(Thethaovanhoa.vn) - Với những trang viết mang nhiều trải nghiệm, nhà văn Ma Văn Kháng đã chinh phục bạn đọc bằng những truyện ngắn độc đáo, những tiểu thuyết biên niên giàu tính tư tưởng. Cho đến thời điểm hiện tại, ông đã có 20 tiểu thuyết, hơn 200 truyện ngắn được xuất bản. Gần đây nhất, năm 2019, ở tuổi 83, ông tiếp tục cho ra mắt tiểu thuyết Mãi mãi một thời Thiếu sinh quân.
Có một nhà thơ mang trong mình sứ mệnh đưa văn hóa của “người đồng mình” (người Tày) phổ rộng, giao hòa với những vùng văn hóa khác của Việt Nam như một dấu ấn đầy kiêu hãnh. Đó là nhà thơ Y Phương (Hứa Vĩnh Sước).
Trong số những tác phẩm làm nên tên tuổi của nhà văn Ma Văn Kháng, tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn là một trong những sáng tác để lại dấu ấn đậm nét về cá tính, bản sắc nghệ thuật của nhà văn. Được tái bản nhiều lần, được chuyển thể thành phim truyện, có trích đoạn được đưa vào sách giáo khoa Ngữ văn lớp 12 là những minh chứng cho giá trị của tiểu thuyết này.
“Hãy nhìn từ cửa sổ gia đình mình nhìn ra cuộc đời”
“Hãy nhìn từ cửa sổ gia đình mình nhìn ra cuộc đời. Và từ cuộc đời hãy chiếu rọi ánh sáng vào mỗi căn nhà, như thế mọi điều sẽ sáng tỏ”. Đọc tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn chắc chắn độc giả sẽ thấy quan điểm này được nhà văn Ma Văn Kháng đưa ra hoàn toàn hợp lý.
Ở trong một bối cảnh xã hội có nhiều biến động ắt hẳn gia đình - tế bào của xã hội, ít nhiều sẽ chịu ảnh hưởng nếu không muốn nói là những tác động to lớn. Những quan niệm sống, những cách sống khác nhau của mỗi cá nhân trong gia đình ắt hẳn sẽ dẫn đến những thay đổi về các giá trị trong cuộc sống.
Mùa lá rụng trong vườn lấy bối cảnh vào những năm 1980. Đây là giai đoạn đặc biệt của đất nước, sau thời chiến, bắt đầu chuyển mình sang một giai đoạn mới, phong phú hơn, phức tạp hơn, dễ nảy sinh ra những quan điểm sống, tích cực có, lệch lạc cũng có, ở từng cá nhân trong mỗi gia đình.
Bằng con mắt tinh tường và một tư duy văn chương nhạy bén, nhà văn đã khéo léo đặt câu chuyện gia đình thời “tiền Đổi mới” vào trong một hoàn cảnh đặc biệt như gia đình ông Bằng trong tiểu thuyết. Từ đó, để người đọc thấy được một quy luật hiển nhiên rằng: Khi hoàn cảnh xã hội thay đổi thì gia đình cũng không thể tránh khỏi những biến động.
Mở ra bằng cảnh chuẩn bị cho một cái Tết gần gũi, bình dị mà vô cùng sống động, câu chuyện về gia đình ông Bằng với 5 người con trai: Tường, Đông, Luận, Cừ, Cần trong Mùa lá rụng trong vườn diễn biến trọn vẹn trong vòng 1 năm, theo tác giả là “từ cái Tết năm trước đến cái Tết năm sau”.
Sự hạn định về thời gian diễn biến câu chuyện gói gọn trong 1 năm thực sự là một thử thách không hề nhỏ đối với người cầm bút. Làm sao để lột tả được hết những biến động trong một gia đình, với những thay đổi, xung đột, mâu thuẫn trong các mối quan hệ giữa cha và con, giữa anh và em, giữa vợ và chồng?
Thế nhưng, theo dõi mạch truyện từ trang đầu cho đến khi gấp cuốn tiểu thuyết lại, người đọc sẽ thấy được bút lực dồi dào tuôn chảy trong từng trang viết của nhà văn Ma Văn Kháng. Viết về những chuyện đời thường nhất của gia đình, nhưng ngòi bút của nhà văn không biến những chất liệu từ cuộc sống đó trở nên tủn mủn, vặt vãnh mà ngược lại, lột tả được những biến động từ trong lối sống gia đình đến ngoài xã hội một cách sâu đậm và có ý nghĩa.
Từng số phận nhân vật hiện lên trong Mùa lá rụng trong vườn mang đến cho người đọc góc nhìn đa diện về từng kiểu người trong xã hội. “Mỗi nhân vật đại diện cho một loại người” - nhà văn Ma Văn Kháng chia sẻ - “Ông Bằng là đại diện cho tầng lớp trí thức cũ, chân phương, tôn trọng đạo lý truyền thống của gia đình, của xã hội, của dân tộc. Trong khi đó, Đông là tiêu biểu cho lớp kháng chiến trở về, có suy nghĩ giản đơn không thích nghi kịp với cuộc sống mới. Lý (vợ Đông) căng tràn sức sống, tiêu biểu cho khát khao của thời kỳ mới, muốn vươn lên, vượt qua nghèo khó. Luận là tiêu biểu cho con người tri thức mới, có suy tư vững vàng. Phượng (vợ Luận) là tiêu biểu cho người phụ nữ Việt Nam chịu thương chịu khó, hết lòng chăm sóc cho chồng cho con. Cừ là tiêu biểu cho thanh niên bị lạc đường trong thời kỳ mới, không chịu đựng nỗi gian khó”.
