(Thethaovanhoa.vn) - Sau hơn 3 tháng phát động, chiều ngày 8/9, báo Thể thao Văn hóa (TTXVN) đã tổ chức họp Hội đồng giám khảo Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn để thảo luận về các tác phẩm dự giải sau khi đã được Ban sơ khảo sàng lọc qua vòng 1.
Chiều nay, 27/5/2020, tại Hà Nội, báo Thể thao và Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) phát động Giải thưởng thiếu nhi Dế Mèn. Đây là giải thưởng phi lợi nhuận được trao hằng năm cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc "của thiếu nhi" (thiếu nhi là chủ thể sáng tạo) hoặc "vì thiếu nhi" (thiếu nhi là đối tượng phục vụ), bao gồm 1 Giải thưởng Lớn mang tên "Hiệp sĩ Dế Mèn" (Cricket Knight) và một số Tặng thưởng mang tên "Khát vọng Dế Mèn" (Cricket Desire).
Theo đó, từ sau ngày phát động giải thưởng đến hết ngày 7/9, Ban sơ khảo đã nhận được 110 sáng tác, trình diễn nghệ thuật của/vì thiếu nhi ra đời trong khoảng thời gian từ 01/01/2019 đến ngày 7/9/2020, qua hai "kênh": Một là do các thành viên trong ban sơ khảo đề cử; hai là do chính các tác giả gửi đến (trực tiếp tới tòa soạn hoặc gửi qua đường bưu điện, thư điện tử).
Đi tìm "người bất tử"
Qua sàng lọc lần 1, Ban sơ khảo đã chọn được gần 30 tác phẩm thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh...
Theo Chủ tịch Hội đồng giám khảo - nhà thơ Trần Đăng Khoa (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), trong một thời gian ngắn như thế mà Giải Dế mèn đã nhận được số lượng tác phẩm như vậy là rất đáng mừng. Mừng là bởi, trong số hơn 100 tác phẩm xét giải, có những tác phẩm, trình diễn nghệ thuật của tác giả đã nổi tiếng, chững chạc, kỹ năng, kỹ xảo văn chương đầy mình và có cả những tác phẩm, những sáng tạo nghệ thuật của những người mới "làm quen" với văn chương, nghệ thuật, và còn rất nhỏ tuổi.
"Vấn đề còn lại là làm sao giữa đa dạng những tác phẩm ấy, phải tìm cho được Hiệp sĩ Dế mèn - Giải thưởng quan trọng nhất - thật thuyết phục, trở thành một món quà tinh thần ý nghĩa đối với các em thiếu nhi" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói. "Theo tôi, đó phải là một tác phẩm đẹp, giàu lòng nhân ái, hướng các em đến những điều tốt lành. Nhà văn Nguyễn Đình Thi nói rất đúng, rằng ai chơi được với trẻ con thì người ấy sẽ bất tử. Tôi hy vọng, qua giải thưởng này sẽ có người bất tử".
"Người bất tử" ấy, theo tác giả Góc sân và khoảng trời chưa hẳn đã phải là những tác giả đình đám, có thâm niên trong nghề. Biết đâu, "người bất tử" qua phát hiện của Dế mèn lại là một người chẳng bao giờ có ý đồ hay chủ đích viết cho thiếu nhi thì sao? Điều đó, theo nhà thơ Trần Đăng Khoa hoàn toàn có thể xảy ra, bởi trong đời sống văn chương nước nhà, có nhiều trường hợp như thế, "điển hình như: Xuân Quỳnh, Duy Khán, họ sinh ra không chủ tâm viết cho thiếu nhi, nhưng lại có những tác phẩm cho thiếu nhi đưa tên tuổi họ vào cõi bất tử" - nhà thơ Trần Đăng Khoa nói.
Nhiệm vụ cao cả của "Dế mèn"
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam thì cho rằng, qua những tác phẩm mà Ban sơ khảo trình lên chẳng khác gì những phác thảo bước đầu về một bức tranh văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi đầy màu sắc mà ông cũng rất háo hức kể từ ngày nhận lời ngồi ghế Hội đồng giám khảo.
"Khi đọc những tác phẩm mà Ban sơ khảo gửi lên qua vòng sơ khảo lần thứ nhất, tôi thấy những tác phẩm văn học nghệ thuật với rất nhiều thể loại khác nhau đã hiện lên rất rõ. Đó đều là những tác phẩm hướng đến những điều tốt đẹp. Mỗi tác phẩm đều tìm ra được một mảng mà bạn đọc nói chung, các bạn đọc thiếu nhi nói riêng cần được tiếp cận, cần được hiểu biết và cần được hòa đồng vào trong tác phẩm đó” - ông Thiều nói.
Giải thưởng Dế Mèn, cho đến thời điểm này, theo Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, là vô cùng quan trọng. "Đó như là cú đề-pa cho một chiến lược về giáo dục cho thanh thiếu niên, hay nói cách khác là sự khởi đầu khác liên quan đến vấn đề giáo dục trẻ em trong thời buổi mà chúng ta luôn có cảm giác văn học nghệ thuật cho thiếu nhi, tâm hồn của trẻ em... đang có những báo động. Đó chính là vấn đề quan trọng của giải thưởng này!" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều nói tiếp.
Ngoài ra, ông Thiều cũng cho rằng, Giải thưởng Dế mèn không chỉ là sự kiện mang tính truyền thông đơn thuần mà còn tạo ra được một đời sống, một môi trường văn học nghệ thuật cho thiếu nhi. Theo quan sát của ông, thì lâu nay văn học nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn đang phát triển, vẫn được quan tâm, lượng sách các gia đình, trong đó có những gia đình trí thức bình dân, buôn bán nhỏ lẻ, làm việc chân tay... mua cho con cái họ rất nhiều.
"Điều đó chứng tỏ các phụ huynh không hề thờ ơ với đời sống văn học nghệ thuật dành cho con cái họ" - ông Thiều nói tiếp. "Thế thì từ nền tảng đó, chúng ta cần đẩy mạnh tuyên truyền, dần dần từng bước tạo ra một văn hóa đọc, để các phụ huynh thấy rõ hơn rằng, tạo điều kiện cho con cái hòa mình vào môi trường văn học nghệ thuật là mang về một nguồn năng lượng, những thức ăn tinh thần quan trọng, tạo dựng tâm hồn đẹp đẽ cho con trẻ. Đó là một nhiệm vụ mà Giải thưởng Dế mèn phải làm được, không chỉ cùng với các tác giả mà cùng với toàn bộ xã hội, với hệ thống giáo dục trong việc giáo dục thanh thiếu nhi".
Vài nét về Giải thưởng thiếu nhi Dế mèn
Đây là giải thưởng phi lợi nhuận dành cho các sáng tác, trình diễn nghệ thuật - giải trí xuất sắc của thiếu nhi hoặc vì thiếu nhi hằng năm. Tác phẩm tham dự thuộc các lĩnh vực: Văn học, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật, sân khấu, nhiếp ảnh, truyện tranh, trò chơi truyền thống hoặc điện tử…
Hội đồng giám khảo gồm các văn nghệ sỹ uy tín, gắn bó với nghệ thuật thiếu nhi trên các lĩnh vực: Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam (Chủ tịch Hội đồng); nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam; nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha; họa sĩ Thành Chương; họa sĩ Lê Linh, đạo diễn Nguyễn Phi Phi Anh và nhà báo Lê Xuân Thành, Tổng Biên tập báo Thể thao và Văn hóa.
|
Huy Thông