'Thầy Ba Đợi' mừng 100 năm sân khấu cải lương

Chủ Nhật, 29/4/2018, 17:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Tối 28/4, vở cải lương “Thầy Ba Đợi” (kịch bản: PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt - Phạm Văn Đằng, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên - Lê Trung Thảo) đã đến với khán giả TP.HCM tại rạp Bến Thành (Quận 1).

Công trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương (1918 - 2018) do Đài Tiếng nói Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang phối hợp thực hiện sẽ tiếp tục đến với khán giả Long An và tái ngộ khán giả TP.HCM vào tối 29/4 và 1/5.

Cải lương Bắc - Trung - Nam hòa điệu

Có thể nói, Thầy Ba Đợi là vở cải lương của những “lần đầu tiên”: lần đầu tiên một ê-kíp sáng tạo có sự kết hợp của đại diện hai dòng chảy chủ lưu của nghệ thuật cải lương qua 100 năm hình thành và phát triển - cải lương Nam và cải lương Bắc; lần đầu tiên một vở cải lương quy tụ hơn 60 nghệ sĩ ở cả 3 miền Tổ quốc - danh ca Thanh Tuấn, nghệ sĩ Quang Khải là người miền Trung; NSƯT Lê Tứ, NSƯT Quỳnh Hương, NSƯT Hồ Ngọc Trinh, NSƯT Quế Trân, nghệ sĩ Võ Minh Lâm… của miền Nam; NSND Vương Hà, NSƯT Xuân Vinh, NSƯT Thu Trang… từ miền Bắc; lần đầu tiên khán giả mộ điệu nghe được cả 3 giọng Bắc - Trung - Nam trong một vở cải lương…

Chú thích ảnh
Nghệ sĩ Quang Khải và NSƯT Quế Trân lần đầu đứng chung sân khấu tái hiện mối tình dang dở của nhạc sư Nguyễn Quang Đại và tiểu thư Ái Hoa. Ảnh: Ngân Anh

NSƯT - đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết vở cải lương Thầy Ba Đợi không hướng đến sự thể nghiệm hay cách tân về hình thức mà chỉ mong muốn mang đến cho khán giả mộ điệu những tinh hoa vốn có của nghệ thuật cải lương. Tuy nhiên việc xuất hiện nhiều giọng nói vùng miền khi các nghệ sĩ ca và thoại theo xuất thân của nhân vật trong tuồng đã là một thể nghiệm đầy mới mẻ và một lần nữa khẳng định giá trị đặc sắc nhất đưa nghệ thuật cải lương chiếm lĩnh đời sống văn hóa tinh thần của người dân cả nước một thời gian dài là: sự cởi mở và khả năng dung nạp các hình thức biểu diễn gần như không có điểm dừng của mình.

Với Thầy Ba Đợi, việc nghệ sĩ Quang Khải đảm nhận vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại (vốn người Quảng Trị) giai đoạn khi mới vào Nam thể hiện chất giọng mang âm hưởng xứ Nghệ, NSND Vương Hà và nghệ sĩ trẻ Nguyên Thành thoại và ca giọng Huế khi vào vai Công Tằng Tôn Nữ Thị Phượng vốn xuất thân từ hoàng tộc và Cựu hoàng Hàm Nghi, NSƯT Thu Trang thoại và ca giọng Bắc khi vào vai Cải - người học trò lưu lạc từ miền Bắc của thầy Ba Đợi…; hay sự xuất hiện của bài nhạc chủ đề Gập ghềnh ngũ cung được NSND Trọng Đài sáng tác theo phong cách dân gian - đương đại; những màn múa hình thể hiện đại… gần như không phá vỡ tổng thể vở diễn (dù rằng với khán giả cải lương truyền thống không hẳn là dễ cảm nhận). 

Chú thích ảnh
NSƯT Lê Tứ có những lớp diễn đầy cảm xúc khi vào vai thầy Ba Đợi giai đoạn vào sinh sống ở vùng Cần Đước - Long An. Ảnh: Ngân Anh

Việc để 4 nghệ sĩ cùng chia vai nhạc sư Nguyễn Quang Đại - thầy Ba Đợi không chỉ thể hiện 4 giai đoạn cuộc đời của nhân vật mà mỗi nghệ sĩ với phong cách biểu diễn riêng của mình còn là một khả năng mà mọi người hình dung về một thầy Ba Đợi trong đời thực, cũng là ý tưởng mới mẻ và thường bắt gặp ở kịch nói hơn một loại hình sân khấu truyền thống. Vì thế, dù tuổi bách niên, nhiều chuyên gia và giới chuyên môn cho rằng sân khấu cải lương vẫn chưa thể định hình và sẽ không định hình mà tiếp tục phát triển nhờ khả năng: “tiếp cận cuộc sống vô cùng lớn lao, tiếp biến văn hóa với các loại hình, loại thể văn học, nghệ thuật thế giới và trong nước rất năng động, tự do, tự chủ và làm thỏa mãn được mọi nhu cầu thẩm mỹ của các thành phần khán giả” như lời PGS.TS Trần Trí Trắc. 

