(Thethaovanhoa.vn) - Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt câu hỏi: “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam nằm ở đâu?”. Và ông lưu ý, Việt Nam cần phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của sức mạnh mềm văn hóa, qua đó phải biết chọn lọc những yếu tố đặc sắc và không né tránh mặt yếu kém, tiêu cực.
Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23.11, nhiều chuỗi hoạt động, chương trình giao lưu trình diễn có tính chất quốc tế, dự án hợp tác được tổ chức trên địa bàn TP Hà Nội.
Các chuyên gia tham gia Hội thảo khoa học quốc tế “Sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế” do Viện VHNT Quốc gia Việt Nam và Văn phòng UNESCO Hà Nội phối hợp tổ chức vừa diễn ra tại Hà Nội đã gợi mở nhiều giải pháp quan trọng để chuyển hóa nguồn lực văn hóa trở thành sức mạnh mềm văn hóa, giàu sức hấp dẫn và lôi cuốn.
Chưa “thấm tháp” gì so với tiềm năng
Theo PGS.TS Phạm Lan Oanh, Phó Viện trưởng Viện VHNT Quốc gia Việt Nam, “toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đã mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Việt Nam không thể chỉ tập trung phát triển “sức mạnh cứng” về kinh tế, quân đội mà cần phải quan tâm phát triển cả “sức mạnh mềm”, đặc biệt là văn hóa”.
Được biết, hầu hết các quốc gia trong top đầu của bản đồ sức mạnh mềm 30 từ năm 2015 đến nay như Anh, Đức, Pháp, Mỹ, Nhật hay các cường quốc mới nổi tại châu Á như Hàn Quốc, dù gia tăng sức mạnh theo mục tiêu nào thì sự thành công đều có mẫu số rất đặc biệt, liên quan đến việc chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa, có sức hấp dẫn, lôi cuốn, thuyết phục đối tượng tiếp nhận. Ông Michael Croft, Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội nhấn mạnh: “Những hiểu biết sâu sắc về sự hình thành và việc duy trì sức mạnh mềm văn hóa có vai trò then chốt đối với Việt Nam trong việc giải quyết với các thách thức của tương lai và định vị quốc gia tốt nhất để đạt được thành công và sự ổn định”.
Các quan điểm khoa học cũng chỉ ra rằng, cơ chế chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa nếu được xác lập và vận hành tốt sẽ tạo tiền đề cho Việt Nam phát huy sức mạnh mềm văn hóa hiệu quả trong điều kiện thực tế của một quốc gia đang phát triển, chưa có tiềm lực cạnh tranh về kinh tế. Đa phần các ý kiến của các chuyên gia trong và ngoài nước đều cho rằng, cần xác lập một tầm nhìn dài hạn để phát huy sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam. Trước hết, tầm nhìn này phải được bắt đầu từ việc thực hiện các mục tiêu cụ thể là hình thành cơ chế phối hợp giữa các kênh tác động, nhằm tạo hiệu quả tích cực trong việc chuyển hóa nguồn lực mềm văn hóa vốn rất đa đạng, phong phú của Việt Nam.
Từ kinh nghiệm của Hàn Quốc, TS Park Nark Jong (chuyên gia của Viện VHNT Quốc gia Việt Nam) chia sẻ những số liệu, bảng biểu cho thấy sức mạnh văn hóa của Hàn Quốc khi được phát huy đã trở thành tiềm lực kinh tế. Không đơn thuần để một quốc gia có xuất phát điểm khiêm tốn như Hàn Quốc đến nay lại trở thành đất nước có công nghiệp games đứng thứ 4, điện ảnh đứng thứ 9 thế giới. Đất nước này nằm cũng trong top 10 thế giới về sức mạnh mềm. Thế nhưng phát triển mạnh nhất của Hàn Quốc lại là xuất bản và thư viện, với doanh thu chiếm 10,8% GDP. Ngoài ra, Hàn Quốc còn nổi tiếng với công nghiệp sáng tạo, KPOP. Ngoài điệu nhảy Gangnam style đã làm điên đảo toàn cầu thì đất nước này còn có BTS là ban nhạc trẻ nổi tiếng thế giới, cũng là ban nhạc đầu tiên của Hàn Quốc đứng đầu bảng xếp hạng âm nhạc Billboard.
Đối chiếu với Việt Nam, TS Park Nark Jong cho rằng, công nghiệp văn hóa ở Việt Nam còn yếu, đáng chú ý là mảng thư viện, xuất bản vốn được xem là nền tảng để phát triển các lĩnh vực văn hóa khác. Chuyên gia người Hàn Quốc cũng băn khoăn khi so với tiềm năng văn hóa thì nguồn sức mạnh mềm được chuyển hóa tại Việt Nam vẫn còn nhiều vấn đề cần nói.
Tiếp cận và phát triển như thế nào?
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan cũng cho rằng, trong tiếp cận và chuyển hóa tài nguyên văn hóa trở thành sức mạnh quốc gia thì Hàn Quốc đúng là một điển hình. “Hàn Quốc đã vươn lên mạnh mẽ, họ đã đặt văn hóa vào trung tâm của sự phát triển và căn cơ giải quyết từng câu chuyện. Bắt đầu từ phim ảnh, thời trang, trang sức, Kpop..., mọi đường hướng phát triển đều được tổ chức bài bản. Đây chính là mẫu hình mà chúng ta cần học tập”, nguyên Phó Thủ tướng nói.
Ông cũng lưu ý, Việt Nam sở hữu những nguồn lực to lớn để có thể chuyển hóa thành sức mạnh mềm văn hóa. Chia sẻ những trải nghiệm của mình, ông nhận định “sức mạnh mềm Việt Nam” bao gồm 5 nhân tố đặc trưng: Thứ nhất, vị trí địa chính trị - địa kinh tế tự nhiên của Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn của đất nước đối với các nước lớn. Thứ hai, lịch sử Việt Nam tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ với quốc tế. Thứ ba, nhân tố văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là yếu tố văn hóa phi vật thể đặc sắc. Thứ tư, chính sách của Việt Nam có sức hấp dẫn mạnh cả trong thời chiến cũng như thời bình, ẩn sau đó là những triết lý về văn hóa. Thứ năm, chính sức mạnh cứng về quân sự - chính trị - kinh tế cũng góp phần tạo nên sức mạnh mềm, và chuyển hóa thành sức mạnh mềm. “Tuy nhiên, điều quan trọng là cần xác định thế mạnh để tận dụng. Làm thế nào để văn hóa trở thành sức mạnh mềm của đất nước? Bởi từ trước đến nay, văn hóa vẫn bị xem là thứ yếu, trong khi đó là nguồn gốc của dân tộc”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan đặt vấn đề.
Chia sẻ về nguồn ngân sách chi cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và phát huy sức mạnh mềm văn hóa, TS Nguyễn Văn Phong, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô đang thiếu những nhà đầu tư cho văn hóa, nghệ thuật. “Nếu so sánh mảng đầu tư này thì ở TP.HCM mạnh hơn nhiều. Còn tại Hà Nội, tìm tài trợ dự án nghệ thuật rất khó, thế nhưng tài trợ dự án tâm linh có khi lại lên đến vài trăm tỉ đồng”, ông Phong nói.
Đại sứ Vũ Bình, đại diện Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, nảy sinh nhiều thách thức mới, phức tạp, việc giải quyết không chỉ sử dụng sức mạnh cứng mà cần sức mạnh tổng hòa, trong đó ngoại giao văn hóa. Sức mạnh mềm đang ngày càng được các quốc gia quan tâm, tăng cường và đang trở thành xu hướng tất yếu trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. “Việt Nam luôn coi trọng và phát huy vai trò của ngoại giao, trong đó có ngoại giao văn hóa”, Đại sứ Vũ Bình khẳng định.
Để chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa phong phú, đa dạng trở thành sức mạnh mềm quốc gia, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh, Việt Nam cần chọn lọc những yếu tố đặc sắc và không né tránh mặt yếu kém, tiêu cực. Bằng góc nhìn của một chính trị gia giàu kinh nghiệm, ông cũng lưu ý, mặc dù vai trò của sức mạnh mềm văn hóa đặc biệt quan trọng nhưng dường như xã hội còn hiểu biết rất ít ỏi, cả về khái niệm lẫn nội hàm của lĩnh vực này. Vì thế, cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức về sứ mệnh và vai trò của sức mạnh mềm văn hóa.
Không phải quốc gia nào cũng có đầy đủ mọi sức mạnh mà phải chọn lựa lĩnh vực ưu tiên. Ta phải tính toán mình có những gì? Có thể làm gì và thế giới cần gì, thích gì? Nếu ba khâu này không liên kết được với nhau thì sức mạnh mềm văn hóa khó có thể phát huy được.
(Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan)
|
Theo Ngân Anh/ Báo Văn hóa