(Thethaovanhoa.vn) - Họa sĩ Nguyễn Lâm (tên đầy đủ: Lâm Huỳnh Long, sinh năm 1941 tại Cần Thơ) gần như thành công ngay từ lúc bước chân vào con đường hội họa chuyên nghiệp đầu thập niên 1960. Năm 1961 và 1963 có tranh tham dự Biennale de Paris ở Pháp; năm 1962 nhận Huy chương Bạc tại Triển lãm mùa Xuân ở Sài Gòn. Trải qua nhiều biến cố khách quan và chủ quan, nhưng việc vẽ là không ngơi nghỉ với ông, khoảng 60 năm cầm cọ, Nguyễn Lâm đã vẽ hơn 1.200 tác phẩm.
Làm việc chuyên nghiệp, sáng tác miệt mài và đóng góp một nét cọ lãng du mê hoặc người xem trong hệ sinh thái nghệ thuật tạo hình hiện đại Việt Nam – đó là Hồ Hữu Thủ.
Hiện nay “code giá” của Nguyễn Lâm trên thị trường chưa lộ rõ, vì ông và phía người mua thường ít khi tiết lộ điều này. Nhưng qua trung gian, với các bức sơn mài khổ lớn, khoảng 120cm x 240cm, đã có những giao dịch cho thấy lên đến 100 ngàn USD. Bức sơn mài to nhất mà Nguyễn Lâm từng vẽ là 200cm x 600cm, nếu bây giờ giao dịch, chắc chắn giá còn cao hơn rất nhiều.
Đẳng cấp của Nguyễn Lâm
Năm 2013, Nguyễn Lâm được Tổng Lãnh sự quán Pháp tại TP.HCM mời phục chế bức phong cảnh khổ lớn của Nguyễn Gia Trí, với nhiều miếng ghép, nên rất khó. Sau khi phục chế thành công, Nguyễn Lâm cho biết: “Thực ra đây là một tác phẩm sơn mài được thực hiện theo phương pháp truyền thống, nên không có gì mới so với những tiến bộ của kỹ thuật vẽ tranh sơn mài của Việt Nam ngày nay, nhưng tôi vẫn luôn có cảm giác hứng thú như được sống trong không khí sáng tác tại xưởng vẽ của nhà danh họa thời xa xưa, những năm mà tôi còn chưa được sinh ra”.
Đầu năm 2014, Thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM mời ông phục chế thành công ba bức sơn mài khổ lớn, cũng của Nguyễn Gia Trí, sáng tác thập niên 1960, đang treo tại không gian công cộng này. Chỉ hai ví dụ này thôi cũng đủ thấy sự am hiểu về kỹ thuật sơn mài của Nguyễn Lâm.
Một điều giúp ông vững vàng hơn nữa là gia đình có kinh nghiệm làm vóc và nhiều công đoạn khác của vật liệu sơn mài, nên am hiểu khá tường tận. Ông cũng có nhiều chục năm nghiên cứu, thử nghiệm, phân tích nên hiểu được đặc trưng, sự khác nhau của sơn mài Phú Thọ (sơn ta), sơn mài Bình Dương, sơn mài Nam Vang, sơn Nhật Bản, sơn công nghiệp… Ông và gia đình sáng tác chủ đạo từ vật liệu sơn ta, còn gọi là sơn mài truyền thống.
Họa sĩ Hồ Hữu Thủ và Đỗ Quang Em kể rằng từ những năm 1980, chính nhờ sự nối kết của Nguyễn Lâm với thị trường mà nhiều anh em họa sĩ cũ đã trở lại bằng việc vẽ sơn mài. Số họa sĩ tự nhận Nguyễn Lâm làm thầy trực tiếp hoặc gián tiếp khá nhiều, gần đây có vài họa sĩ trẻ đã làm các triển lãm cá nhân gây dấu ấn tốt về chuyên môn.
Cây bút mỹ thuật kỳ cựu Nguyễn Trọng Chức từng nhận định: “Cho đến khoảng giữa thập niên 1980, sự nghiệp hội họa của Nguyễn Lâm rẽ sang một chặng mới khi ông chọn sơn mài để biểu đạt những sáng tạo và cảm xúc của mình. Có thể nói, cùng với họa sĩ Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Lâm đã và đang tiếp tục khai phá, làm giàu nghệ thuật sơn mài truyền thống, hiện đại hóa sơn mài bằng ngôn ngữ trừu tượng - một thách thức không nhỏ với bất kỳ họa sĩ nào đã sống trọn vẹn với thứ chất liệu khó tính này”.
Cũng như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Nguyên Khai, Trịnh Cung…, Nguyễn Lâm cũng “nối gót” Nguyễn Phước để đi vào hội họa trừu tượng (abstraction) từ rất sớm, nở rộ là sau năm 1975, khi nhiều người muốn né cái ý cái hình khi vẽ, hoặc muốn đi vào tinh thần vô vi, thiền, u mặc.