Nhiều chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương

Từ đầu năm đã có nhiều chương trình hướng đến sự kiện “100 năm có một” này, như: “ông bầu trẻ” Gia Bảo - hậu duệ “đại bang” cải lương Thanh Minh - Thanh Nga lừng lẫy một thời - tổ chức tái dựng vở cải lương kinh điển Đời cô Lựu quy tụ nhiều thế hệ nghệ sĩ tài danh (1/2018); chương trình “Dạ khúc tri âm” được Đoàn Nghệ thuật Tổng hợp Tiền Giang biểu diễn tại rạp hát Thầy Năm Tú (TP Mỹ Tho) - rạp hát cải lương đầu tiên công diễn vở cải lương đầu tiên là Kim Vân Kiều vào năm 1918, được xác định là cột mốc hình thành sân khấu cải lương (3/2018); mới đây là Hội thảo khoa học “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918 - 2018) - Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” và chương trình công diễn vở cải lương “Nam - Bắc một nhà” Thầy Ba Đợi (4/2018).

Chú thích ảnh
Ảnh: Ngân Anh

Sắp tới, vào ngày 6 và 13/5, tiếp tục một dự án kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương nữa là ra mắt bản dựng mới vở cải lương kinh điển Thái hậu Dương Vân Nga do NSƯT - đạo diễn Hoa Hạ và các cộng sự thực hiện. NSƯT Hoa Hạ cho biết vở được dựng theo bản của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang do tác giả Hoa Phượng - Chi Lăng chuyển thể từ kịch bản chèo của Trúc Đường, đạo diễn Chi Lăng dàn dựng, đã từng khẳng định tên tuổi hai nữ nghệ sĩ tài danh Bạch Tuyết và Ngọc Giàu trong vai Dương Vân Nga. Phiên bản Thái hậu Dương Vân Nga năm 2018 này có sự tham gia của lực lượng nghệ sĩ hùng hậu thuộc nhiều lĩnh vực: NSƯT Phượng Loan, Lê Tứ, Quỳnh Hương, nghệ sĩ Chí Linh, Điền Trung, Lê Thanh Thảo… của sân khấu cải lương; Đại Nghĩa, Gia Bảo, Xuân Trang từ sân khấu kịch; ca sĩ Phương Thanh và Quốc Đại.

Trong đó, có 3 diễn viên nối nghề truyền thống của gia đình là: Kim Ngân - người bỏ 800 triệu đồng cùng NSƯT Hoa Hạ thực hiện dự án - là con gái cố NSƯT Kim Ngọc (từng đảm nhận vai Hiệu úy Kỳ Hoa trước đây) sẽ cùng NSƯT Phượng Loan vào vai Thái hậu Dương Vân Nga; Gia Bảo sẽ diễn lại vai Đinh Lăng của ông nội mình là NSƯT Bảo Quốc; Xuân Trang sẽ thử sức với vai Nguyễn Bặc - vai diễn khá nặng so với vai Phạm Hạp mà cha anh là cố NSƯT Minh Châu từng diễn.

Chú thích ảnh
Ảnh: Ngân Anh

Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang NSND Trần Ngọc Giàu cho biết Hội Sân khấu TPHCM cũng đang chuẩn bị nhiều hoạt động chào mừng 100 năm sân khấu cải lương vào cuối năm. Dự kiến có chương trình hội thảo, họp mặt của người làm cải lương TP.HCM nhằm tìm hướng đi cho sân khấu cải lương trong đời sống hiện đại; chương trình biểu diễn lễ hội tại Công viên 23/9; và đặc biệt là đêm diễn tái hiện lại nhiều xảo thuật sân khấu đánh dấu bước phát triển vượt bậc của sân khấu cải lương thời hoàng kim đã có từ trước năm 1975 mà đến nay đã mai một dần…

Cải lương còn, hồn Việt còn: Vì đâu chuyển từ đỉnh cao sang vực sâu? - Bài 1

Cải lương còn, hồn Việt còn: Vì đâu chuyển từ đỉnh cao sang vực sâu? - Bài 1

Đúng, đã có một thời kỳ dài và kéo mãi đến bây giờ hai chữ cải lương được dùng như một tính từ để gán cho những gì không đẹp, méo mó, dị dạng về hình thức lẫn nội dung để ai vướng ít nhiều chất đó bị lãnh thái độ xem thường rẻ rúng.

Ninh Lộc

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến