LTS: Ngày 28/4/2018 tại TP.HCM, Hội thảo khoa học toàn quốc “Một thế kỷ hình thành, phát triển của nghệ thuật cải lương ở Việt Nam (1918-2018): Những vấn đề đặt ra, định hướng và giải pháp phát triển” đã diễn ra.
Đúng, đã có một thời kỳ dài và kéo mãi đến bây giờ hai chữ cải lương được dùng như một tính từ để gán cho những gì không đẹp, méo mó, dị dạng về hình thức lẫn nội dung để ai vướng ít nhiều chất đó bị lãnh thái độ xem thường rẻ rúng.
Thắm thoắt mà cải lương đã được trăm tuổi, vượt xa số tuổi của chúng ta, những người đang có mặt hôm nay. So với nhiều nghệ thuật khác, có thể trăm năm chưa phải là nhiều. Ở thực trạng xã hội hiện nay, không ai nghĩ về cải lương như một lão niên bách tuế râu tóc bạc phơ mà phải nhìn thẳng vô một sự thật đau lòng là đa số người Việt mình đang nhìn về nó như một trung niên thiếu phụ từ quê lên tỉnh, hương đồng cỏ nội đã bay khá nhiều, lại thêm sa vào giải phẩu thẩm mỹ quá tay.
Cá nhân tôi, một đạo diễn từ kịch nói chuyển qua, đã được cùng làm việc với những nghệ nhân tuổi hạc khá cao nay không còn nữa như cô Bảy Phùng Há, cô Hai Kim Cúc, các thầy Hoàng Ba, Tấn Đạt, đã được lãnh trách nhiệm đào tạo hai khóa 3 và 4 của lớp đào tạo cải lương trực thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, đã từng ngồi học hát với các em để thẩm thấu hơn nghệ thuật đầy hồn Việt này, thật sự là không cam tâm khi thấy những người còn yêu cải lương vẫn còn vất vả trên con đường bảo tồn và tạo ra tác phẩm mới cho những khán giả tri âm.
Với tâm tình đó, và với những mày mò tìm hiểu có thể đúng, có thể chưa chuẩn, nhưng rất mong những lời nói thẳng và thật này được nhiều tiền bối chỉ giáo thêm.
Ôn cố tri tân
Thử khảo sát những lần cải lương đang ở đỉnh cao chợt chuyển sang trầm luân, trôi nổi. Xét giai đoạn trước 1975, giải Thanh Tâm được ký giả Trần Tấn Quốc lập ra để tưởng thưởng và khuyến khích những tài năng trẻ vừa lóe sáng trong nghệ thuật cải lương. Giải sống được 10 năm từ 1958 đến 1968.
Được biết đến năm 1970, cải lương đã dần dần suy tàn, không còn là mối quan tâm của nhiều người khi người Mỹ rút quân với số lượng lớn. (http://nghiencuuquocte.org/2015/03/29/linh-my-cuoi-cung-rut-quan-khoi-viet-nam). Kinh tế xuống, tình trạng thiết quân luật của thời chiến, phim Hong Kong “chưởng phong tô màu ngoạn mục” nhập ồ ạt, tâm lý bất ổn giữa việc rời đất nước trong an toàn hay có khả năng bị chết thảm nếu ở lại cùng cả dân tộc. Cải lương cho thấy không còn ích gì cho buổi ấy.
Các nghệ sĩ cải lương như Thanh Nga, Thành Được, Hùng Cường, Bạch Tuyết… được các hãng phim mời chào. Có lúc Thanh Nga còn phải tạm rời Thanh Minh đi hát chầu đoàn khác.
Một lần khủng hoảng khác vào những năm sau 1975, Bạch Lựu, quản lý đoàn tuồng cổ Minh Tơ đã từng viết thư lên sở quản lý kêu cứu về loạt phim Võ Tắc Thiên ngoại nhập khiến cải lương nguy khốn. Đó chỉ là một yếu tố chưa phải quyết định.
Sau một thời gian đổ công cùng làm nguyên tuồng, lại rộ lên phong trào diễn trích đoạn hay. Tập cho khán giả thói quen này, các nghệ sĩ ngôi sao quên rằng để có những trích đoạn hay kia, còn có sự góp tay của biết bao công sức của tác giả, đạo diễn, diễn viên khác nữa. Thêm nữa, khi phong trào video nở rộ mà đa phần do Việt kiều đặt hàng vào những năm Liên Xô đổi mới, tường Berlin đổ, một số soạn giả và nghệ sĩ có vẻ xem trọng những khán giả thưởng thức tài ca diễn của mình qua màn hình, hơn là số khán giả đến rạp.
Tôi đã chứng kiến một khối lượng khán giả đầy rạp ngồi chờ anh kép chánh đi đóng video từ Thủ Đức chạy về nên mãi đến một tiếng rưỡi sau so với giờ ghi trên vé mới xem được vở diễn mở màn. Nhiều người chờ không được đã về trước. Chưa kể, có rạp, bên trong có chuột cống chạy rào rào, bên ngoài có tệ nạn chợ đen xô xát, đôi khi đưa đến tử vong. Lúc ấy, thuê một băng video có thể xem cả nhà chỉ với 3.000 đồng. Còn đến rạp, ngoài tiền vài chiếc vé phải mua chợ đen, hai vòng taxi, lại có nguy cơ bị trả vé, không xem được vì lý do nghệ sĩ đóng phim chưa về, tổng chi phí cho cả nhà có khi gấp cả trăm lần.
Khởi thủy từ lòng yêu nước
Trở lại phút giây khởi thủy của cải lương: theo nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển, cải lương ra đời do lòng yêu nước của một nhóm người muốn Việt Nam có được một nghệ thuật biểu diễn có tích tuồng, ca hát của riêng nước mình, không trùng lấp với ai.
Xuất phát từ phong trào đờn ca tài tử, nghiên cứu cách viết hồi, cảnh, lớp của kịch Tây, những người tinh thông Tây học lẫn chữ Hán, chữ Nôm đã dựa trên nhiều nguồn để kiếm tích truyện. Họ đã soạn ra những kịch bản cải lương từ nguồn sử như: Hai Bà Trưng, Bà Triệu; từ nguồn văn học như Truyện Kiều, Lục Vân Tiên… Cải lương còn có thể Việt hóa kịch bản của các nước như Tây, Tàu, Ấn, Pháp…
Dù nguồn gốc nào các kịch bản cải lương từ xưa đến nay, để có thể ở lâu trong lòng khán giả thì ngoài phần giải trí, còn phải hướng người xem đến một đạo làm người, chỉnh sửa thái độ sống sao để ta không sống vô cảm, dửng dưng với chung quanh.
Gần như các tuồng cải lương đều đề cao trung hiếu lễ nghĩa và kết thúc có hậu. Như thế, trong bối cảnh hiện tại với xu thế toàn cầu hóa đang lan tỏa, nếu không vững vàng dễ đưa tới việc xã hội không ổn định. Các giá trị đạo đức bị lệch chuẩn, các vở tuồng cải lương dễ bị những người - nhất là những người trẻ - xem cải lương là tụt hậu.
Thật là oan và tội cho một bộ môn nghệ thuật đã khởi đầu bằng chí hướng: “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.
Do xuất phát từ lòng yêu nước, cải lương từ cái nôi ở vùng Nam bộ dễ dàng trôi chảy và lan tỏa khắp toàn quốc. Ngày nay cải lương vẫn được yêu chuộng ở những cộng đồng người Việt ở khắp nơi trên thế giới. Không phải loại hình nghệ thuật truyền thống nào của Việt Nam cũng đạt được điều đó.
Chúng tôi đã chứng kiến tấm lòng yêu mến thiết tha với cải lương của những bạn trẻ ở những nơi xa tổ quốc. Không chỉ yêu, các bạn ấy còn muốn được tham gia “làm cái gì đó” cho bộ môn nghệ thuật này. Ví dụ như Leon Quang Lê, cậu Việt kiều, diễn viên hiếm hoi ở Broadway gốc Việt cách đây 15 năm đã từng về nước với hoài bão muốn thực hiện một vở cải lương nhưng không thành. Giờ với dự án điện ảnh Song Lang, tả lại bối cảnh xã hội Sài Gòn vào những năm 1990, cậu đã đưa được vào phim những trích đoạn cải lương do chính cậu hợp soạn cùng soạn giả Hoàng Song Việt.
Khi tôi mang vở Người đàn bà thất lạc sang New York, người bạn trẻ này đã tâm sự với tôi: “Ở xứ người, mỗi khi nghe một làn điệu của cải lương đâu đó thoảng qua thì dường như có một cái gì đó cứa nhẹ vào tim em. Ở đất Mỹ, khi được nghe cải lương vang trên xe một tay lái người gốc Việt, tôi liên tưởng đến câu nói “Truyện Kiều còn, nước ta còn” của Phạm Quỳnh, để có thể tin một điều tương tợ: “Cải lương còn, hồn Việt còn”.
(Còn nữa)
Nguyễn Thị Minh Ngọc