Luôn có tính thời đại
Việc đề cập đến những giá trị của gia đình, mô tả chân thực về một thời kỳ biến động của đất nước, những giá trị mà Mùa lá rụng trong vườn mang đến cần được khẳng định. Việc có đoạn trích xuất hiện trong Sách giáo khoa là một minh chứng thiết thực nhất.
“Phải nói đây là vinh dự lớn đối với tôi. Đầu tiên tôi không nghĩ mọi người đánh giá tác phẩm tốt, thuyết phục dư luận đến thế. Lúc đầu viết, tôi chỉ nghĩ viết một tác phẩm trong đó có những bóng dáng của gia đình mình. Viết một thời kỳ mới của văn chương, của xã hội. Mặc dù có một số ý kiến nhỏ trái chiều nhưng nhưng phần lớn là sự đón nhận, được dư luận xã hội chính thống xác nhận giá trị của tác phẩm” - nhà văn Ma Văn Kháng bày tỏ.
Sự biến thiên của đời sống xã hội luôn diễn ra không ngừng nghỉ. Bản thân những giá trị truyền thống hay giá trị gia đình cũng sẽ luôn bị tác động một cách mạnh mẽ, không chỉ riêng ở thời điểm đặt ra trong Mùa lá rụng trong vườn. Thế nhưng, những giá trị mà nhà văn Ma Văn Kháng gửi vào trong trang viết của mình thì luôn có tính thời đại, ứng hợp với mọi giai đoạn chuyển mình của đất nước. Như GS-TS Trần Đăng Suyền từng đánh giá: “Viết về sự biến đổi của gia đình, nghĩ cho cùng cũng chính là viết về sự vận động, số phận của mỗi cá nhân trong cuộc sống hiện nay. Mùa lá rụng trong vườn thể hiện sự nắm bắt tinh nhạy của Ma Văn Kháng về những biến động, những thay đổi trong tư tưởng, tâm lý và tính cách con người Việt Nam khi đất nước chuyển sang một giai đoạn mới”.
(Hỏi đáp Hiện tại - Quá khứ - Tương lai)
“Giữ được tâm thái yên hòa nên mới viết được”
* Giờ đây, ông có hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình?
- Tôi có tổng kết lại đời mình, thấy rằng đời tôi là một đời sống cân bằng. May mắn có, rủi ro cũng có, nhưng về cơ bản là ổn định, không may mắn nhiều, không rủi ro nhiều nhưng cũng không hoàn toàn im lặng, không hoàn toàn bình thản. Có sóng gió nhưng sau đó cân bằng lại được.
Tôi thấy cuộc sống của mình tương đối bình ổn. Tôi luôn cố gắng giữ được sự cân bằng trong tâm lý suốt 80 năm cuộc đời cho đến bây giờ. Chính vì giữ được tâm thái yên hòa nên mới viết được.
* Nếu có cơ hội quay lại thời kỳ đỉnh cao, ông sẽ làm gì?
- Sở trường, sở đoản của mình là văn chương, không thể khác được. Mình là người sống có lý tưởng, có hoài bão, mình muốn làm cái gì cho bản thân thật tốt đẹp. Đồng thời qua cái đó mình muốn đóng góp điều gì thật đáng kể cho xã hội.
Nếu như có quay trở lại thời sung sức, tôi chỉ mong mình có năng lực để tiếp tục thực hiện công việc viết lách của mình. Tất cả những lý tưởng của mình nằm ở trang văn, nằm ở cống hiến của mình. Cho nên dù có sung sức hay cạn kiệt thì khát khao vẫn là khát khao, muốn mang cái đẹp của văn chương đến cho mọi người.
* Giờ đây, ông có mong muốn gì với những tác phẩm mình đã sáng tác?
- Nguyện vọng của tôi đến bây giờ là muốn tái bản một cách có hệ thống những tác phẩm của mình. Trước đây có làm rồi nhưng tôi muốn in ấn một cách hệ thống, chính quy, dưới sự bảo trợ của Nhà nước để thành ra những giá trị được định vị một cách chính xác trong dòng chảy của văn học nước ta. Một khi tác phẩm được in ấn, giá trị của nó được định vị, tôi rất mong người đọc được đọc nó một cách nghiêm túc.
Công sức của tác giả bỏ ra để viết một cuốn sách rất nhiều, nhưng việc hưởng thụ, tiếp nhận quá ít. Không ai có thể dồn tâm dồn sức để đọc một cuốn sách đến nơi đến chốn cả. Vậy nên tôi rất mong các độc giả, các nhà phê bình (người đọc chuyên nghiệp) họ có thời gian, tâm sức, điều kiện vật chất để đọc thật kỹ lưỡng.
*Xin cảm ơn ông!
|
(Còn nữa)
Công Bắc