Gặp lại các tác giả được đưa vào sách giáo khoa (kỳ 2): 'Làm anh' – 'bài thơ quốc dân' về tình cảm anh em

Thứ Năm, 2/1/2020, 11:0 (GMT+7)

(Thethaovanhoa.vn) - Như bài kỳ 1 Phan Thị Thanh Nhàn: Nửa thế kỷ … "Hương thầm" thơm mãi bước người đi (TT&VH, số ra ngày 25/12/2019) đã phản ánh, hiếm có tác giả nào lại có nhiều tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa như nữ sĩ này. Bên cạnh Hương thầm là Làm anh (SGK lớp 2), Nàng tiên ốc (SGK lớp 4), Chị Võ Thị Sáu (SGK tập đọc),…Đây đều là những tác phẩm nổi tiếng gắn bó với ký ức thuở thiếu thời của nhiều thế hệ.

Phan Thị Thanh Nhàn: Nửa thế kỷ … 'Hương thầm thơm mãi bước người đi'

Phan Thị Thanh Nhàn: Nửa thế kỷ … 'Hương thầm thơm mãi bước người đi'

Sống trong lòng bạn đọc 50 năm, thi phẩm "Hương thầm" chắc chắn là một dấu ấn định danh nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trên thi đàn.

Viết thơ từ khi còn rất trẻ (từ những năm đầu của thập niên 1960),một trong những bài thơ nổi tiếng gắn với tên tuổi nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn phải kể đến bài thơ Làm anh – “bài thơ quốc dân” về tình cảm anh em trong gia đình gắn liền với tuổi thơ của bao người.

Những bài thơ từ thuở “vỡ lòng”

Những câu thơ: Làm anh khó đấy/ Phải đâu chuyện đùa/ Với em gái bé/ Phải “người lớn” cơ trong bài Làm anh đôi khi khiến nhiều người đọc nhầm tưởng là thơ của Trần Đăng Khoa hay thơ Xuân Quỳnh. Bản thân nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn biết rõ điều này, nhưng với nhà thơ thì “yêu thơ mà không cần biết tên nhà thơ”. Chả vậy mà bao năm qua bà vẫn viết và sống với thơ bằng cảm xúc của riêng mình, biết được “thơ của mình vẫn sống trong lòng bạn đọc đã là một điều vinh dự”.

Có không ít tác phẩm đưa vào sách khoa, nhưng bà luôn bỏ qua mọi thứ quyền lợi bên lề, bởi với nhà thơ: “Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chọn tác phẩm của mình vào chương trình học phổ thông, tôi cảm thấy vinh dự khi tác phẩm được phổ biến trong cả nước, các em học sinh đều được học đó là niềm tự hào, ngoài ra tôi không nghĩ đến vấn đề quyền lợi từ nhà xuất bản”.

Chú thích ảnh
Bài thơ “Làm anh” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn được in trong Sách giáo khoa lớp 2 - Ảnh: Tư liệu

Như Hương thầm, bài Làm anh cũng được nhà thơ chấp bút dành tặng trước tiên cho người em trong gia đình của mình. “Nhà tôi rất đông anh chị em nên thường chành chọe, tranh giành lẫn nhau nên tôi làm bài thơ trước hết cho các em mình, cho những người làm anh biết yêu, biết quý em gái, biết nhường nhịn,…”– nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chia sẻ.

Thơ Phan Thị Thanh Nhàn có thể nói là một trường hợp đặc biệt. Nhiều bài thơ của bà không ít lần bị nhầm với tác giả khác. Không chỉ riêng Làm anh hay Nàng tiên ốc, một bài thơ khác của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong sách giáo khoa là bài Chị Võ Thị Sáu cũng có lần bị nhầm thành thơ của Tố Hữu khi phát sóng trên một kênh truyền hình. Thế nhưng, với nữ sĩ Phan Thị Thanh Nhàn, mọi sự nhầm lẫn đều có thể thông cảm và bỏ qua một cách nhẹ nhàng.

Bài thơ Chị Võ Thị Sáu trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được trích từ bài thơ Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong một chuyến ra thăm Côn Đảo sau ngày giải phóng. Nói về kỉ niệm với bài thơ, nhà thơ kể rằng vào một buổi sáng, bà ra nghĩa trang Hàng Dương. Khi ấy, nghĩa trang còn xơ xác lắm chứ không được như bây giờ. Những ngôi mộ cao thấp, nhấp nhô nhìn rất thương. Mộ chị Sáu dưới chân một cây dương cụt ngọn, chỉ còn lại một nhành rất tươi hướng về phía Bắc. Mộ chị Sáu không có bia khắc tên, tuổi, quê quán như bây giờ mà chỉ có một tấm tôn gỉ, ghi số tù.

Chú thích ảnh
Trích đoạn “Chị Võ Thị Sáu” của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn trong Sách giáo khoa tập đọc lớp 1 - Ảnh: Tư liệu

“Đêm, tôi cộng hưởng tất cả những giai thoại, những cảm nhận, những suy nghĩ, hình ảnh về chị Sáu, viết thành bài Truyền thuyết trên đảo Côn Sơn. Bài thơ được in trên báo Văn nghệ số 43 năm 1976. Khi may mắn được chọn in vào sách giáo khoa cho các em học sinh học, ban tuyển chọn chỉ lấy 10 câu đầu bài thơ và đặt nhan đề là Chị Võ Thị Sáu” – bà kể.

