(Thethaovanhoa.vn) - Nhà phê bình mỹ thuật Huỳnh Hữu Ủy cho rằng, họa sĩ Đỗ Quang Em vẽ tranh theo lối tân hiện thực (neo-realism), thậm chí có người còn nói ông là cực thực (hyper-realism). Cả nửa thế kỷ ông chỉ vẽ vợ con, tự họa và vài đồ vật dân dã của người Việt, nhưng thu hút rộng rãi giới sưu tập quốc tế. Tổng thống Bill Clinton khi đến Việt Nam tháng 11/2000 đã từng nói: “Họa sĩ Đỗ Quang Em được giới thiệu tại nhiều triển lãm quốc tế...”.
Nguyễn Trung (sinh 1940, Sóc Trăng) là một tên tuổi lớn của hội họa miền Nam và của thị trường mỹ thuật. Kể từ bức tranh đầu tiên bán đầu thập niên 1960 với giá 300 USD - rất lớn thời bấy giờ - hơn nửa thế kỷ qua, Nguyễn Trung luôn là tên tuổi được tìm kiếm trên thị trường. Hiện nay, vài bức tranh của ông đã vượt ngưỡng 100.000 USD.
Nhiều tranh Đỗ Quang Em (sinh 1942, Ninh Thuận) trên thị trường đã được bán, được đấu giá lên đến 60-70 ngàn USD, nhưng hiện nay đang rơi vào tình trạng khan hiếm, do họa sĩ không còn sức để vẽ, mắt mờ tay run đúng nghĩa đen. Nhiều bức có giá rẻ hơn, dưới 10 ngàn USD, nhưng những người sở hữu cũng hạn chế giao dịch.
Trên báo The New York Times số ra ngày 29/11/1994 từng đưa tin bức Tôi và vợ tôi (vẽ năm 1989) của Đỗ Quang Em được bán công khai với giá 70.000 USD, theo thời giá hiện tại, cộng với đà tăng trưởng, bức này bây giờ phải trên 200.000 USD.
Một họa sĩ vị kỷ?
Trả lời phỏng vấn báo Thanh niên năm 2004, Đỗ Quang Em chia sẻ: “Nói thật, tôi chẳng biết trời cao đất rộng là gì, chỉ biết một vợ, bốn đứa con và vẻn vẹn vài người bạn. Bởi vậy, tôi có vẽ, có yêu thương ai, có ghét bỏ cái gì cũng trong phạm vi nhỏ hẹp đó. Tôi hạnh phúc hay khổ đau cũng chỉ trong chừng mực đó, còn những gì diễn ra bên ngoài bốn bức tường kia thì hoàn toàn xa lạ”.
Trong một cuộc trò chuyện khác, khi hỏi ông có cảm thấy mình hơi vị kỷ (chỉ vì mình) không? Ông gật đầu, nhưng nói mình không cố ý làm điều ấy.
Mà kể cũng lạ, giới sưu tập - chủ yếu quốc tế - thật dễ tính, họ mua những hình vẽ về… vợ con tác giả và mấy đồ vật dân dã Việt Nam ấy về làm gì? Những ghế tre, chõng tre, đèn dầu, tách trà, khăn choàng cổ, cái ấm, cái thạp... mua về thì có thể hiểu như một chút hương xa từ văn hóa Việt Nam. Còn những tả thực về vợ và con của ông thì sao?
Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng cắt nghĩa: “Hình ảnh khách quan đó không phải là đối tượng nghệ thuật của Đỗ Quang Em - ông không nhằm mục đích tinh lọc cái đẹp trong thế giới sự vật, cũng không phản ánh hoặc khái quát hiện thực trong tầm nhìn thế sự. Ông sáng tác với các cảm xúc trữ tình siêu hình, mà hình ảnh khách quan là chất liệu chỉ có ý nghĩa khách quan hóa”.
Nguyên Hưng nhận định thêm: “Hội họa Đỗ Quang Em biểu hiện một cảm thức của ông về hiện hữu, một xác tín về tính tất yếu của các “lý do tự nó” ở mỗi tồn tại (con người và sự vật). Người xem có thể cảm nhận, trong mỗi tác phẩm của ông toát lên một tinh thần nghiêm nghị, thể hiện sự trân trọng đối với thế giới đối tượng. Bao trùm trong tranh là bóng tối. Nó như sự tĩnh lặng huyền mặc của một tâm thức định tĩnh. Những khoảng sáng trong tranh Đỗ Quang Em bao giờ cũng gợi lên cảm xúc nhiệm màu của sự hiện thân”.
“Các tác phẩm của tôi là hiện thực, nhưng không phải là nhiếp ảnh”
Đỗ Quang Em xuất thân trong một gia đình nhiếp ảnh lâu năm và có tiếng tăm tại Phan Rang. Từ lúc nhỏ ông đã phụ làm bố cục, phụ chụp hình, tráng rửa phim, sửa hình... Kỹ thuật sáng tối của chụp hình chân dung thời này còn phảng phất trong tranh Đỗ Quang Em mãi về sau này.