Nguyễn Lâm bắt đầu cầm cọ với tinh thần lãng mạn trong các bút pháp hiện thực, ấn tượng, rồi biểu hiện, khúc giữa là những tìm tòi, thể nghiệm, để sau đó bước vào trừu tượng biểu hiện và trừu tượng. Hiện tại, bên cạnh trừu tượng là chủ lực (cả sơn dầu và sơn mài), Nguyễn Lâm vẫn vẽ tranh biểu hình - nhiều nhất là các thiếu nữ - để đáp ứng hai dòng sưu tập chính.
Hơn 25 năm gần đây, Nguyễn Lâm dành nhiều công phu cho tranh trừu tượng, dường như ông đã được thong dong, tự tại với chính mình. Rất ngại nói về bản thân, gần như né tránh hầu hết báo giới, nên với một hành trình dài, nhiều thành tựu, nhưng có rất ít bài phỏng vấn, hoặc bài viết lấy được ý kiến từ ông. Khi hỏi ông đã đi đến đâu trong trừu tượng? Ông chỉ ngắn gọn: “Trong cảm nhận riêng, tôi nghĩ mình mới đi được một chặng thôi, con cái và các đồng nghiệp trẻ thì đã đi xa hơn, mới mẻ hơn”.
Bụt nhà… vẫn thiêng
Gia đình Nguyễn Lâm thuộc nhóm hiếm hoi của Việt Nam có đến 8 họa sĩ, trong đó 6 người cùng lúc là hội viên của Hội Mỹ thuật TP.HCM và Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nguyễn Lâm có 9 người con, 5 gái 4 trai, trong đó 6 theo nghiệp vẽ là Huyền Lam, Lâm Huỳnh Sơn, Huỳnh Lân, Lâm Huỳnh Linh, Huyền Lê, Lâm Lan. Hai người con còn lại là Lâm Huỳnh Lâm và Lâm Huyền Ly làm thợ sơn mài, còn Lâm Huyền Loan là nghệ sĩ đàn tranh. Con trai của Huyền Lam, cháu ngoại của Nguyễn Lâm, là họa sĩ trẻ Lâm Ngọc Thanh.
Nói về gia đình họa sĩ của mình, Nguyễn Lâm chỉ ngắn gọn: “Tôi hạnh phúc vì tất cả đều sống được bằng nghề vẽ, biết nghe lời và biết tôn trọng công việc của nhau. Không phải đứa nào cũng theo nghề vẽ ngay từ đầu, có đứa đến tuổi trung niên mới đi học vẽ, nhưng rồi cũng tìm ra được đường đi cho mình”.
Sau năm 1975, Nguyễn Lâm là một lão tướng trong làng đua xe đạp TP.HCM, ông được nhiều đồng nghiệp trẻ quý mến vì ý chí và sự hòa nhã. Họa sĩ Huyền Lam kể rằng, mỗi ngày đi tập luyện, ba được phát cho một ký thịt bò, đó là nguồn dinh dưỡng chính của cả gia đình trong những năm tháng khó khăn thời bao cấp. Không chỉ ảnh hưởng đến con cháu về chuyện vẽ tranh, mà cả chuyện tập luyện xe đạp và lối sống siêng năng, kiệm lời.
Trước khi thành họa sĩ ở tuổi trung niên, Lâm Huỳnh Sơn (sinh năm 1964) từng là cua-rơ rất nổi tiếng của Việt Nam, kiện tướng của nhiều giải thưởng. Lâm Huỳnh Lâm, Lâm Huỳnh Linh, Lâm Huyền Ly… cũng là những vận động viên đua xe đạp, có nhiều thành tích.
Trừ họa sĩ Huyền Lê đang định cư tại Mỹ, Nguyễn Lâm và con cháu hiện sống chủ yếu tại quận Phú Nhuận và Gò Vấp, TP.HCM. Căn nhà mà Nguyễn Lâm và vợ (Nguyễn Thị Thường) sống từ đầu thập niên 1960 nằm trong một con hẻm trên đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, vẫn luôn đầy ắp tiếng đùa vui của con cháu. Đây là nơi lui tới của rất nhiều thế hệ họa sĩ, nhà nghiên cứu, giới sưu tập và kinh doanh nghệ thuật.
Tác phẩm của Nguyễn Lâm nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Nghệ thuật Singapore, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM… cũng như trong các bộ sưu tập tư nhân khắp châu Á, châu Âu và châu Mỹ.
(Hỏi đáp về nghề nghiệp, nghệ thuật, thị trường)
Họa sĩ có quyền không vẽ theo thị hiếu
* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?
- Từ xưa đến nay tôi chỉ vẽ tranh biểu hình và tranh trừu tượng, ít quan tâm tới câu hỏi này.
* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?
- Tôi nghĩ cũng như nhau thôi, vì mình vẽ suốt đời mà.
* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?
- Tôi hạnh phúc khi bản thân và các con sống được bằng việc bán tranh. Họa sĩ có quyền từ chối vẽ theo đề nghị của người mua.
* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?
- Tôi biết ơn họ, nhưng không để ý nhiều đến vai trò của họ. Tôi cứ vẽ thôi.
|
Văn Bảy