Từ chuyện gia đình đến hình tượng lịch sử, thơ Phan Thị Thanh Nhàn đều có những dấu ấn rất riêng: Mộc mạc mà tinh tế, đi vào lòng người. Mỗi vần thơ đều là những câu chuyện đẹp, những hình ảnh đẹp “dệt vào ký ức” trẻ thơ những bài học có giá trị.

Khi được hỏi về những sáng tác mang tính giáo dục cho thời đại, cho những thế hệ mai sau của đất nước, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn đều khước từ mọi lời tán dương, ca ngợi. Riêng với nữ thi sĩ, viết thơ là tôn trọng cảm xúc, là lấy niềm vui cuộc sống.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (người thứ 3 từ trái sang) trong chuyến thăm Côn Đảo năm 1976 - Ảnh: NVCC

“Trước hết tôi viết cho gia đình tôi chứ không nghĩ đến những điều cao siêu. Mọi người cứ nghĩ viết để lại cho đời, nhưng tôi nghĩ đó là suy nghĩ khá ảo tưởng” – nhà thơ giãi bày - “Trong cuộc đời, không ai có thể nói xấu được ai, không ai có thể tâng bốc được ai, mình như thế nào thì xã hội sẽ đánh giá như thế, mình cố gồng mình nên cũng không để làm gì. Viết thì viết chứ tôi không cố gắng để những tác phẩm của mình để lại cho đời sau, nếu người ta thích, tác phẩmsẽ sống được vài năm, chứ làm sao sống được mãi”.

Dù bà khiêm tốn tự đánh giá như thế, nhưng tôi chợt nhớ đến điều mà Xantưkhôp Sêđrin đã từng nói: “Nghệ thuật nằm ngoài quy luật của sự băng hoại. Chỉ mình nó không thừa nhận cái chết”. Và thơ ca cũng thế, những tác phẩm có giá trị chắc chắn sẽ vẫn sống trong mọi thời đại. Một bài thơ được nhiều thế hệ truyền tai nhau không nhất thiết người tác giả được gọi tên, điều quan trọng sau cùng là tinh thần của người viết nên những bài thơ bất hủ đó được sống mãi. Và thơ của Phan Thị Thanh Nhàn đã có được điều này.

Chú thích ảnh
Nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn (người thứ 4 từ trái sang) trong chuyến thăm Côn Đảo năm 1976 - Ảnh: NVCC

Bằng lòng với cuộc sống… là hạnh phúc

Ở vào cái độ tuổi đã qua “cổ lai hy” từ lâu, ai một lần gặp nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn chắc chắn cũng đều ấn tượng với nét vui tươi, dịu dàng, tao nhã của một người phụ nữ đúng chất Hà thành. Đâu chỉ có vậy, nữ nhà thơ còn mang đến cho người đối diện một tinh thần tươi trẻ, nét yêu đời toát lên từ dáng vẻ của một người đàn bà đã trải qua không ít những biến cố của cuộc đời.

Gợi nhắc về cuộc sống nhiều nỗi buồn trong quá khứ, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn vẫn giữ một thái độ lạc quan, đón nhận mọi thứ bằng một tinh thần tích cực nhất. Bởi cuộc đời quá ngắn để cho chúng ta buồn. Góa bụa từ năm 36 tuổi, nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn một mình sống, một mình nuôi con, một mình viết thơ… lặng lẽ, độc bước đi qua những ngày u ám nhất của cuộc đời bằng một tinh thần nhẫn nại hiếm thấy ở một người phụ nữ.

Người ta vẫn nhắc với nhau rằng, đi qua tột cùng của những nỗi đau thì con người ta trở nên mạnh mẽ hơn, lạc quan hơn khi đón nhận mọi giông tố mà cuộc đời này mang đến. Điều này đúng với nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn! Bà thổ lộ: “Người ta thường hỏi tôi quan điểm như thế nào về hạnh phúc, tôi thường trả lời là ai mà biết bằng lòng với cuộc sống của mình thì người đó là người hạnh phúc”.

Và bà chọn một cách sống tự nhiên, chân thật với con người và độ tuổi của mình. Hằng ngày chăm chỉ tập luyện thể dục, bơi lội, đạp xe để nâng cao sức khỏe, tinh thần thoải mái, sống vui, sống khỏe từng giây phút trong cuộc đời mình. Nhà thơ vẫn tự nhủ rằng: “Tôi may mắn nhận được tình cảm đặc biệt của mọi người. Giờ đi đến đâu cũng nhiều người biết. Tôi chẳng có tên tuổi gì nhưng mấy anh sửa xe đạp vẫn biết vì thấy tôi mấy lần trên ti vi”.

Khi được hỏi về những dự định sách tác ở thời điểm hiện tại, nhà thơ trả lời: “Tôi nghĩ cảm xúc đến thì mình sẽ sáng tác chứ không dự định”.

(Còn nữa)

Công Bắc

GỬI Ý KIẾN        (Vui lòng gõ tiếng việt có đấu)
Họ và tên:
*
Email:
Nội dung:
*
Chuyên trang của Báo điện tử Thể thao & Văn hóa
Tổng Biên tập: Lê Xuân Thành
Giấy phép số 236/GP-BTTTT ngày 30/08/2024 do Bộ TT&TT cấp
Tòa soạn: 11 Trần Hưng Đạo - Hoàn Kiếm - Hà Nội
TEL: 04.39331878 FAX: 04.38248600 E:toasoan@thethaovanhoa.vn
© 2008 - 2024 Báo Điện tử Thể thao & Văn hóa, TTXVN. All rights reserved
tài trợ cống hiến
tài trợ cống hiến