Cha ông là người có tầm nhìn, nên muốn con mình học mỹ thuật để có cơ hội nâng cao tay nghề và thẩm mỹ cho nghề nhiếp ảnh, lúc ấy còn ít có trường lớp bài bản. Nhưng đó là một định hướng có vẻ sai lệch, vì sau khi học xong mỹ thuật, Đỗ Quang Em không những không tiếp tục nghề ảnh, mà còn đóng luôn cửa tiệm.
Ông nói: “Tôi không bao giờ muốn trở lại nghề chụp ảnh. Các tác phẩm của tôi là hiện thực, nhưng không phải là nhiếp ảnh”. Ông trở thành họa sĩ như chúng ta biết từ ngay đầu thập niên 1970 và ngay lập tức được giới sưu tập thích thú.
“Vào thời kỳ đầu tiên, cuối thập niên 1960 và đầu 1970, Đỗ Quang Em có phần gần Nguyễn Trung, chú ý đến ánh sáng và kỹ thuật sáng - tối, nhưng chỉ vài năm sau, khoảng từ 1971-1975 và mãi về sau này, anh đã tìm được cho mình một đường lối riêng hoàn toàn” - Huỳnh Hữu Ủy nhận xét.
“Họa hổ họa bì nan họa cốt”
Đây cũng là một quan điểm mà Đỗ Quang Em theo, nên ngoài “vẽ da”, ông luôn tìm cách “vẽ xương”, “vẽ hồn” của đối tượng quan sát. Ông còn bỏ thêm vào tác phẩm một dấu ấn cảm xúc đậm đặc.
Ông nhiều lần chia sẻ: “Xin đừng dốc láo trong tác phẩm của mình, mà phải chân thật. Thương ghét thì phải thật tình là thương ghét. Mạch cảm xúc trong tất cả tác phẩm của tôi đều rạch ròi như vậy. Vẽ bức tranh không hoàn toàn vì mục đích hoàn tất bức tranh đó, mà phải có một tinh thần đằng sau nó. Đó là những gì tôi muốn đạt được, nhưng có lẽ tôi chưa thành công”.
Như đã nói, kỹ thuật phòng tối trong nhiếp ảnh cổ điển đã ảnh hưởng rất lớn đến thị giác của Đỗ Quang Em. Những bức tranh của ông thường mạnh về màu tối, thậm chí rất tối. Ông quan niệm: “Nếu bạn muốn nhìn thấy độ sáng của đèn, thì bạn phải nhìn nó vào ban đêm”.
Với họa sĩ Đinh Cường thì: “Đó là một tâm hồn lạ. Đỗ Quang Em cũng thật khắt khe và có quy luật trước đời sống, cho nên tranh anh được nhận ra bằng trái tim của một ẩn dụ không lời. Đỗ Quang Em đã vượt lên cái tân-hiện-thực mà nhiều người đã nghĩ, nhờ cách chơi bóng tối, cách đặt ánh sáng đầy quyền uy, tranh anh mãi quyến rũ và đắt giá”.
Nếu so về số lượng tác phẩm với các thành viên khác của Hội Họa sĩ trẻ Việt Nam, Đỗ Quang Em thuộc loại vẽ ít, vì cách vẽ của ông không thể vẽ nhanh. Bước qua thế kỷ 21, tay của ông bị run, nên việc vẽ càng khó khăn và chậm chạp. Chính điều này làm cho tình trạng khan hiếm tác phẩm càng lớn hơn.
“Trong dòng nghệ thuật cổ điển, từ thời Phục hưng đến nay, đặt tranh anh bên cạnh các tác giả khác, chúng ta thấy ra ngay một thế giới riêng của Đỗ Quang Em, đó chính là đóng góp lớn và đặc biệt của anh vào nghệ thuật thế giới từ nghệ thuật hiện thực Việt Nam” - Huỳnh Hữu Ủy. Và thật vậy, trong dòng tranh hiện thực và tân hiện thực của Việt Nam thế kỷ 20, Đỗ Quang Em là một bậc thầy khó có người thay thế.
(Hỏi đáp về Nghề nghiệp - Nghệ thuật - Thị trường)
Nếu vì tiền mà vẽ thì sai lạc
* Ông quan niệm thế nào về “tranh nghệ thuật” và “tranh thị trường”?
- Thực sự tôi không biết, vì suốt đời tôi chỉ vẽ có một kiểu như vậy.
* Ông xem việc vẽ là nghề hay là nghiệp?
- Tôi cũng không biết, dù tôi đã chọn vẽ ngay từ trẻ.
* Vậy ông có khi nào phải vẽ chiều thị hiếu không?
- Nếu vì tiền mà vẽ thì sai lạc. Nó sẽ không còn thật lòng nữa, sự trung thực trong tác phẩm sẽ vơi đi rất nhiều.
* Vai trò của người mua tranh với nghệ thuật, sáng tạo?
- Tôi vẽ chân phương và chân thật, như những gì đã được học, nên khi được mua, được thích thì thấy rất vui. Bán tranh nghĩa là không còn tranh ở nhà, vậy là phải tìm tứ để vẽ bức khác, người mua gián tiếp giúp tôi tìm tứ mới.
|
(Còn nữa)
Văn Bảy