(Thethaovanhoa.vn) - LTS: Những tranh cãi xung quanh ý tưởng "cải tiến chữ Quốc ngữ" của PGS-TS Bùi Hiền còn chưa khép lại, nhưng vấn đề có lẽ đã quá rõ ràng rồi, khi Bộ GD&ĐT đã chính thức thông tin "Bộ không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay". Có lẽ thay vì tốn giấy mực theo đuổi cuộc tranh cãi, chúng ta hãy trở về vấn đề thiết thực và chưa bao giờ cũ đối với Tiếng Việt hiện nay: Cần giữ gìn sự trong sáng của nó như thế nào?
Tiếp theo 2 kỳ phỏng vấn TS Nguyễn Thị Bạch Nhạn về lịch sử chữ Quốc ngữ qua gần 400 năm, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đăng loạt bài về việc sử dụng tiếng Việt với đề xuất cần có Luật Ngôn ngữ.
|
Sinh thời, có lần nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo đã cảnh báo: “Người Việt hiện không còn biết nói và viết tiếng Việt nữa!”, để nói đến thực trạng tiếng Việt đang bị xuống cấp.
Vậy tiếng Việt hiện nay có thực “xuống cấp” và làm thế nào để “chống xuống cấp” cho tiếng Việt vẫn là câu hỏi lớn đang được cộng đồng, giới chuyên gia tìm câu trả lời.
Thực trạng của tiếng Việt hiện nay
Trước tiên, nói về thực trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay, PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam cho biết: “Tiếng nói mỗi dân tộc không thể đứng im mà cũng có sự biến đổi theo sự biến thiên của cuộc sống” - ông Tình nói. “Diện mạo từ vựng tiếng Việt đã được bổ sung, hoàn thiện nhiều so với trước. Đặc biệt, do sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật, hệ thống thuật ngữ tiếng Việt đã tăng lên không ngừng ở mọi lĩnh vực. Các nghi thức lời nói cũng đã có bước chuyển cho phù hợp với thực tế cuộc sống”.
Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Văn Tình, chúng ta đang ở trong thời đại phát triển mạnh mẽ của khoa học, công nghệ. Giao tiếp ngôn ngữ cũng bị ảnh hưởng bởi ngôn ngữ mạng, ngôn ngữ chat, nhất là ngôn ngữ "a-còng" (@) của giới trẻ...
Điều này phần nào làm lệch lạc bức tranh ngôn ngữ toàn dân và gây phản ứng trong dư luận.
“Nhưng ta phải coi đó là một xu hướng khó tránh” - ông Tình nói tiếp. “Vấn đề là phải có liều lượng, đừng lạm dụng và dùng đúng chức năng của nó. Nói gì thì nói, ngôn ngữ giao tiếp phải rõ ràng, dễ hiểu và trong sáng. Đừng vì "cái tôi" của nhóm người nào đó làm vẩn đục tiếng Việt một cách vô lối. Nhà nước phải quan tâm và có chính sách ngôn ngữ phù hợp”.
Đồng quan điểm với PGS-TS Phạm Văn Tình, GS-TS-NGND Trần Đình Sử nhìn nhận tình trạng sử dụng tiếng Việt hiện nay rất đa dạng, phổ biến nhất là hiện tượng pha tiếng nước ngoài vào với tiếng Việt. “Hiện nay, từ trong đời sống đến các phương tiện truyền thông, người ta hay ghép từ, tiếng nước ngoài vào với tiếng Việt, ví dụ: showbiz Việt, show diễn” - ông Sử nói. “Hay như đồng ý hay không đồng ý, nhiều người thay vì nói tiếng Việt họ lại dùng tiếng nước ngoài: No, OK...”.
Nói về ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay, GS-TS-NGND Trần Đình Sử cho rằng nó có những "quy ước riêng" mang tính chất chơi bời, đùa giỡn với nhau là chính. Nếu viết mà vẫn dùng “quy ước riêng ấy” một cách phổ biến mới đáng lo ngại. Muốn hạn chế nó, các cơ quan chức năng có liên quan và đặc biệt là truyền thông cần phải “gương mẫu và đạt chuẩn”trong việc nói, viết tiếng Việt thì mới giáo dục được người khác, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chưa biết cách làm giàu cho kho báu tiếng Việt
Từ cái nhìn của một người viết văn, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng, tiếng Việt của chúng ta hiện nay bị pha tạp, lạm dụng và thiếu chuẩn xác. Rất nhiều cách diễn đạt tùy tiện, nhân danh đổi mới nhưng thực ra đã phá vỡ truyền thống ngôn ngữ tốt đẹp của dân tộc chúng ta, đặc biệt là trong văn học.
Ông Thỉnh nói: "Ngôn ngữ cũng như mọi giá trị văn hóa khác, nó có thay đổi theo thời đại, theo đời sống nhưng sự tinh túy của tiếng Việt từ xa xưa đến nay không được nhiều người chú ý một cách thích đáng, kể cả với những người viết văn, làm báo...”.
"Nhiều người viết vội vàng, thiếu chọn lọc, thiếu sáng tạo, thiếu làm giàu cho bản sắc văn hóa của tiếng Việt” - nhà thơ Hữu Thỉnh nói tiếp. “Nhiều người còn lười, chưa làm cho cái hay, cái đẹp của tiếng Việt được lộ diện. Bây giờ người ta chạy theo những cách nói có sẵn, những từ ngữ có sẵn mà không chịu tìm tòi, khai thác cái kho báu tiếng Việt vô giá của chúng ta - một kho báu có khả năng diễn tả mọi cung bậc của tình cảm, mọi chấn động của chiều sâu tâm hồn con người.
Những người trẻ, nhất là với những người viết trẻ cần phải suy nghĩ về điều ấy. Vì rằng, mỗi tác phẩm là một giá trị về tư tưởng, giá trị về nghệ thuật nhưng đồng thời cũng phải là một giá trị về ngôn ngữ".
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cũng có quan điểm tương tự nhà thơ Hữu Thỉnh. Ông cho rằng, tiếng Việt hiện nay đang bị làm hỏng, làm xấu, rất đáng báo động. “Người ta sử dụng tiếng Việt một cách xô bồ, lộn xộn, không có chọn lọc và không nêu được cái tinh tế của tiếng Việt. Đây chính là dịp để chúng ta gióng lên hồi còi báo động và cần có ngay một “công cụ” để bảo vệ nó”.
***
Kể từ khi ra đời, trải qua nhiều giai đoạn của lịch sử, bức tranh tiếng Việt đã “nhuốm” không ít “những gam màu... lạ”. Trong bức tranh ấy, có những mảng màu theo nhiều ý kiến cần phải “bứng” đi và có những mảng màu có thể tiếp nhận, để phong phú hơn cho bức tranh ngôn ngữ Việt.
Vấn đề đáng nói là, kể từ khi Bộ Giáo dục (nay là Bộ GD&ĐT) ban hành Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt (1984) đến nay vẫn chưa có bất kỳ một văn bản nào của Nhà nước quy định về chuẩn hóa tiếng Việt.
Thế nên mới có chuyện, bức tranh ngôn ngữ chung của người Việt như đang treo giữa chợ, không người quản lý, bảo vệ, mặc cho ai muốn phết, muốn vẽ lên đó thứ gì cũng được?!
Kỳ 2: Cần xây dựng Luật Ngôn ngữ và văn tự
Bộ GD&ĐT không đủ thẩm quyền và không có dự kiến áp dụng bất cứ một phương án nào về cải tiến chữ viết quốc gia trong giai đoạn hiện nay.
Huy Thông