên và có chất văn nhẹ nhàng, ấm áp. Tuy rằng truyện mộc mạc nhưng độc đáo ở chỗ, qua cái mộc mạc chân quê đó, Lê Quang Trạng đã khắc họa lên chất quê hương đồng nội rất đỗi gần gũi và đầy ắp nghĩa tình, đầy ắp sự hào sảng của người dân Nam bộ. Để rồi khi đọc hết câu chuyện, người ta (nhất là dân xa quê lên phố) bao giờ cũng thấy có hồn cốt quê hương sao vừa thân quen mà lại vừa đìu hiu ở trong lòng. Như có một tiếng gọi tha thiết về một miền đất thông qua mớ câu chữ vừa đọc được trong mấy trang truyện ấy.
Đó là tiếng gọi hoang dã. Tiếng đồng nội. Để khi hồi tưởng lại sẽ thấy cánh đồng sau mùa gặt trơ gốc rạ nằm trải dài phơi nắng, bọn trẻ con lui cui trên ruộng lật đất tìm dế xung quanh là đàn chim bay lượn, đàn vịt đủng đỉnh kiếm ăn. Mọi thứ vừa gây tò mò, vừa gần gũi thiên nhiên mà cũng lại ẩn chứa sự bình yên đến mát cả lòng người. Vì vậy mở Thủ lĩnh băng vịt đồng ra đọc, tôi tin chắc người đọc không thể dừng lại, mà sẽ dõi theo đến cuối truyện để rồi có những phút lắng lòng nghe tiếng nói của thiên nhiên sao mà mát lành đến vậy...
Ngô Khắc Tài